Tính đến sáng 24/4, dông lốc tại một số tỉnh thành khiến 16 người thương vong, 5.914 nhà bị tốc mái; 238 ha lúa và 1.337,8 ha hoa màu bị đổ.
Lực lượng chức năng hỗ trợ các gia đình sửa lại mái nhà (Ảnh: Thảo Bình)
Sơn La: 1 người chết, 4 người bị thương
Thống kê đến chiều tối ngày 23/4, tỉnh Sơn La có 1 người ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn tử vong do bị đá lăn đè trúng; 4 người ở các huyện Quỳnh Nhai, Bắc Yên bị thương do nhà sập đổ đè vào người và bị ngã do gió lốc.
Toàn tỉnh có 710 nhà ở bị thiệt hại; trong đó, có 7 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 5 nhà bị sạt lở phải di dời, còn lại là bị tốc mái, thủng mái...hơn 430 héc ta lúa ruộng, rau màu và cây ăn quả bị vùi lấp, gẫy đổ, rụng quả; hơn 100 con gà vịt bị chết.
Ngoài ra, mưa, mưa đá và giông lốc cũng làm 2 nhà lớp học bị tốc mái, 4 thuyến máy bị cuốn trôi; trên 1.100 m mặt đường bị hư hỏng, 1 cống, 2 điểm giao thông bị sạt lở... Ước tổng giá trị thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã tiến hành kiểm tra thực tế tại địa bàn; kịp thời hỗ trợ, động viên gia đình có người bị thiệt hại.
Đối với các hộ dân bị thiệt hại nặng, đã lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách để hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó là tập trung huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục nhà ở bị ảnh hưởng, thu dọn rau màu, cây cối bị dập nát, gẫy rụng, giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất.
Dông lốc làm một người ở huyện Hoàng Su Phì thiệt mạng
Sáng 23/4, ông Lù Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tụ Nhân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ cây đổ khiến một phụ nữ tử vong, nạn nhân là chị Thèn Thị Rích, sinh năm 1971.
Theo người dân địa phương, vào khoảng 18 giờ ngày hôm qua, chị Rích đi lấy sắn về đúng lúc trời dông bão, mưa lớn thì bị cây thông đổ vào người gây tử vong. Đến tối không thấy chị Rích trở về gia đình đã đi tìm nhưng do mưa lớn, trời tối nên đến khoảng 5h sáng ngày 23/4, gia đình mới tìm thấy được thi thể nạn nhân, ở một khe nước phía dưới hiện trường khoảng 30m.
Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân cái chết của chị Rích cũng như bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và cử lực lượng đến giúp đỡ gia đình mai táng nạn nhân.
Cũng vào đêm qua và rạng sáng nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa dông trên diện rộng gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân và sạt lở một số đoạn đường giao thông.
Theo thống kê mưa to và dông đã làm thiệt hại 74 ngôi nhà tại các huyện Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, trong đó có một ngôi nhà thiệt hại hoàn toàn. Mưa lớn cũng làm sạt lở, sụt lún một số điểm trên 3 tuyến đường giao thông tại huyện Na Hang. Ngoài ra, hàng chục ha lúa, ngô và cây rau màu tại các huyện trong tỉnh bị ngập úng và thiệt hại.
Ngay sau khi xảy ra mưa dông, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thống kê thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở và sạt lở tại các tuyến đường giao thông, đảm bảo ổn định đời sống và đi lại.
Mưa đá, gió lốc ở Lai Châu làm 3 người thiệt mạng
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: trận mưa đá, gió lốc xảy ra vào đêm 24/4 đã làm 3 người thiệt mạng, nhiều nhà cửa, tài sản bị thiệt hại.
3 người thiệt mạng là Hảng Thị Mái, sinh năm 1978; Ma A Sinh, sinh năm 2017, trú tại bản Sin Chải; Phàn Thị Vy, sinh năm 2012, trú tại bản Lùng Than và 1 người bị thương là Giàng Thị Dấu, sinh năm 1992, trú tại bản Lảng Than, đều có hộ khẩu thường trú tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ.
Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Ngay trong đêm qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, huyện Phong Thổ đã huy động lực lượng đào bới điểm sạt lở và tìm kiếm được thi thể nạn nhân Hảng Thị Mái và đưa người bị thương về Trung tâm y tế huyện điều trị.
Do hai nạn nhân là Phàn Thị Vy và Giàng Thị Dấu bị nước suối cuốn trôi nên hiện nay huyện đang huy động các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm. Đến 8 giờ sáng nay, chính quyền nhận được thông tin từ lực lượng chức năng Trung Quốc vớt được 1 xác người. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành tiếp cận nạn nhân để xác minh thông tin.
Trận mưa đá, gió lốc đêm qua trên địa bàn xã Mù Sang, Bản Lang, Sin Suối Hồ đã ghi nhận có thiệt hại nặng về tài sản và nhà ở của nhân dân. Trên địa bàn đang tiếp tục có mưa rét, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm các nạn nhân cũng như công tác rà soát, khắc phục thiệt hại.
Yên Bái: 1 người chết và nhiều người bị thương do sét đánh
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái: Tính đến sáng ngày 24/4, mưa dông kèm sấm sét trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm 1 người chết và 6 người bị thương do sét đánh. Hàng trăm nhà dân, công trình công cộng bị hư hỏng…
Cụ thể, người bị chết là chị Giàng Thị Xày, sinh 1978, trú tại bản Hú Chù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. 6 người bị thương đều là đồng bào dân tộc Mông, trú tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, bị thương do sét đánh vào đêm 22/4.
Cũng theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái: Tính đến sáng 24/4, mưa dông, sấm sét và mưa đá trên địa bàn tỉnh trong 2 ngày qua đã làm gần 800 nhà bị hư hỏng, sập đổ; trên 200 héc ta lúa, hoa màu bị vùi lấp, ngập úng; gần 150 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ.
Về hạ tầng: 7 nhà xưởng, 6 phòng học, 2 nhà văn hóa bị tốc mái hoàn toàn; 35 cột điện gãy đổ... Tổng thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng.
Một nhà dân ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái bị mất mái do dông lốc.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã trực tiếp xuống kiểm tra, huy động lực lượng tại chỗ, khẩn trương giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại do mưa to kèm theo dông lốc, mưa đá gây ra, thăm hỏi động viên gia đình có người bị chết, bị thương, giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Ngày 24/4, trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa nhỏ, có nơi mưa to. Do đó, tỉnh Yên Bái yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa.
Mưa lớn liên tiếp tại Lào Cai tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Đêm về sáng 24/4, mưa dông diện rộng tiếp tục xuất hiện tại nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai. Hầu hết các địa phương đều ghi nhận có mưa vừa đến mưa to như xã Nàn Sán (Si Ma Cai) 47mm, xã Mường Hum (Bát Xát) 47,2mm, xã Tả Van (Sa Pa) 48,2mm, xã Võ Lao (Văn Bàn) có mưa to 50,4mm, xã Bản Vược (Bát Xát) 52mm, xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát) 62,8mm, xã Nậm Xé (Văn Bàn) lớn nhất 69,6mm…
Tối ngày 23/4, tại thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng đã xuất hiện mưa đá kèm dông lốc.
Sau 3 ngày liên tiếp có mưa đều khắp, trên các sông suối đồng loạt xuất hiện lũ sớm, biên độ phổ biến từ 1 - 2m, một số vượt trên 2,5m.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho thấy, do ảnh hưởng tăng cường của không khí lạnh và vùng hội tụ gió trên cao, nhiều nơi tiếp tục có mưa dông diện rộng, nhiệt độ tiếp tục hạ thấp.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, nhất là ở miền núi cần chủ động đề phòng mưa lớn cục bộ gây lũ quét, các đồi núi đất sau nhiều ngày liên tiếp có mưa giảm liên kết dễ dẫn đến sạt lở, trong cơn dông cũng cần đề phòng sét đánh, mưa đá gây thiệt hại.
Thống kê của Văn phòng Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 21/4 đến nay, mưa dông liên tiếp xuất hiện gây nhiều thiệt hại cho địa phương, làm 1 người bị thương, 600 nhà dân bị ảnh hưởng, 150 hecta hoa màu và một số công trình hạ tầng bị hư hại, ước tính lên đến 15 tỷ đồng. Ngay sau thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã có mặt động viên, giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất.
Nghệ An: Mưa đá lớn làm thiệt hại hoa màu
Vào lúc 15 giờ ngày 21/4, trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An xảy ra trận mưa đá lớn làm hư hỏng nhiều hoa màu của người dân tại bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm. Mưa đá kéo dài hơn 17 phút, mỗi hạt đá rới xuống có đường kính từ 1- 3mm.
Trong 5 năm trở lại đây, đây là trận mưa đá có đường kính lớn, cùng với thời gian kéo dài nhất. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, mưa đá gây thiệt hại hơn 12 ha hoa màu, 29 ha lúa xuân chuẩn bị thu hoạch của người dân trên địa bàn xã Hữu Kiệm.
Ngày 23/4, tại xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã xảy ra một trận lốc lớn kèm theo mưa đã quét qua địa bàn xã này khiến nhiều nhà dân bị sập, tốc mái, nhiều cây cối bị gãy đổ.
Gió lốc với cường độ rất mạnh đã làm nhà sập nhà khiến anh Ốc Văn Bun và vợ là chị Ốc Thị Lưu (ở bản Minh Tiến 1) bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương.
Quảng Trị: Mưa đá ở gây thiệt hại các loại cây nông nghiệp
Chiều 21/4, tại một số xã của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xuất hiện cơn mưa đá.
Cơn mưa kéo dài chừng 15 phút đến 20 phút kèm theo gió giật và dông. Tuy nhiên, mưa đá hạt nhỏ, xảy ra trong thời gian ngắn nên không gây thiệt hại về tài sản cũng như các loại cây nông nghiệp.
Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, phần lớn diện tích cây trồng ở Hướng Hóa là cà phê, sắn, chuối, một ít diện tích lúa và hoa màu.
Suốt mấy tháng qua, ở huyện Hướng Hóa không có mưa, nhiều diện tích cà phê, cây trồng bị hạn rất cần mưa để giải hạn. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Thường trực Ban phòng chống thiên tai của huyện nắm thông tin lại ở các xã, tỷ lệ mưa đá ít, mức độ thiệt hại không đáng kể. Mưa cũng giải được cơn hạn trên địa bàn cho bà con. Cà phê hiện nay mới cho ra quả, còn sắn thì bà con cũng đang chờ mưa để trồng lại vụ mới.
Quảng Bình: Sau 5 phút mưa đá, 36ha lúa chuẩn bị gặt đổ rạp
Mưa lớn kèm gió giật khiến hàng trăm ha lúa Đông Xuân ở Quảng Bình rạp đổ
Trận mưa đá bất thường kéo dài 5 phút khiến 36 hecta lúa sắp thu hoạch của bà con nông dân ở Quảng Bình bị đổ rạp, hư hại nặng.
Tối 22/4, ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một trận mưa đá trong thời gian lúa đang chuẩn bị thu hoạch gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, mưa đá kèm theo gió lớn bất ngờ xuất hiện ở địa bàn xã Vạn Ninh và kéo dài khoảng 5 phút với mật độ dày, hạt mưa đá có đường kính khoảng trên dưới 1cm.
Thống kê bước đầu có khoảng 36 hecta lúa bị đổ rạp, một số diện tích hoa màu của người dân bị hư hại.
Ngay sau khi mưa đá xảy ra, cơ quan chức năng nhanh chóng xuống cơ sở nắm tình hình, động viên bà con khẩn trương khắc phục thiệt hại.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng xuất hiện mưa lớn kèm gió giật cục bộ khiến hơn 1.000 hecta lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn trổ đòng và chín sớm bị đổ rạp.
Trong đó, huyện Quảng Trạch có trên 800 hecta, huyện Bố Trạch có hơn 150 hecta lúa bị ảnh hưởng nặng, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết khắc nghiệt, nhiều trận mưa đá, dông, gió lốc xảy ra thường xuyên ở các tỉnh miền núi, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.