Hơn 50 hộ dân đã “sinh cơ, lập nghiệp” lâu đời tại khu 9B và khu 10 phường Bãi Cháy - Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang phải đối mặt với nguy cơ “ra đường” vì Dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản đang được triển khai tại đây. Người dân “hoang mang” vì mảnh đất hương hỏa của họ hầu hết đã được kê khai đền bù là đất rừng, đất trồng cây và bị “ép” với giá đền bù rẻ mạt.
Các hộ dân khu 9B và khu 10 kiến nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét đơn giá bồi thường về đất đai, hoa màu, kiến trúc với người dân.
Tiền đền bù 1 m2 đất không mua được “mớ rau”
Như Báo Xây dựng đã thông tin, Dự án khu biệt thự đồi Thuỷ Sản tại phường Bãi Cháy được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4167/QĐ-UBND ngày 27/12/2011 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 24/10/2014. Dự án này do Cty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư, đây là đơn vị thành viên của Cienco 5, hoạch toán độc lập, hoạt động theo mô hình Cty Cổ phần, kinh doanh đa ngành nghề, trong đó ngành mũi nhọn là đầu tư và kinh doanh BĐS. Cty này được thành lập vào quý III năm 2005 trên cơ sở kế thừa hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) – Chi nhánh tại Bình Thuận.
Ngày 24/8/2015 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2449/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản tại phường Bãi Cháy. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất ở để bồi thường, GPMB dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản. Theo đó, tại Quyết định số 2449/QĐ-UBND bảng giá đất trồng cây lâu năm được xác định 75.000 đồng/m2; đất rừng sản xuất là 9.300 đồng/m2.
Theo nội dung đơn thư của ông Đỗ Xuân Vì, đại diện cho gần 30 hộ dân sống tại khu 9b và khu 10 thuộc phường Bãi Cháy (Hạ Long – Quảng Ninh) gửi Báo Xây dựng phản ánh: Khu đất gia đình ông và các hộ dân đang sinh sống được hình thành và sử dụng từ trước những năm 1975. Các hộ dân tại đây đều đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thuế đất và được các cấp chính quyền xác nhận cho xây nhà ở kiên cố từ trước năm 2006. Tuy nhiên, khi thực hiện “kiểm đếm bắt buộc” nguồn gốc đất của gia đình ông cùng các hộ dân xung quanh đã bị làm sai lệch nguồn gốc và chỉ được bồi thường giá 75.000 đồng/m2, nhiều hộ chỉ được bồi thường có 9.300 đồng/m2. Với giá bồi thường rẻ mạt 9.300 đồng/m2 đất cũng không mua nổi mớ rau, người dân mất 200m2 đất ở không thể mua nổi 1m2 đất ngoài thị trường.
Tại buổi làm việc với phóng viên, hầu hết các hộ dân cho rằng: Nguồn gốc mảnh đất người dân sinh sống ổn định từ những năm 1975 đến trước những năm 1993, với nhiều nguồn gốc đất khác nhau từ đất ở, đất phi nông nghiệp, đất khai hoang…tuy nhiên, hiện nay trong các phương án bồi thường rất nhiều diện tích đất có nguồn gốc lại được biến sang đất đất trồng cây và đất rừng với giá rẻ mạt là không đúng thực tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi bị GPMB.
Bà Phạm Thị Liễu, tổ 6, khu 9B, phường Bãi Cháy (Thành phố Hạ Long) cho biết: Khi chúng tôi ra đây mua đất ở từ trước những năm 1993, nguồn gốc mảnh đất từ những năm 1970 ở đây đã hình thành, giấy tờ chúng tôi có đầy đủ. Theo phương án, nhà tôi bị thu hồi khoảng 1.814m2 với giá đất vườn là 75.000 đồng/m2, nhưng tôi không đồng ý với phương án bồi thường này. Vừa qua, UBND phường có gọi chúng tôi xuống lấy tiền đền bù phần diện tích ngõ, chúng tôi không hiểu tại sao họ lại gọi để trả tiền bồi thường phần diện tích này, còn phần khác thì không đả động gì đến, vậy nhà mà không có ngõ thì đi vào đâu? Ngoài ra, dự án đã được kiểm đếm từ những năm 2012, cũng từ đó phường cấm không cho người dân xây dựng, trồng trọt, vì vậy tôi cũng chấp hành. Tuy nhiên, đến nay mưa bão, đã làm hư hỏng nhà cửa, không ở được phải đi thuê nhà, nhưng kiến nghị này vẫn không được giải quyết.
Cùng chung bức xúc, ông Hoàng Thọ, trú tại khu 9B, phường Bãi Cháy chia sẻ: Tôi thấy dự án này có nhiều bất cập, trước thời kỳ năm 1982 nhà nước khuyến khích, vận động người dân đi làm khu kinh tế mới. Tại khu đất này, tất cả người dân đều đã “sinh cơ, lập nghiệp” lâu đời tại đây, có những hộ ăn ở từ những năm 1970 đến tận bây giờ. Nay dự án mới được triển khai, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, công sức khai hoang, cải tạo đất bị xóa bỏ. Phương án đền bù cho người dân với giá bèo bọt, bị mất đất sản xuất, không được tái định cư, giá đền bù không mua nổi đất ngoài thị trường. Vậy làm sao người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng được. Chúng tôi ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế, đô thị của thành phố, nhưng thành phố cũng phải xem xét quyền lợi của người dân cho đúng và hài hòa.
Bị rơi vào vùng quy hoạch, người dân bị “cấm”trồng cấy, sửa sang nhà cửa mặc cho mưa bão làm bung cả mái nhà.
Vì đâu dân không thuận?
Được biết, tại văn bản số 57/UBND ngày 14/2/2008 của UBND TP Hạ Long gửi UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ: Căn cứ Quyết định số 644/QĐ-UB ngày 03/3/2005 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đai Thành phố Hạ Long giai đoạn 2004 -2010 đã xác định khu vực này là đất ở Đô thị (ODT). Việc này cũng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận bằng văn bản số 646/UBND- QLĐĐ về việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân nêu trên, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà quyết định này đã bị lãng quên, các đơn vị chức năng sau đó cũng không tổ chức làm sổ đỏ cho các hộ, để rồi hiện nay nhiều người dân bị “áp” với nguồn gốc đất trồng cây lâu năm với giá rẻ mạt.
Được biết, việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được UBND thành phố Hạ Long căn cứ đơn giá đất được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2449/QĐ-UBND và Quyết định số 585/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất ở để bồi thường, GPMB dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản. Tuy nhiên, người dân cho rằng, khung giá này quá thấp, không đảm bảo quyền lợi và điều kiện tái sản xuất sau khi bị mất đất cho người dân.
Theo nội dung văn bản số 4525/UBND của UBND thành phố Hạ Long trả lời giải quyết kiến nghị của 56 hộ gia đình, cá nhân trong ranh giới GPMB dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản thì cơ sở xác định loại đất để bồi thường hỗ trợ gồm: Căn cứ Điều 11 Luật Đất đai “căn cứ để xác định loại đất”; căn cứ Điều 3 Nghị định 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về việc xác định loại đất (khi bồi thường) đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại các khoản 1,2,3 Điều 11 Luật Đất đai. Do đó UBND thành phố Hạ Long chỉ căn cứ các loại giấy tờ quy định tại Điều 11 Luật Đất đai hoặc hiện trạng sử dụng đất, hồ sơ kiểm đếm để xác định loại đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân là chưa thỏa đáng.
Một số ý kiến người dân cho rằng: Mặc dù được UBND thành phố Hạ Long xác định khu vực này là đất ở Đô thị (ODT) và từ những năm 2008 thành phố đã có công văn trình UBND tỉnh xin chủ trương làm Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tuy nhiên sau nhiều năm các hộ dân vẫn không làm được “sổ đỏ” cho mảnh đất của mình. Cộng với đó là việc thất lạc giấy tờ đất sau nhiều năm, khiến người dân không thể có giấy tờ đất chứng minh cho nguồn gốc đất của mình. Ngoài ra, khi tiến hành kê khai, nhận thấy dấu hiệu không khách quan, người dân đã không hợp tác với ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, không cung cấp các giầy tờ đất có liên quan, do đó UBND thành phố Hạ Long đã ra quyết định kiểm đếm bắt buộc với các hộ dân. Cũng theo phản ánh của người dân, việc kiểm đếm này đã không chính xác về nguồn gốc, diện tích thực tế.
Mặc dù người dân phản đối quyết liệt các phương án của Trung tâm phát triển quỹ đất, nhưng trả lời phóng viên Báo Xây dựng bà Phùng Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Hạ Long cho rằng: Tất cả thủ tục hồ sơ khu đô thị đồi Thủy Sản thực hiện theo đúng đơn giá của UBND tỉnh phê duyệt. Hơn nữa khi có Quyết định cưỡng chế thì trực tiếp là đồng chí Phó Chủ tịch Thành phố cũng có đối thoại trực tiếp trả lời các hộ dân. Các hồ sơ cũng đã có đầy đủ, giá thấp thì cũng trả lời trong đối thoại là thực hiện đúng theo đơn giá mà UBND tỉnh quy định. Do vậy, giá của dự án phê duyệt lúc đó thế nào thì làm thế đó, còn giá thời điểm này là 2016.
Nhiều người dân cho biết, họ luôn ủng hộ các chính sách và chủ trương của nhà nước, tuy nhiên, họ cũng kiến nghị UBND tỉnh phải nhìn nhận, xem xét lại phương án đền bù nhằm đảm bảo quyền lợi, đúng theo quy định của pháp luật.
Báo Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cần xem xét những kiến nghị của người dân, có cách giải quyết “thấu tình đạt lý”, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.
Nhóm PVPL/Xây dựng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.