KTNT - Ngày 20/10/2015, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành hai quyết định số 2117 và 2118/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Công viên Truyền hình Vĩnh Long (CVTHVL), đường vào công viên truyền hình Vĩnh Long (ĐV.CVTHVL). Theo đó, diện tích đất cần thu hồi cho hai công trình trên là đất ở đô thị và đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường 3 và phường 4 của TP. Vĩnh Long. Sự việc không có gì đáng nói nếu sau khi dân đồng ý bàn giao mặt bằng, chính quyền không “bẻ kèo”!?
Người dân đến Tỉnh ủy Vĩnh Long mong được giải quyết việc hỗ trợ, tái định cư như lời hứa ban đầu.
Lời hứa không đi đôi với việc làm
Ông Cao Hữu Nghĩa (đại diện các hộ dân) cho biết: Năm 2016, UBND TP. Vĩnh Long tổ chức họp dân phường 3, phường 4, khi đó ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã phổ biến chính sách bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư của hai công trình trên. Theo đó, ngoài việc đền bù giá đất theo các quyết định của tỉnh, người dân còn được nhận các khoản hỗ trợ khác để ổn định cuộc sống, nổi bật là mỗi mét vuông đất nông nghiệp ngoài việc được bồi hoàn giá 1.367.000 đồng, còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.000.000 đồng/m2.
Mặc dù giá bồi hoàn và các khoản hỗ trợ cộng lại vẫn chưa tương xứng với giá đất thực tế ở địa phương nhưng đây là chủ trương của tỉnh, các hộ dân cũng muốn được ở liền kề với khu công viên khang trang mà không phải rời bỏ xóm giềng nên đa số đồng tình với phương án trên.
Sau đó, cán bộ địa phương và thành phố đến từng nhà vận động bà con ra lãnh tiền bồi hoàn 1.367.000 đồng/m2 đất nông nghiệp và các khoản bồi hoàn về tài sản gắn liền với đất, còn khoản tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề (1.000.000 đồng/m2 đất nông nghiệp) sẽ được trả cho bà con sau khi nhà nước chuyển tiền tiếp cho dự án. Có trên 50% số hộ muốn di dời sớm để ổn định cuộc sống nên đồng ý nhận tiền, giao Giấy chứng nhận QSDĐ và trở về tháo dỡ nhà cửa, chuồng trại, đốn bỏ cây trồng… bàn giao mặt bằng cho công trình. Thế nhưng, vào ngày 14/4/2017, Ban quản lý dự án công bố: Chủ trương của UBND TP.Vĩnh Long là không hỗ trợ khoản đào tạo, chuyển đổi nghề 1.000.000 đồng/m2 đất nông nghiệp và có trên 20 hộ phải tái định cư nơi khác. Sau khi người dân phản ứng dữ dội thì ngày 25/5/2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố lại công bố danh sách 17 hộ được nhận khoản hỗ trợ trên, 20 hộ khác phải tái định cư nơi khác vì dự án không đủ nền để bố trí tái định cư.
Bà Trần Thị Đức Linh, người dân phường 4, nhấn mạnh: “Tiền bồi hoàn đất và các khoản hỗ trợ như đã hứa ban đầu cộng lại chúng tôi vẫn không đủ để mua lại phần đất tương xứng liền kề ở địa phương. Đề nghị chính quyền giải quyết có tình có lý, không vì lợi ích chung của cả thành phố mà ép buộc chúng tôi phải chịu thiệt thòi quá đáng. Người dân không đòi hỏi gì hơn ngoài việc chính quyền thực hiện đúng lời hứa ban đầu. Còn việc một số cán bộ TP. Vĩnh Long thách thức chúng tôi đi thưa kiện chính quyền lên tỉnh hay ra tòa là thái độ hống hách, xem thường người dân, cần phải xử lý”.
Giải quyết chưa thấu tình đạt lý
Trong 2 cuộc đối thoại với những hộ, cá nhân bị thu hồi đất, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, cho rằng: Căn cứ vào xét duyệt của UBND phường 3, phường 4 và đối chiếu theo Khoản 30, Điều 3, Luật Đất đai 2013 thì những hộ có đất nông nghiệp mà có buôn bán hay làm phụ thêm ngành nghề khác (xem như không trực tiếp sản xuất nông nghiệp) thì không được hỗ trợ khoản đào tạo chuyển đổi nghề. Về giá bồi hoàn đất nông nghiệp là thực hiện theo Quyết định phê duyệt giá đất của UBND tỉnh Vĩnh Long. Còn những hộ phải tái định cư nơi khác là do nằm trong công trình ĐV.CVTHVL chứ không phải nằm trong công trình CVTHVL. Đây là 2 dự án được phê duyệt riêng.
Ông Nguyễn Hoàng Học, người phát ngôn của UBND tỉnh Vĩnh Long, khẳng định, UBND TP. Vĩnh Long đã làm đúng theo pháp luật và trình tự quy định. Việc xác định đất sản xuất nông nghiệp là việc làm phức tạp. Hơn nữa, đất nông nghiệp ở đô thị có giá trị khác ở nông thôn nên UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát toàn bộ sự việc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết. Còn nếu bà con có yêu cầu đối thoại thì Chủ tịch UBND tỉnh sẵn sàng tiếp xúc với nhân dân.
Sáng 28/8/2017, gần 30 hộ dân đã đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt và giải quyết việc hỗ trợ, tái định cư theo đúng lời hứa ban đầu. Cơ quan tiếp dân của UBND tỉnh Vĩnh Long đã tiếp xúc ghi nhận ý kiến của người dân nhưng trong khi bà con đang chờ đợi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh thì có một số người tự xưng là nhà thầu đến khảo sát địa hình để đưa xe cuốc vào thi công, khiến cho sự việc như đổ thêm dầu vào lửa.
Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long sớm tổ chức đối thoại và có phương án giải quyết hợp tình hợp lý để ổn định tinh thần người dân, đảm bảo tốt cho việc thực hiện dự án và tình hình trật tự ở địa phương.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh sự việc.
Nhóm PVĐT
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.