Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 7 năm 2014 | 11:9

Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự (Long Biên): Chính quyền bị tố vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư?

KTNT - Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Báo Kinh tế nông thôn, 09 hộ dân trú tại tổ 2, phường Đức Giang, cho biết, UBND quận Long Biên (TP. Hà Nội) đã có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Theo các hộ dân, họ sinh sống ổn định trên khu đất được giao và đất khai hoang từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đã làm nhà kiên cố và tạo lập một số tài sản khác gắn liền với đất. 

Ngày 03/4/2003, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1809/QĐ-UBND về việc thu hồi 2.639.783m2 đất tại thị trấn Đức Giang và các xã: Thượng Thanh, Việt Hưng, Gia Thụy, Giang Biên thuộc quận Long Biên để cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng KĐT mới Việt Hưng. 

Thực hiện chủ trương này, căn cứ vào các quyết định thu hồi đất cá biệt của UBND quận Long Biên, các hộ dân đã bàn giao diện tích đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng đúng thời gian, tiến độ và kế hoạch. 

Ngày 12/12/2012, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 5801/QĐ-UBND thu hồi 16.374,8m2 đất tại phường Đức Giang, phường Việt Hưng (quận Long Biên); giao 18.580,9m2 đất tại phường Đức Giang, phường Việt Hưng cho UBND quận Long Biên để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống (phố Ngô Gia Tự). Thế nhưng, sau đó, UBND quận Long Biên đã không ban hành các quyết định thu hồi đất cá biệt đến từng hộ dân.

Đến ngày 02/5/2013, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Long Biên, UBND phường Việt Hưng có Thông báo số 36/TB-UBND niêm yết công khai và lấy ý kiến hỗ trợ đối với 13 hộ dân trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống”. 
Theo các hộ dân, việc thu hồi, đền bù, GPMB của chính quyền có nhiều sai phạm.

Không đồng ý với việc thu hồi và bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đó, các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải đáp kiến nghị nhưng cho đến nay chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.

Ngày 24/4/2014, các hộ dân nhận được quyết định cưỡng chế thi hành thu hồi đất, nhưng chưa nhận bồi thường hỗ trợ thu hồi đất. Và đến ngày 27/5/2014, UBND quận Long Biên đã tiến hành cưỡng chế với nhiều sai phạm, gây thiệt hại tới toàn bộ tài sản của các hộ dân.

Đơn kêu cứu cho rằng, các cơ quan chức năng đã có sai phạm nghiêm trọng trong việc xác định nguồn gốc đất bị thu hồi, gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Diện tích đất bị thu hồi được các hộ dân khai hoang từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, sử dụng ổn định và lâu dài, không có tranh chấp với ai từ đó đến nay; từ khi bắt đầu sử dụng đã làm nhà ở kiên cố, được chính quyền địa phương đồng ý (không có biên bản hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào đối với hành vi xây dựng trên); các nhà đã được đánh số theo thứ tự của dãy phố. Do vậy, có thể khẳng định, diện tích đất bị thu hồi trên là đất ở, được sử dụng ổn định lâu dài. 

Quá trình sử dụng đất hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 về tiêu chí sử dụng ổn định không tranh chấp, nên diện tích đất của các hộ dân hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 50, Luật đất đai. Tuy nhiên, năm 2002, khi các hộ dân tiến hành kê khai, làm thủ tục thì lại chỉ có hộ ông Lê Ngọc Tân (số nhà 66) được UBND quận Long Biên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng trong việc công nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất sau này. 

Theo các hộ dân, đã có sự vi phạm nghiêm trọng các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bởi khi tiến hành thu hồi đất, UBND quận Long Biên phải tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Mục 4 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ: Khi tiến hành thu hồi đất phải ban hành quyết định thu hồi đất chung và quyết định thu hồi đất cá biệt đối với từng hộ dân. Tuy nhiên, chỉ có Quyết định số 5801/QĐ-UBND và Quyết định 3424/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc thu hồi đất phường Đức Giang, phường Việt Hưng chứ UBND quận Long Biên không ban hành quyết định thu hồi đất cá biệt. Các hộ dân chỉ được biết về việc thu hồi này thông qua Thông báo số 36/TB-UBND ngày 02/5/2013 của UBND phường Việt Hưng niêm yết công khai và lấy ý kiến hỗ trợ đối với 13 hộ dân trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ đoạn cầu Chui - cầu Đuống. Việc không ban hành quyết định cá biệt của UBND quận Long Biên đã vi phạm các quy định của pháp luật về việc thu hồi đất và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Cũng theo các hộ dân, việc đền bù, GPMB có sự vi phạm nghiêm trọng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất: 

Thứ  nhất, về trình tự thực hiện việc chi trả bồi thường, hỗ trợ sau khi thu hồi đất: Khi thu hồi đất để phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống , UBND quận Long Biên phải tuân theo các quy định của pháp luật, cụ thể là Khoản 1, Điều 57 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đấtt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo quy định này, việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân phải được tiến hành ngay sau khi có niêm yết công khai và giao quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày công trình đi vào hoạt động, các hộ dân vẫn chưa được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ một cách thỏa đáng. 

Thứ hai, về giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi: Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thì những hộ có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường bằng đất ở mới, nhà tái định cư hoặc bằng tiền theo giá trị QSDĐ tại thời điểm có quyết định thu hồi theo đúng loại đất bị thu hồi. Hơn nữa, giá làm cơ sở để tính bồi thường, hỗ trợ phải được tiến hành đối với giá đất ở được UBND thành phố quy định và công bố. Tuy nhiên, trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất, UBND quận Long Biên lại xác định phần diện tích đất bị thu hồi và bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá 35.000 đồng/m2. 

Đặc biệt, mặc dù diện tích đất của các hộ dân có sự tương đồng về nguồn gốc, thời gian sử dụng, vị trí địa lý nhưng đơn giá bồi thường, hỗ trợ có sự chênh lệch nhau. Cụ thể, hộ ông Lê Ngọc Tân (số nhà 66) được bồi thường với đơn giá 32.400.000 đồng/m2, trong khi các hộ dân còn lại chỉ được bồi thường với đơn giá 35.000 đồng/m2 (thể hiện trong Quyết định 91/QĐ-UBND ngày 09/01/2014 của UBND quận Long Biên), sau khi bị thu hồi đất đã được bố trí tái định cư đảm bảo ổn định cuộc sống. Đây là một điểm rất bất bình thường trong quá trình thu hồi đất, gây nhiều bức xúc cho các hộ dân.

Cùng nguồn gốc sử dụng đất nhưng có gia đình được cấp GCNQSDĐ và được đền bù thỏa đáng, còn 9 hộ này thì không.

Qua đó, các hộ dân cho biết, đã có sự vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống đã được xây dựng theo quy hoạch đô thị và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1806/QĐ-BGTVT ngày 23/06/2003 và Quyết định số 124/QĐ-BGTVT-CGĐ ngày 13/01/2004. Dự án cũng đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận và phê duyệt tại Quyết định 120/2004/QĐ-UB ngày 04/08/2004. 

Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành thì ngày 20/5/2011, UBND quận Long Biên lại có Tờ trình số 647/TTr-UBND xin chủ trương cho phép thu hồi bổ sung 14 hộ bên ngoài chỉ giới tuyến Ngô Gia Tự để quản lý trật tự xây dựng đô thị dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống. 

Trên thực tế, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A và chỉnh trang hai bên đường phố Ngô Gia Tự đã được hoàn thành, do đó, việc UBND quận Long Biên đưa ra lý do thu hồi đất để chỉnh trang tuyến đường Ngô Gia Tự là hoàn toàn không có căn cứ. Ngoài ra, điểm bất hợp lý ở chỗ UBND quận Long Biên chỉ quyết định thu hồi phần diện tích đất của 13 hộ dân (nằm giữa dãy phố), trong khi các phần diện tích đất của các hộ dân khác (nằm ở đầu và cuối dãy phố) thì không thu hồi. Để giải thích cho điểm bất hợp lý này, UBND quận Long Biên cho rằng, diện tích đất của 13 hộ dân nằm trong ô đất công cộng CC-03 nên phải thu hồi tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong quy hoạch mới nhất của UBND TP. Hà Nội, diện tích đất của các hộ dân vẫn thuộc khu dân cư và nằm ngoài ô đất CC-03. Do đó, lý do mà UBND quận Long Biên đưa ra là hoàn toàn không có căn cứ, cần phải làm rõ. 

Thêm vào đó, chính quyền sở tại cũng vi phạm các quy định của pháp luật về việc kiểm kê tài sản trên đất bị thu hồi. Các hộ dân bị thu hồi đất đều được Hội đồng GPMB yêu cầu kiểm kê tài sản trên đất bị thu hồi bị thiệt hại trong sáng ngày 27/5/2014, tức là ngày cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, khi các hộ dân đang tiến hành kiểm kê tài sản thì chỉ trong vòng 02 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng đã bất ngờ tiến hành tháo dỡ, kéo đổ tất cả nhà cửa và các tài sản khác gắn liền trên đất. Việc làm này diễn ra trong thời gian các hộ dân đang có những kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thanh, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật việc thu hồi đất của UBND quận Long Biên. Các hộ dân cho rằng, UBND quận Long Biên đang cố gắng nhanh chóng hoàn thành việc thu hồi đất trước ngày 01/7/2014 - ngày Luật đất đai năm 2013 chính thức có hiệu lực; nhằm mục đích tránh rơi vào trường hợp quy định tại Khoản 6, Điều 17 Nghị định 43/2013/NĐ-CP ngày 15/5/2014  về thu hồi đất mà có khiếu nại.

Đồng thời, có sự vi phạm các quy định về quy trình cưỡng chế thu hồi đất. Theo Khoản 2, Điều 70 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND quy định việc cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất chỉ được thực hiện khi đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 

Trên thực tế, mặc dù chưa hề ban hành bất cứ quyết định thu hồi đất cá biệt nào nhưng UBND quận Long Biên lại ra các quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Ngoài ra, trong quá trình cưỡng chế, mặc dù có 05 hộ dân (các số nhà 42, 48, 50, 52, 58) đang tiến hành kiểm đếm hiện trạng diện tích đất và tài sản đang sử dụng dôi ra so với năm 2005, chưa được lên phương án bồi thường hỗ trợ nhưng các lực lượng đã tiến hành đập phá, kéo đổ, gây thiệt hại hoàn toàn tài sản đang có. Đây chính là hành vi hủy hoại tài sản của công dân, có dấu hiệu vi phạm Điều 143, Bộ luật Hình sự về Tội hủy hoại tài sản.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top