Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 12 năm 2016 | 9:10

Đồng Tháp: Giải quyết chưa thỏa đáng, người dân tiếp tục khiếu nại

Thời gian qua, Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn khiếu nại của bạn đọc tại Đồng Tháp, phản ánh sự vô cảm của chính quyền đã làm một doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt thành lụi bại; một gia đình đang sống yên ấm trên phần đất hợp pháp của mình phải đi ngụ cư sau khi phần đất đó bị thu hồi mà không hề được bồi thường...

Nhà máy của ông Lê Tiến Thành đã ngừng hoạt động.

Theo đơn phản ánh của ông Lê Tiến Thành, gia đình ông có mảnh đất rộng 3.100m2 (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993) tại ấp Hưng Mỹ Đông, xã Long Hưng A (Lấp Vò - Đồng Tháp); trong đó, đất ở là 300m2, còn lại là đất vườn. Năm 1993, ông Thành thành lập DNTN xay xát và kinh doanh lương thực Tiến Thành và xây dựng nhà máy xay xát tại vị trí tiếp giáp rạch Nước Xoáy trên diện tích 200m2, tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, công suất khoảng 75 tấn gạo. Trong suốt quá trình quản lý sử dụng đất cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Thành luôn chấp hành chính sách về đất đai, doanh nghiệp, đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 29/11/2001, UBND xã Long Hưng A ban hành Thông báo số 19/TB.UB về việc nâng cấp mặt bằng tuyến đường từ UBND xã Long Hưng A đến bến đò và từ cầu Nước Xoáy đến rạch Tân Mỹ. Ngay sau khi nhận được thông báo, ông Thành đã trực tiếp đến UBND xã Long Hưng A đề nghị UBND xã và Ban quản lý công trình đến phần đường của gia đình ông cắm mốc lộ giới, cung cấp thiết kế để gia đình ông bỏ tiền ra xây dựng bờ kè và làm đường đảm bảo đúng thiết kế nhằm không ảnh hưởng đến nhà máy xay xát. Tuy nhiên, thành ý của ông Thành không được UBND xã chấp nhận, không những thế, xã còn viện lý do thay đổi thiết kế nên hướng tuyến đường đi sâu vào khu có nhà máy của ông Thành. Chỉ sau ít ngày gửi thông báo, UBND xã Long Hưng A đã cho triển khai thi công ngay bằng việc cho máy móc, thiết bị múc đất dưới kênh đổ lên phía trước nhà máy xay xát của gia đình ông Thành, bịt toàn bộ phía trước nhà máy phần tiếp giáp với đường làm nhà máy phải ngừng hoạt động. Việc làm trên của UBND xã Long Hưng A đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về việc thu hồi đất, thực hiện dự án.

Ngoài việc khiến nhà máy bị ngừng hoạt động, UBND xã Long Hưng A, UBND huyện Lấp Vò còn vi phạm hàng loạt quy định khác như ngang nhiên cho lực lượng thi công vào nhà ông Thành chặt phá cây cối, đem xe ủi đất ủi thẳng vào nhà máy, cho xáng cạp đổ đất tràn vào đến tận đầu gằng nhà máy. Liên tiếp trong nhiều ngày cho nhiều lực lượng đến cưỡng chế, ngăn chặn không cho ông Thành sửa chữa, phục hồi nhà máy.

Ông Thành cho biết, do quá bức xúc, ông đã liên tục gửi đơn khiếu nại/tố cáo đến các ngành chức năng từ đó đến nay. Tuy nhiên, khi nhận được khiếu nại/tố cáo của công dân, UBND tỉnh Đồng Tháp đã bác toàn bộ khiếu nại của ông Thành, chấm dứt khiếu nại với mức bồi thường vài chục triệu đồng?!.

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Điếp gửi đơn kiến nghị khắp nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Đơn của bà Nguyễn Thị Điếp ở ấp Tân Thới, xã Tân Quới (Thanh Bình - Đồng Tháp) phản ánh, gia đình bà có tổng diện tích đất 3.784m2, trong đó có 165m2 đất ở, 3.619m2 đất vườn và ao (có đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật) tọa lạc tại ấp Tân Thới, xã Tân Quới.

Ngày 14/11/2002, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 537/QĐ-UB.NĐ về việc thu hồi 50.929m2 đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tọa lạc tại  ấp Tân Thới, xã Tân Quới, trong đó có diện tích đất của gia đình nhà bà Điếp, đồng thời giao lại toàn bộ diện tích đất trên cho Ban quản lý dự án huyện Thanh Bình để xây dựng Cụm dân cư Tân Quới.

Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Đồng Tháp, gia đình bà Điếp đã nghiêm túc thực hiện và bàn giao mặt bằng cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thanh Bình. Trong quá trình thực hiện dự án, được sự đồng ý của địa phương, gia đình bà Điếp đã chuyển sang tạm cư trên khu đất trống phía bên chợ. Năm 2002, bà Điếp cất nhà trên đó ở tạm để chờ giao đất tái định cư. Năm 2005, khi đang tạm cư thì gia đình bà Điếp bất ngờ bị UBND huyện Thanh Bình ra quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng (lý do lấn chiếm đất trái phép) đồng thời cưỡng chế phá dỡ căn nhà gia đình bà Điếp đang ở và lấy đi toàn bộ tài sản của gia đình bà.

Vụ việc đã diễn ra hơn 13 năm, gia đình bà cũng đã khiếu nại nhiều lần nhưng đến nay vẫn không được quan tâm giải quyết.

Đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp và các ngành chức năng xác minh, làm rõ, trả lời báo Kinh tế nông thôn để chúng tôi có cơ sở phản hồi bạn đọc.

Ban Bạn đọc

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top