Triển khai từ năm 2006, Dự án thủy lợi Truông Bành có tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng, do UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) làm chủ đầu tư, được kỳ vọng sẽ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân xã Quế Sơn. Thế nhưng, sau gần 10 năm, dự án... vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Ống dẫn nước được tập kết lâu năm chưa được lắp đặt.
Công trình thủy lợi Truông Bành được triển khai xây dựng năm 2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2013, với 2 hạng mục chính là xây đập đầu nguồn và hệ thống đường ống dẫn chính dài 5km (đến nay đã hoàn thành). Tuy nhiên, các hạng mục tiếp theo như: kênh mương nhánh từ bể chứa về các khu dân cư và vùng sản xuất thì vẫn còn dang dở. Thậm chí, trong quá trình triển khai thi công, dự án phải thay đổi bản vẽ thiết kế vào năm 2013, chủ đầu tư cũng gia hạn thời gian thi công chậm nhất đến 31/12/2015 dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên, xem ra đây là vấn đề quá khó thực hiện bởi chưa biết khi nào công trình mới được triển khai trở lại.
Có thể khẳng định, đây là dự án rất quan trọng đối với xã Quế Sơn. Dự án hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, người dân vẫn phải dài cổ chờ nguồn nước của dự án, công trình vẫn “đắp chiếu”, còn bà con thì vất vả tìm kiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Vào mùa khô, hầu hết các gia đình lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng.
Khi được hỏi, hầu hết người dân than thở: “Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của chúng tôi chủ yếu trông chờ vào nước trời, năm nào hạn hán thì coi như mất mùa vì lúa, hoa màu đều chết khô”.
Khi chúng tôi tiếp cận bể chứa “cụt đuôi” ở xóm Phong Quang, chị Lộc Thị Sinh, nhà ở gần đó vồn vã hỏi: “Các anh về kiểm tra dự án để đầu tư xây tiếp ạ, nếu được như vậy người dân chúng tôi vui mừng, phấn khởi lắm. Mùa này nước giếng còn đủ dùng chứ mùa nắng nước cạn, khổ lắm”.
Đi sâu hơn về phía cuối dự án, không khó để bắt gặp từng đống ống dẫn nước nằm ngổn ngang phơi mưa gió, nhiều ống đã có hiện tượng hoen rỉ. Thấy chúng tôi chụp ảnh, anh Lê Công Đoài ở xóm Hải Lâm 2 cho biết thêm: “Các ống dẫn này nằm ở đây 5 năm rồi, có thấy ai đến thi công tiếp đâu”.
Ngày dự án khởi công, người dân Quế Sơn ai cũng vui mừng, hồ hởi chờ nguồn nước sạch thì nay họ tỏ ra nghi ngờ, thất vọng. Cho đến nay, mặt bằng thi công dự án có đoạn vẫn chưa giải phóng xong. Theo một số người dân, trong quá trình đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công và người dân chưa thống nhất được khung giá; cùng một khu vực, có hộ được đến bù nhiều, có hộ ít nên chưa nhận.
Anh Trần Văn Lâm cho PV hay: "Giá bồi thường thấp nên gia đình chưa chấp thuận".
Anh Trần Văn Lâm, trú tại xóm Hải Lâm 2, cho biết: “Việc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng công trình khiến gia đình tôi mất 200m2 đất, trong khi giá bồi thường quá thấp, chỉ 220.000 đồng/m2 nên tôi chưa đồng ý”. Đa phần người dân đều cho rằng, họ rất ủng hộ dự án, vì chính họ là người được hưởng lợi nhưng việc đền bù phải đảm bảo công bằng.
Ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, cho hay: “Những gì người dân phản ánh cũng như nội dung các anh nêu xung quanh Dự án thủy lợi Truông Bành là có thật. Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân thông qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri và đã có báo cáo gửi lãnh đạo huyện. Được biết, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay có đoạn chưa thực hiện được, chúng tôi mong dự án sớm được thi công trở lại”.
Bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban quản lý Dự án huyện Quế Phong, nói: “Quá trình thi công kênh nhánh ảnh hưởng trực tiếp đến 148 hộ dân và 2 tổ chức, kinh phí được phê duyệt giải phóng mặt bằng là 1.625.074.000 đồng nhưng kinh phí được cấp mới có 500.000.000 đồng, thực chi lên đến 733.069.4100 đồng. Hiện số tiền phải bồi thường giải phóng mặt bằng còn thiếu 1.125.074.600 đồng”.
Làm việc với đơn vị thi công, ông Trần Nguyên Đông cho biết: “Nguyên nhân chính khiến dự án thi công chậm tiến độ, không hoàn thành như dự kiến ban đầu là do không giải phóng được mặt bằng sạch, khi công nhân đưa máy móc ra làm việc thì người dân cản trở, bởi chưa bồi thường mặt bằng cho họ. Hiện nay, các ống dẫn được tập kết 2 bên đường chúng tôi phải thuê người trông coi, gần đây 2 van khóa nước ở bể chứa lớn đã bị mất trộm. Quan điểm của chúng tôi là giải phóng được mặt bằng sạch lúc nào thì chúng tôi triển khai thi công lúc đó”.
Như vậy, Dự án thủy lợi Truông Bành thi công kéo dài nhiều năm là do thiếu nguồn vốn, vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Nhưng dù vì lý do nào thì để công trình chậm trễ, kéo dài tới 10 năm cũng là một sự lãng phí lớn. Khi nào người dân Quế Sơn mới có nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ổn định? Câu hỏi này xin dành cho UBND huyện Quế Phong.
Lang Khiêm
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.