Đất ở của nhiều hộ dân ở khu 1, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã sử dụng ổn định từ hàng chục năm trước, thậm chí được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đến khi UBND thành phố Biên Hòa lập phương án thu hồi phục vụ Dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng đã gặp phải sự phản đối kịch liệt và không đồng tình của các hộ dân vì áp giá bồi thường “rẻ mạt’’ một cách bất thường.
Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND thành phố Biên Hòa.
Các hộ dân thuộc khu 1, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đồng loạt phản ánh: UBND thành phố Biên Hòa, Hội đồng Bồi thường thành phố đã không xem xét rõ ràng nguồn gốc đất khi lập phương án GPMB dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng, dẫn đến áp dụng chính sách bồi thường chưa thực sự phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Từ nhiều năm qua, người dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai nhưng chưa được xem xét, giải quyết.
Cụ thể, hộ ông Lê Quang Hiếu, trú tại khu 1, ấp Phước Hội, cho biết: Gia đình tôi đã cư ngụ tại mảnh đất có địa chỉ ở trên hàng chục năm trời, có nguồn gốc hợp pháp và không tranh chấp khiếu kiện với ai. Năm 2003, UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận sử dụng đất vào sổ cấp số 11362 cho gia đình tôi được quyền sử dụng 17.337 m2 đất.
“Gia đình chúng tôi đang sinh sống yên ổn, bỗng dưng bị đảo lộn, bất an khi hay tin, khu đất chúng tôi đang ở nằm trong diện tích triển khai Dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng. Từ đây, chính quyền thành phố Biên Hòa ban hành hàng loạt các văn bản, quyết định yêu cầu gia đình chúng tôi phải khẩn trương di dời, tháo dỡ nhà cửa, ruộng vườn để phục vụ dự án. Nếu chậm trễ sẽ sử dụng các biện pháp mạnh là cưỡng chế để thu hồi”, ông Hiếu cho biết.
Tương tự là trường hợp của gia đình ông Hứa Hòa Thạnh - một hộ dân cũng nằm trong diện bị thu hồi đất, theo phương án chi tiết hỗ trợ bồi thường của Hội đồng Bồi thường phê duyệt năm 2010, gia đình ông Thạnh chỉ được bồi thường hơn 150m2 nhà cấp 4 theo đơn giá là 1.220.000 đồng/m2; những hạng mục công trình, cây cối còn lại cùng trên một thửa đất chỉ được đền bù với giá rất rẻ. Ông Thạnh bức xúc: “Năm nay là 2016, giá đền bù và giá cả thị trường trong 6 năm qua thay đổi đến chóng mặt nhưng UBND thành phố Biên Hòa vẫn đền bù theo khung giá cũ được xây dựng theo quyết định ban hành từ năm 2010 khiến người dân hết sức thiệt thòi. Thử hỏi gia đình tôi sống ra sao với số tiền ít ỏi như vậy…”.
“Đây là dự án vì lợi nhuận, vì mục đích kinh tế, thì dứt khoát phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất theo giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự là hai bên thỏa thuận, nếu doanh nghiệp và người dân thỏa thuận được về giá thì thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thì thôi, nhà nước không can thiệp. Ấy vậy mà UBND thành phố Biên Hòa lại đứng ra làm thay việc của chủ đầu tư, không những thế lại áp giá đền bù thiệt hại tương đương với việc Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…là hết sức vô lý. Với số tiền ít ỏi gần 385 triệu đồng, chỉ để nuôi sống gia đình được vài năm chứ không thể tìm được một nơi ở tử tế”, ông Thạnh bày tỏ sự lo lắng.
Gần 2.000m2 đất cùng nhiều tài sản, vật dụng kiến trúc khác của ông Hứa Hòa Thạnh được đền bù với giá bèo chưa tới 395 triệu đồng.
Nhận thấy giá đền bù quá bất hợp lí, trong khi đất của họ bị thu hồi không phục vụ dự án hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm mà chính quyền lại đem cho doanh nghiệp làm dự án, không có bất cứ thỏa thuận nào với người có đất. Vì vậy, ông Hứa Hòa Thạnh cùng một số hộ liên tục khiếu nại.
Trong khi người dân đang đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, thì ngày 22/6/2012, ông Trịnh Tuấn Liêm, Quyền Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa đã kí Quyết định số 3161/QĐ-UBND cưỡng chế buộc gia đình ông Hứa Hòa Thạnh phải giao đất.
Theo tìm hiểu, không chỉ riêng hộ ông Hứa Hòa Thạnh bị buộc phải thu hồi đất, để phục vụ dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng, UBND thành phố Biên Hòa đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với nhiều hộ dân khác. Tuy nhiên, dù việc đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân còn chưa thực hiện xong bởi những hộ này đang phản đối, không đồng tình với quyết định áp giá bồi thường về tài sản của phía chính quyền đưa ra, thì một số đối tượng ngang nhiên đưa máy ủi đến phá tan tài sản, nhà cửa, cắt điện nước đẩy người dân ra ngoài đường, sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, các hộ dân nằm trong diện GPMB Dự án xây dựng khu dân cư Long Hưng ở khu 1, ấp Phước Hội, khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, UBND thành phố Biên Hòa và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc, xem xét điều chỉnh chế độ bồi thường cho người dân theo đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế để người dân sớm ổn định cuộc sống sau GPMB, tránh những thiệt thòi đáng tiếc xảy ra, gây nên bức xúc kéo dài trong dư luận, nhằm đảm bảo sự công bằng cho nhân dân…
Theo Ánh Sáng/Xaydung.com.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.