Chung cư Hinode City 201 Minh Khai đã bàn giao căn hộ cho cư dân về sinh sống, bất chấp quy định của pháp luật và an toàn của cư dân.
Mặc dù chưa được cơ quan chức năng thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC), đang trong quá trình xin điều chỉnh phương án kiến trúc và khắc phục vi phạm xây dựng nhưng chủ đầu tư chung cư Hinode City 201 Minh Khai đã bàn giao căn hộ cho cư dân về sinh sống, bất chấp quy định của pháp luật và an toàn của cư dân.
Nhiều căn hộ chung cư Hinode City 201 Minh Khai xây dựng sai phép đã có người dân về ở.
Xây dựng sai phép
Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại Hinode City) ở số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. Dự án Hinode City có diện tích sử dụng hơn 2,8ha, tổng mức đầu tư trên 4.825 tỷ đồng và tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ quý I/2017 đến quý I/2021.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án đã tồn tại nhiều vi phạm. Cụ thể, ngày 18/9/2019, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sĩ Phong ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex - chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Người đại diện pháp luật là ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT Vietracimex.
Theo quyết định xử phạt trên, Vietracimex đã thực hiện hành vi vi phạm là “Tổ chức thi công xây dựng sai giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”.
Xác nhận thông tin này với báo chí, cán bộ đô thị phường Minh Khai cho biết, trong tháng 9/2019, liên ngành của quận, Sở Xây dựng và các phòng ban của UBND quận đã kiểm tra phát hiện một số sai phạm tại công trình 201 Minh Khai. Sai phạm về cốt hạ tầng khớp nối với đường của dự án; một số nội dung liên quan đến công tác PCCC – bổ sung thêm một số hạng mục kỹ thuật PCCC.
Đồng thời, UBND phường trình UBND quận Hai Bà Trưng thông qua Đội quản lý trật tự xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; theo quy định, 60 ngày chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục cấp phép bổ sung.
UBND quận Hai Bà Trưng đã phạt Vietracimex hành vi vi phạm “tổ chức xây dựng sai GPXD” số tiền 40 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Vietracimex phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh GPXD.
“Hết thời hạn này, Tổng công ty không xuất trình cho người có thẩm quyền xử phạt GPXD điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định”, quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu.
Ngoài ra, quyết định cũng chỉ rõ, sau khi được cấp GPXD điều chỉnh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với GPXD được cấp mới.
Tuy nhiên, đã quá thời hạn hơn 6 tháng để xin GPXD bổ sung theo quyết định xử phạt trên, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong. Đáng nói, các sai phạm của chủ đầu tư không bị cưỡng chế tháo dỡ và công trình thì vẫn có hoạt động thi công, hoàn thiện từng ngày.
Đưa dân vào ở khi chưa có nghiệm thu PCCC
Trong khi các vi phạm tại dự án chung cư Hinode City 201 Minh Khai chưa được giải quyết triệt để thì chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho cư dân về ở. Đặc biệt, dự án còn chưa được cơ quan chức năng thẩm định phương án PCCC.
Theo văn bản mới nhất (28/4/2020) về việc điều chỉnh bản vẽ phương án kiến trúc công trình thuộc dự án Hinode City 201 Minh Khai, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ chấp thuận nguyên tắc việc điều chỉnh về bố trí cơ cấu mặt bằng công năng một số tầng tại các hạng mục công trình dự án 201 Minh Khai này.
Đồng thời, Sở Quy hoạch Kiến trúc yêu cầu Vietracimex liên hệ với Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ, thẩm định an toàn kết cấu công trình và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung GPXD đã được cấp theo quy định; liên hệ với Cục Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn thẩm định phương án PCCC; chỉ được xây dựng khi được cấp GPXD bổ sung và hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.
Theo ghi nhận của PV, khối toà nhà hỗn hợp tại mặt đường Minh Khai chủ đầu tư đang gấp rút thi công hoàn thiện, 2 khối chung cư (khoảng 400 căn hộ) đã có nhiều hộ dân vào ở. Nhân viên bảo vệ, quản lý toà nhà cũng được bố trí tại các sảnh toà chung cư, hầm gửi xe…
Tại khu vực tầng hầm, có hàng trăm phương tiện xe máy - ô tô dừng đỗ, ra vào liên tục. Người ra vào các sảnh căn hộ, tập thể dục tại khu vực sân, hành lang toà nhà cũng diễn ra sôi động vào cuối giờ chiều.
Trao đổi với phóng viên, một người dân đang sinh sống tại dự án Hinode City cho biết, nhiều người đã chuyển về đây ở từ cuối năm 2019, số căn hộ có cư dân về ở ngày càng đông, chủ đầu tư cũng chưa làm sổ đỏ cho từng căn hộ.
Việc chủ đầu tư dự án Hinode City 201 Minh Khai cho hộ dân vào ở khi dự án vẫn chưa có nghiệm thu PCCC tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cháy nổ, an ninh trật tự. Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội và quận Hai Bà Trưng sớm vào cuộc để xử lý chủ đầu tư công trình theo quy định, tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Liên quan tới các vi phạm tại dự án Hinode City 201 Minh Khai, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm tại dự án này. Theo đó, UBND TP. Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế Hà Nội và chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm về các vi phạm này. Đáng chú ý, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Hinode City không đúng quy định. Cụ thể, liên ngành gồm sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục Thuế Hà Nội trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất đã đưa khoản chi phí kiểm định chất lượng phù hợp công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng thể chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không định quy định của Bộ Tài chính, với số tiền là hơn 25 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, nếu dự án chưa hoàn tất các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch thì chưa thể nghiệm thu công trình. “Khi chưa thể nghiệm thu thì không thể cho người dân vào ở. Đó là bắt buộc, đồng nghĩa với việc không thể đưa vào sử dụng. Chưa hoàn tất các thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý” - Thứ trưởng nhấn mạnh. Ông Hùng cũng cho biết, Bộ đã từng phát hiện những trường hợp như vậy và đã có văn bản gửi chính quyền địa phương để xem xét, xử lý. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.