Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 9 năm 2020 | 15:14

Dự án Cầu 110 đầu tư hàng tỷ đồng thi công xong... bỏ hoang

Cầu 110 là cây cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch giao thông trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) nối liền Đắk Lắk và Gia Lai, được xây dựng với mục đích chính là thông thương qua lại giữa 2 tỉnh. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn bị bỏ hoang.

Cầu 110 nằm tại vị trí Km 1.667+570 Quốc lộ 14 thuộc xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nối với xã Ea Hleo (huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk). Trước đây, công trình được manh nha xây dựng với mục đích phục vụ đi lại, thông thương giữa 2 tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk. Triển khai với nguồn vốn 23 tỷ đồng, cây cầu 110 được hy vọng sẽ nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
 
Được biết, dự án bắt đầu xây dựng vào tháng 6/2017, đầu năm 2019 chính thức hoàn thiện, tuy nhiên đến nay cầu 110 vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Cỏ mọc um tùm quanh cầu
Cỏ mọc um tùm quanh cầu...
 
Có dấu hiệu xuống cấp ở các mép nối
...Và có dấu hiệu xuống cấp ở các mép nối

Trao đổi với chúng tôi, Bà L,  người dân thuộc xã Ia Le, bức xúc: "Chúng tôi ở đây bao nhiêu ngày chờ cầu xây xong để dân cư đi vào ổn định. Đất thì chúng tôi sẵn sàng giao để nhà nước làm cầu phục vụ mục đích dân sinh, phúc lợi, nhưng đến nay chúng tôi vẫn không thống nhất phương án đền bù mà huyện Chư Pưh đưa ra. Chúng tôi mong lãnh đạo huyện đánh giá lại tài sản trên đất của chúng tôi để đền bù cho hợp lý. Đơn vị thi công thì đào hố đất sụt lún như một cái giếng không may ai đi vào thì rơi ngay xuống. Cầu thì bỏ hoang nên có dấu hiệu xuống cấp”. 

Phía bên kia, một số người dân xã Ea Hleo sống gần khu vực cầu cũng bức xúc không kém. Bà Nguyễn Thị H. chia sẻ: “Cây Cầu 110 xây xong bỏ hoang vì đền bù không thoả đáng. Bên kia cầu thuộc phía tỉnh Gia Lai và bên này cầu thuộc tỉnh Đắk Lắk đền bù số tiền chênh lệch quá lớn, trong khi điều kiện kinh tế xã hội của 2 vùng như nhau. Chúng tôi mong tỉnh chỉ đạo thống nhất giá đền bù thỏa đáng cho chúng tôi, vì tiền đền bù chúng tôi không đủ để xây lại nhà nhỏ, chứ không phải nhà như chúng tôi đã xây”.
 
 Đem những ý kiến của người dân và thực tế ghi nhận được, phóng viên có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Lê Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh. Ông Thái cho biết: “Phóng viên nên tìm hiểu bên phía Nam cầu, tức bên huyện Ea Hleo xem họ đền bù như thế nào? Còn phía Bắc cầu, tức là phía huyện Chư Pưh, đã đền bù xong rồi”.
 
Cho đến hiện tại, cây cầu nhiều tỷ vẫn phải “chờ đường”, điều này thật sự không đáng bởi càng kéo dài thì sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Thiết nghĩ, vấn đề đền bù cho dân, cần có sự thoả thuận, đồng lòng của đôi bên, để không gây bức xúc, đem lại công bằng cho các hộ dân sinh sống quanh khu vực. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn đọng để Cầu 110 được đưa vào sử dụng thay vì “bỏ hoang” gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.
 
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
 
 
 
 
Hồ Hải
Ý kiến bạn đọc
Top