Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 12 năm 2016 | 3:0

Đồng Nai: Áp giá đền bù rẻ mạt, người dân đồng loạt phản ứng

Nhiều hộ dân ở khu 1, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với tình cảnh “màn trời, chiếu đất” khi Dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng được triển khai tại đây. Tuy không phản đối chủ trương thu hồi đất nhưng việc áp khung giá bồi thường quá rẻ mạt khiến người dân không muốn di dời.

Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND thành phố Biên Hòa.

Hộ ông Lê Quang Hiếu, trú tại khu 1, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa cho biết: Gia đình tôi đã cư ngụ tại mảnh đất có địa chỉ ở trên hàng chục năm trời, có nguồn gốc hợp pháp và không tranh chấp khiếu kiện với ai. Năm 2003, UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận sử dụng đất vào sổ cấp số 11362 cho gia đình tôi được quyền sử dụng 17.337 m2 đất. 

“Gia đình chúng tôi sinh sống yên ổn, hạnh phúc, bỗng dưng bị đảo lộn, bất an khi hay tin, khu đất chúng tôi đang ở nằm trong diện tích triển khai Dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng. Từ đây, chính quyền thành phố Biên Hòa ban hành hàng loạt các văn bản, quyết định yêu cầu gia đình chúng tôi phải khẩn trương di dời, tháo dỡ nhà cửa, ruộng vườn để phục dự án. Nếu chậm trễ sẽ sử dụng các biện pháp mạnh là cưỡng chế để thu hồi”, ông Hiếu cho biết.

Tương tự trường hợp của ông Lê Quang Hiếu, ông Hứa Hòa Thạnh - một hộ dân cũng nằm trong diện bị thu hồi đất cho hay, quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông được ban hành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn áp dụng. Theo đó, việc chi trả tiền bồi thường nhà cửa, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình xây dựng và các khoản bồi thường khác cộng lại chưa đến 395 triệu đồng. Ông Thạnh bức xúc: “Năm nay là 2016, giá đền bù và giá cả thị trường trong 6 năm qua thay đổi đến chóng mặt nhưng UBND thành phố Biên Hòa vẫn đền bù theo khung giá cũ được xây dựng theo quyết định ban hành từ năm 2010 khiến người dân hết sức thiệt thòi. Thử hỏi gia đình tôi sống ra sao với số tiền ít ỏi như vậy…”.

“Đây là dự án vì lợi nhuận, vì mục đích kinh tế, thì dứt khoát phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất theo giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự là hai bên thỏa thuận, nếu doanh nghiệp và người dân thỏa thuận được về giá thì thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thì thôi, nhà nước không can thiệp. Ấy vậy mà UBND thành phố Biên Hòa lại đứng ra làm thay việc của chủ đầu tư, không những thế lại áp giá đền bù thiệt hại tương đương với việc Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…là hết sức vô lý. Với số tiền ít ỏi gần 385 triệu đồng, chỉ để nuôi sống gia đình được vài năm chứ không thể tìm được một nơi ở tử tế.” - ông Thạnh bày tỏ sự lo lắng.

Gần 2.000m2 đất cùng nhiều tài sản, vật dụng kiến trúc khác của ông Hứa Hòa Thạnh được đền bù với giá bèo chưa tới 395 triệu đồng.

Nhận thấy giá đền bù quá bất hợp lí, trong khi đất của họ bị thu hồi không phục vụ dự án hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm mà chính quyền lại đem cho doanh nghiệp làm dự án, không có bất cứ thỏa thuận nào với người có đất. Vì vậy, ông Hứa Hòa Thạnh cùng một số hộ liên tục khiếu nại. 

Trong khi người dân đang đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, thì ngày 22/6/2012, ông Trịnh Tuấn Liêm, Quyền Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa đã kí Quyết định số 3161/QĐ-UBND cưỡng chế buộc gia đình ông Hứa Hòa Thạnh phải giao đất.

Theo tìm hiểu, không chỉ riêng hộ ông Hứa Hòa Thạnh bị buộc phải thu hồi đất, để phục vụ dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng, UBND thành phố Biên Hòa đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với nhiều hộ dân khác. 

Tuy nhiên, dù việc đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân còn chưa thực hiện xong bởi những hộ này đang phản đối, không đồng tình với quyết định áp giá bồi thường về tài sản của phía chính quyền đưa ra, thì một số đối tượng ngang nhiên đưa máy ủi đến phá tan tài sản, nhà cửa, cắt điện nước đẩy người dân ra ngoài đường, sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.

Quá thất vọng, các hộ dân khu 1, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa đang dần mất niềm tin vào cách xử lý vụ việc của chính quyền các cấp  thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện quyết liệt lên các cấp cao hơn, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chưa thể nói ai đúng ai sai trong câu chuyện này, nhưng việc chính quyền áp giá đền bù một cách rẻ mạt để ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất rồi phục vụ cho doanh nghiệp “xẻ thịt” làm dự án mà không có bất cứ thỏa thuận nào với dân đã và đang gây nên những bức xúc gay gắt trong dư luận. Đã đến lúc, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND thành phố Biên Hòa cần xem xét lại khiếu nại của người dân một cách công tâm và thấu tình, đạt lý trong việc áp giá đền bù, hỗ trợ người dân tái định cư, sinh sống ổn định, từ đó bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người dân mất đất và tạo công bằng xã hội.

Ánh Sáng/Hoanhap.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top