Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 11 năm 2021 | 9:12

Đột phá phát triển vùng chuyên canh: Thay đổi tư duy về cách tiếp cận

Sản xuất rau quả có tính mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực khi vào mùa vụ thu hoạch, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Bởi vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, trong đó có việc tạo đột phá cho các vùng chuyên canh rau quả phát triển.

Sự cần thiết phải hình thành vùng chuyên canh

Vùng chuyên canh là vùng tập trung phát triển một hoặc vài loại cây trồng gắn với nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khí hậu…), để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu  của thị trường và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vùng chuyên canh sẽ có điều kiện tốt để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện khai thác tối đa hiệu quả của máy móc, vật tư; ngoài ra, còn tạo điều kiện chuyên môn hóa lao động, giúp nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động,…

Trong thời đại khoa học công nghệ không ngừng phát triển, nền kinh tế thị trường bao trùm toàn cầu, sự cạnh tranh rất khốc liệt, việc hình thành các vùng sản xuất lớn, sản xuất tập trung những sản phẩm có thế mạnh, lợi thế của mỗi vùng là tất yếu bởi nâng cao năng suất, hạ giá thành, thuận tiện đầu tư,...

 

3s.jpg
Nhà vườn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải thiều chính vụ xuất khẩu. Ảnh: Bùi Văn Lanh

 

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau quả trên cả nước đã phát huy được thế mạnh, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho thị trường trong nước, phục vụ xuất khẩu và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.    

Những năm gần đây, Sơn La được biết tới là vựa cây ăn trái của các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La, thông tin, đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt gần 80.000ha, trong đó tập trung chủ yếu là cây ăn quả lớn như xoài 15.700ha, nhãn 18.790ha và các vùng bơ, chanh leo,... Theo ông Công, dư địa để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ cho tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, với 350.000ha đất có thể chuyển đổi, trồng cây ăn quả.

Dù mới được thành lập, nhưng HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân (Vân Hồ - Sơn La) với 7 thành viên đã tạo dựng được vùng trồng xoài 40ha. Tại vườn xoài 7ha của nhà ông Nguyễn Hương Long,  Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân, những trái xoài sai trĩu cành trên vườn cây trồng hơn 3 năm. Điểm đặc biệt của vườn xoài là, vừa có những quả to trên dưới 1kg, vừa có những quả nhỡ, vừa, thậm chí có cây đang ra hoa. Ông Long cho biết, để rải vụ xoài, khi cây ra hoa, ông ngắt bớt hoa nhằm tạo ra những đợt ra hoa, đậu quả khác muộn hơn. Với biện pháp kỹ thuật đơn giản đó, ông có thể tạo ra vườn xoài có 3 lượt quả lớn nhỏ, cho thu hoạch cách nhau cả tháng.

Nhắc đến Bắc Giang, ai cũng biết đây là vùng chuyên canh và là “vựa” vải của cả nước. Cây vải đã mang lại giá trị cao cho người dân nơi đây. Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: Mùa vải thiều năm nay được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây nhưng lại diễn ra trong bối cảnh “làn sóng” Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, trong đó Bắc Giang là tâm dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Song, Bắc Giang cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân chủ động xúc tiến thương mại, điều hành linh hoạt cả 3 kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trong suốt thời gian thu hoạch. Vì vậy, tỉnh vẫn tiêu thụ được 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa), thu về 6.821 tỉ đồng (tương đương với doanh thu năm 2020 - 6.830 tỉ đồng).

Mệnh danh là thủ phủ vải của Bắc Giang, Lục Ngạn hiện có khoảng 15.290ha vải thiều, trong đó có hơn 12.000ha sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP; sản lượng đạt hơn 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 67.000 tấn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn quốc có 32 tỉnh, thành phố trồng thanh long. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 33.750ha thanh long, trong đó, trên 11.900ha được chứng nhận VietGAP và 517ha được chứng nhận GlobalGAP; tập trung ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.  

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch của Bình Thuận đạt 4,3 triệu USD, tương đương 2.747 tấn, giảm 6,59% về giá trị và giảm 37,83% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thanh long xuất khẩu theo hình thức biên mậu qua cửa khẩu ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn đạt 535.600 tấn, thu về 389 triệu USD. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu biên mậu được thực hiện thông quan cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm, Bình Thuận sẽ xuất khẩu khoảng 280.000 tấn thanh long và khoảng 80.000 tấn tiêu thụ nội địa thông qua các hệ thống siêu thị trên toàn quốc…  

 

1s.jpg
Nông dân xã Tiền Yên (Hoài Đức - Hà Nội) thu hoạch rau bắp cải để cung cấp cho thị trường. Ảnh: Vũ Sinh

 

 

Bệ phóng cho phát triển

Những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển, nhất là việc xây dựng các vùng chuyên canh, trong đó có các vùng chuyên canh rau quả.

Cụ thể, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 889/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Qua nhiều năm thực hiện đề án, vấn đề tích tụ và tập trung đất đai, tập trung tư liệu sản xuất đã tạo điều kiện mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản; thông qua đó, xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất từ kinh tế hộ sang kinh tế liên kết, hợp tác càng thể hiện rõ hơn…

Ngày 21/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc; chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả. Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử….

Hiện nay, nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương đã đến thời điểm thực hiện cũng tạo lợi thế lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu nông sản sang EU được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bởi quy mô lớn của thị trường EU, sự miễn giảm thuế và các mặt hàng không cạnh tranh nhau.

Một thuận lợi nữa để các vùng chuyên canh có thêm bệ phóng bay lên, đó là: Bộ Nông nghiệp và PTNT đang gấp rút xây dựng đề án thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông sản trên cả nước, với tổng diện tích khoảng 160.000ha. Theo kế hoạch, quý IV/2021, đề án được thực thi và vận hành thí điểm trong 5 năm.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: “Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông lâm sản giai đoạn 2021-2025” đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt về chủ trương và đang tích hợp thêm những hợp phần về khuyến nông, bảo hiểm nông nghiệp và tín dụng.

Đề án có tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, với mục tiêu tạo ra 5 vùng nguyên liệu chuyên canh trên tổng diện tích khoảng 160.000ha. Theo đó, đề án sẽ xây dựng vùng nguyên liệu phát triển chanh leo, dứa, xoài lên tới 14.000ha tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình.

Vùng Duyên hải miền Trung, thuộc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, sẽ xây dựng vùng chuyên canh 22.900ha, phát triển gỗ rừng trồng. Vùng chuyên canh cà phê dự kiến thiết lập trên diện tích 11.200ha tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.

Khu vực Tứ giác Long Xuyên, thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang, sẽ phát triển vùng chuyên canh lúa gạo với diện tích 50.000ha. Vùng Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, diện tích 60.200ha, phát triển cây ăn quả.

Mỗi vùng nguyên liệu ứng với một đề án riêng, phù hợp với đặc trưng của từng vùng với mỗi loại nguyên liệu. Một điểm đáng chú ý là, 5 vùng nguyên liệu lớn trong dự án sẽ là nơi thí điểm áp dụng nhiều chính sách mới như cho vay tín dụng theo chuỗi, bảo hiểm nông nghiệp... để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng hạ tầng, bao gồm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống kho lạnh, nhà sơ chế… tại 5 vùng nguyên liệu. Nông dân đóng góp sức lao động và ruộng đất; các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, cam kết bao tiêu sản phẩm, đầu tư vật tư sản xuất.

Về phía địa phương, các tỉnh cam kết bố trí 347,9 tỷ đồng vốn đối ứng để nạo vét 31,5 km kênh mương và hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho hợp tác xã; phía  doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ dành 40,6 tỷ đồng vốn đối ứng và 20,8 tỷ đồng vốn vay tín dụng.

 

3.JPG
Ông Nguyễn Văn Thuận ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) giám sát vận chuyển thanh long.

 

Nhiều khó khăn 

Mục tiêu hình thành những vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn nhằm chuẩn hóa về quy trình sản xuất đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở nhiều vùng chuyên canh vẫn theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết…

Hải Dương là địa phương có sản lượng rau màu lớn của cả nước, lên tới 200.000 tấn/năm. Tuy người dân có trình độ thâm canh cao nhưng kỹ thuật áp dụng chưa đổi mới nên lượng rau củ quả bảo đảm xuất khẩu chưa nhiều. Điều này đã tạo ra nghịch lý, doanh nghiệp đóng chân tại “vựa” rau song vẫn loay hoay tìm nguồn hàng chất lượng. Còn nông dân ở cạnh doanh nghiệp mà phải trông chờ tiêu thụ qua các khâu trung gian.

Dù đã có kinh nghiệm XK nông sản hơn 20 năm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng nông sản XK Kiên Giang (Cẩm Giàng - Hải Dương) vẫn trăn trở về vấn đề này. “Doanh nghiệp mới tìm được cách khắc phục chứ chưa tìm ra giải pháp tối ưu. Việc liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ còn tồn tại bất cập nên hai bên vẫn dè chừng. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, thu mua và xuất khẩu. Hợp đồng xuất khẩu nông sản có giá trị lớn, nếu không thận trọng thì ngoài thiệt hại về kinh tế còn ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Đồng Nai đã hình thành những vùng chuyên canh với tổng diện tích cây ăn trái đạt trên 63,7 ngàn hecta, cây công nghiệp lâu năm đạt trên 106 ngàn hecta; và 25 vùng cây trồng chủ lực với hơn 50 ngàn hecta như: tiêu, ca cao, xoài, bưởi, sầu riêng.

Tuy nhiên, việc hình thành những vùng chuyên canh cây trồng, vẫn bị cản trở bởi trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều vùng chuyên canh nhỏ lẻ, manh mún. Sợi dây liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, HTX còn yếu kém nên chưa thể tìm được tiếng nói chung cho chất lượng và đầu ra của nông sản và dường như chỉ đạt về mặt diện tích, quy mô nhưng chưa thật sự đạt những tiêu chí căn cơ của sản xuất lớn là chuẩn hóa từ quy trình sản xuất đến xây dựng chuỗi liên kết.

Xã Bình Lộc (TP. Long Khánh-Đồng Nai) nổi tiếng khi sớm hình thành được vùng chuyên canh cây chôm chôm. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Đồng Nai được cấp chứng nhận sản xuất chôm chôm theo quy trình VietGAP. Nhưng xét về chất, vùng chuyên canh chôm chôm Bình Lộc vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Giai đoạn trước, HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc từng có đơn hàng xuất khẩu trái chôm chôm Java đi Pháp và có doanh nghiệp đặt bao tiêu với sản lượng lớn để xuất khẩu.  Tuy nhiên, vùng chuyên canh này lại không đáp ứng được yêu cầu chỉ trồng thuần giống chôm chôm Java. Nông dân vẫn mạnh ai nấy làm và chuyển đổi vì chưa thực sự liên kết lại với nhau để xây dựng được vùng chuyên canh cung cấp cho thị trường xuất khẩu khó tính nhưng giàu tiềm năng trên. Theo đó, trái chôm chôm đặc sản này vẫn trong vòng luẩn quẩn mua đứt bán đoạn cho thương lái với đầu ra còn nhiều bấp bênh.

Theo đại diện HTX thanh long Tầm Vu (Long An), việc tuyên truyền nông dân tham gia sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn vì phần lớn thanh long được tiêu thụ thông qua thương lái, hệ thống các kho thu mua trên địa bàn tỉnh, song các kho lại chưa đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc đối với chất lượng trái thanh long.

Ngoài ra, nhiều thông tin về thị trường còn hạn chế, nhất là yêu cầu chất lượng. Tâm lý HTX, doanh nghiệp, nông dân còn ái ngại khi tham gia vào thị trường có yêu cầu chất lượng sản phẩm cao; phần lớn doanh nghiệp, HTX chủ động, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu mới dám ký kết các hợp đồng tiêu thụ.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Nhật Bản có thể nói như “giấy thông hành” để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. 

Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, chia sẻ, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản nhưng để giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.

 

2s.jpg
Nhân viên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La chế biến long nhãn. Ảnh: Quang Quyết

 

 Thay đổi tư duy nông dân và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Thứ trưởng kiến nghị, cần huy động thêm nguồn vốn xã hội, kết hợp nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, HTX để tạo ra những mô hình chất lượng, hoạt động tốt.

“Tôi rất mừng khi chúng ta đã xây dựng được những mô hình khuyến nông cộng đồng, giúp tổ chức sản xuất ngay tại ấp, xã. Giờ là lúc ngành Nông nghiệp và PTNT cần những chính sách cụ thể hơn, để huy động và quản lý tốt nguồn vốn”, Thứ trưởng nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhận xét, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông - lâm sản giai đoạn 2021-2025 hơn 30% là quá cao. Ông cũng kêu gọi, đẩy mạnh số hóa từ quản lý mã số vùng trồng cho đến ứng dụng khuyến nông điện tử.

Ông Nguyễn Quốc Oánh, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 đề xuất hai vấn đề. Một, chọn vùng nguyên liệu có quy mô lớn để Bộ tập trung chỉ đạo thí điểm, và tìm ra nút thắt qua thực tiễn sản xuất. Hai, thay đổi chính sách cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Thay vì ưu tiên bằng cách hạ lãi suất, chúng ta có thể hỗ trợ người dân về khâu tư vấn, kỹ thuật, hoặc chủ động tìm đầu ra cho bà con”, ông Oánh chia sẻ.

Bộ trưởng  Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Thành công của bất kỳ chương trình nào đều phụ thuộc người dân”.

Ông nhất trí với ý kiến, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, nông dân và HTX, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh kinh tế tập thể, hình thành các vùng chuyên canh lớn. Đồng thời đẩy mạnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Việt Nam chỉ có khoảng 20-30% nông sản thông qua chế biến để xuất khẩu, còn ở Đài Loan (Trung Quốc), con số này là 80%. So sánh để thấy chúng ta cần đẩy mạnh khâu chế biến, đây là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất cao, tạo ra giá trị vượt bậc và chia lợi ích lại cho người sản xuất”. Bởi vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản được coi là “chìa khóa” và động lực để tăng giá trị ngành Nông nghiệp. Song, để kêu gọi thu hút được doanh nghiệp tham gia, cần sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, cho biết: Đóng góp vào thành tựu chung của kinh tế tỉnh, ngành Công Thương đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác lợi thế của tỉnh gắn với vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Nhờ đó, số lượng cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp tăng từ 28 cơ sở năm 2016, lên 47 cơ sở vào năm 2020.

Mới đây, Sơn La đã thu hút được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đầu tư xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La tại Mai Sơn, công suất 52 nghìn sản phẩm/năm, gồm 3 dây chuyền: Dây chuyền lạnh IQF; dây chuyền đồ hộp và dây chuyền nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên. Sản phẩm chế biến gồm: dứa, chanh leo, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt, xoài, bơ...

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản rất lớn nhưng chưa biết cách làm gia tăng giá trị. Cụ thể, nếu 1 kg khoai lang bán ăn tươi chỉ trên dưới 20.000 đồng nhưng nếu qua chế biến thì giá trị có thể tăng lên hàng chục lần. Ông Viên cho rằng, có 4 cách để làm tăng giá trị nông sản, đó là: hướng chế biến cho ra thực phẩm thay đổi sự sống (ăn để phòng và trị bệnh), sản xuất nông nghiệp theo hướng “du lịch canh nông”, sản xuất hữu cơ và đưa công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cái thiếu đôi khi không phải ở công cụ, kỹ năng, hay phương pháp mà nằm ở thái độ, cách tiếp cận vấn đề. Chúng ta vận động người dân xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, thì phải cho họ thấy được lợi ích, tại sao cần làm như vậy. Những cái nào cho hiệu quả sớm, thiết thực như khuyến nông, công nghệ sau thu hoạch, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh. Nguồn vốn thực chất nằm trong tư duy của người nông dân, của doanh nghiệp. Nếu chỉ tập trung phát triển hạ tầng, chúng ta khó nâng cao được giá trị thặng dư, bởi những bên tham gia chưa ý thức được vai trò của mình”.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top