Mặc dù đã nhiều năm gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc cấp phép khai thác mỏ đá lô 14A núi Thị Vải cho Công ty CP Phú Đức Chính là không công bằng, có sự ưu ái nhưng công dân vẫn chưa nhận được kết luận rõ ràng.
Khu vực khai thác mỏ đá lô 14 A.
Có hay không sự ưu ái?
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có nhiều mỏ khoáng sản đang khai thác. Theo phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng số điểm mỏ quy hoạch là 50 điểm mỏ, tổng diện tích hơn 1.326ha.
Bên cạnh việc góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế cho địa phương cũng như cung cấp nguyên vật liệu cho các tỉnh thành khác, hoạt động khai thác khoáng sản đôi khi vẫn tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống người dân. Thậm chí là xuất hiện việc khai thác trái phép, trong các dự án khai thác có những mâu thuẫn trong việc giải quyết bồi thường đất đai kéo dài.
Đơn cử vụ tố cáo của 1 doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là việc ông Hoàng Long (Giám đốc Công ty Nguyên Hoàng - TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) gửi đơn đi nhiều cấp chính quyền và cơ quan pháp luật tố cáo hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi và chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án khai thác mỏ đá xây dựng lô 14A núi Thị Vải của Công ty CP Phú Đức Chính.
Thanh tra tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từng có văn bản tháng 6/2018 về việc này và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để thanh tra dự án mỏ đá Lô 14A theo nội dung đơn tố cáo của công dân. Tuy nhiên nhiều năm nay vẫn chưa được kết luận rõ ràng.
Trong đơn gửi đến Kinh tế nông thôn, ông Hoàng Long cho biết, ông có 18 thửa đất với tổng diện tích khoảng 17 ha, đều thuộc tờ bản đồ số 37, ấp 6, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (nay là Thị xã Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất này do chính ông mua lại của những người canh tác từ trước năm 1993, được chính quyền địa phương xác nhận và có giấy tờ hồ sơ thể hiện việc kê khai, nộp thuế phí từ năm 1993.
Phần diện tích đất nói trên nằm trong quy hoạch khai thác đá lô 14, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành. Do có đất nằm trong vùng đã được quy hoạch khai thác đá xây dựng nên ngày 25/8/2009, Công ty Nguyên Hoàng đã có Văn bản số 14/CV-NH gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở, ngành chức năng về việc xin chủ trương đầu tư dự án khai thác đá xây dựng với diện tích đất là 25ha (gồm 17ha đất thuộc sở hữu của Công ty Nguyên Hoàng và 8ha đất của Công ty Hải Châu tham gia góp vốn) tại lô 14.
Mặc dù Công ty Nguyên Hoàng là doanh nghiệp có đất sẵn và có thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, nhưng qua nhiều thủ tục, quy trình, lại không được chấp thuận thực hiện dự án. Ông Hoàng Long cho rằng, vào thời điểm đó, ông Khải (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã dùng sự ảnh hưởng của cá nhân mình tác động đến các cơ quan có thẩm quyền, để tạo điều kiện cho Công ty Phú Đức Chính được chấp thuận khai thác mỏ.
Cũng theo khiếu nại, ông Hoàng Long cho biết, Công ty CP Phú Đức Chính mới được thành lập năm 2009. Cổ đông công ty này gồm: ông Phạm Quang Đức (con trai của ông Phạm Quang Khải – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Phạm Phòng Phú (lái xe nhiều năm của ông Khải) và ông Phạm Văn Chính. Doanh nghiệp này mới thành lập đầu năm thì cuối năm đã xin khai thác mỏ.
Bất ngờ tháng 5/2011, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định chấp thuận cho Công ty CP Phú Đức Chính được khai thác mỏ, dù đơn vị này mới được thành lập năm 2009, chưa có kinh nghiệm trong khai thác mỏ. Không dừng lại, vào tháng 1/2012, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lại cho phép giảm 16ha rừng phòng hộ theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT để cho Công ty CP Phú Đức Chính thực hiện dự án khai thác đá.
Đến cuối năm 2014, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho Công ty Phú Đức Chính thuê hơn 19,5ha đất (đợt 1) tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (nay là TX Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư khai thác chế biến đá xây dựng lô 14A núi Thị Vải. Trong đó, một số là thu hồi của người dân, 2ha của xã quản lý và 13ha do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Cũng theo ông Hoàng Long, việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng cũng có nhiều khuất tất. Ông không hiểu lý do gì nhiều phần đất canh tác mà ông đã nhận chuyển nhượng lại bị chính quyền địa phương lúc đó biến thành đất rừng phòng hộ và Công ty Phú Đức Chính chỉ đền bù cho ông 5,8 ha với giá rất thấp.
“Không bao lâu sau khi có được mỏ, Công ty Phú Đức Chính bán lại dự án cho Công ty Lê Chính với giá 60 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi đất, ông Long được doanh nghiệp mới bồi thường thêm hơn 5 ha. Hiện nay còn khoảng 6,5 ha của ông bị chiếm dụng mà ông khiếu nại nhiều năm vẫn không được đền bù”, ông Hoàng Long bức xúc, trình bày.
Nhiều lần gửi đơn nhưng chưa được xem xét
Bức xúc trước sự việc vừa nêu, suốt những năm qua, ông Hoàng Long đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan Trung ương và địa phương. Cụ thể, năm 2017, Thanh tra Chính phủ nhận được đơn và có văn bản hướng dẫn ông Hoàng Long gửi đơn về UBND huyện Tân Thành để được giải quyết theo thẩm quyền. Tháng 3/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản cho biết nhận được văn bản của Ban tiếp công dân Trung ương (từ tháng 8/2017) và chuyển đơn đến UBND huyện Tân Thành giải quyết.
Đáng chú ý, ngày 22/6/2018, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản cho biết, đã nhận đơn tố cáo của công dân với nội dung: “Tố cáo hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi và chiếm đoạt tài sản liên quan đến Dự án khai thác mỏ đá xây dựng lô 14A núi Thị Vải, tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành của Công ty Cổ phần Phú Đức Chính. Đồng thời công dân cũng trình bày: Đã nhiều lần gửi đơn đến UBND huyện Tân Thành, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng không được xem xét”.
Theo đó, nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố cáo, không để công dân bức xúc, gửi đơn tràn lan, vượt cấp, Thanh tra tỉnh đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thành tra dự án mỏ đá xây dựng lô 14 A. Mặc dù vậy, sự việc vẫn không đi đến được hồi kết và ông Hoàng Long lại phải tiếp tục mang đơn gửi nhiều nơi.
Đến tháng 12/2018, sau khi nhận đơn của ông Hoàng Long tố cáo ông Phạm Quang Khải (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy), Ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản chuyển đơn đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Lý do tố cáo bởi ông Long cho rằng, ông Khải đã bao che cho Công ty cổ phần Phú Đức Chính được thành lập bởi ông Phạm Quang Đức (con trai của ông Phạm Quang Khải – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Phạm Phòng Phú (lái xe nhiều năm của ông Khải) và ông Phạm Văn Chính (một người thân quen của ông Khải).
Tháng 5/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nhận được văn bản của Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đơn của ông Hoàng Long. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở ngành rà soát, giải quyết khiếu nại của ông Long.
Ngày 28/5/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản 3313/STNMT-TTr gửi UBND tỉnh, cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Chủ tịch UBND tỉnh.
Gần đây nhất, ông Hoàng Long gửi đơn lên Đoàn Công tác số 3 - Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng.
Được biết, đây không phải là vụ việc tranh chấp duy nhất liên quan đến khai thác mỏ đá tại địa phương giàu tài nguyên này. Mới đây là vụ việc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu bị báo chí phản ánh chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về cấp phép khai thác đá nhưng vẫn khai thác rầm rộ tại khu vực mỏ đá Tóc Tiên (ấp 4, khu 2, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) khiến chính quyền địa phương đau đầu.
Liên quan đến rừng phòng hộ, cách đây ít ngày, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm điểm nhiều lãnh đạo, cán bộ tham mưu ẩu, lấy đất rừng cấp cho dân để hưởng đền bù trong dự án quốc lộ 56 - tuyến tránh TX.Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có một đoạn đi qua địa bàn xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ).
Từ thực tế trên có thể thấy, sau nhiều năm khiếu kiện nhưng vẫn chưa cơ quan nào đứng ra giải quyết hoặc có kết luận về vụ việc. Chính điều này đã khiến ông Hoàng Long và nhiều người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan càng thêm bức xúc. Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc, xem xét xử lý đơn của công dân, tránh để ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền và gây bức xúc dư luận kéo dài.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.