Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 5 năm 2020 | 12:59

Dự án Vinamit bỏ hoang hơn 10 năm: Xin làm khu dân cư thương mại?

Công ty CP Vinamit được UBND tỉnh Hải Dương “ưu ái” 2 lần gia hạn thời gian thực hiện Dự án Nhà máy chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (dự án Vinamit).

Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, công ty này vẫn không triển khai, ngược lại, còn  có văn bản xin tỉnh chấp thuận chủ trương thay đổi mục đích sử dụng đất dự án đầu tư, đề nghị chuyển đổi từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất dân cư đô thị.

 

t46.jpg
Người dân vỡ lẽ: Doanh nghiệp không phải vì lợi ích nông dân mà vì lợi ích kinh tế, vì “túi tiền” của họ…

 

Xin dự án rồi... bỏ hoang

Khu đất của dự án Vinamit thuộc xã Nam Đồng và phường Ái Quốc (TP. Hải Dương), được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2007. Theo kế hoạch, ở đây sẽ xây dựng nhà máy sản xuất nước ép đóng chai quy mô 500 lít/giờ; chế biến nông sản; kho cấp đông, trữ đông quy mô 3.000 - 4.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp.

Dự án sử dụng 349.616m2 đất (gần 35ha), chủ yếu thuộc phường Ái Quốc, được thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2009 với tổng vốn đầu tư  284,4 tỷ đồng.

Ngày 15/7/2011, tại xã Nam Đồng, Công ty CP Vinamit tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến, tổng kho và mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Về dự lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu: Công ty CP Vinamit cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để nhà máy sớm đi vào hoạt động, tích cực giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho lao động địa phương. Phó Thủ tướng tin tưởng, khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty sẽ sát cánh cùng nông dân trong việc xây dựng vùng trồng nguyên liệu nông sản và phát triển công nghệ sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm nông sản.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kể từ lễ khởi công, dự án của Vinamit vẫn “đắp chiếu”. Mặc dù đã được tỉnh gia hạn nhiều lần nhưng dự án Vinamit mới chỉ xây dựng tường bao và 2 nhà kho rộng khoảng 4.000m2. Diện tích còn lại để hoang, cỏ mọc lút đầu người.

Theo một số người dân ở gần dự án, hơn chục năm trước, nơi đây là đất bãi dùng để cấy lúa 2 vụ mỗi năm. Gần 50% diện tích bị thu hồi là đất đồng cao. Trên diện tích ấy, người dân vừa trồng lúa, vừa trồng hoa màu rất hiệu quả. Vì vậy, chứng kiến cảnh hàng nghìn mét vuông đất “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang lãng phí, bà con không khỏi xót xa.

Là người có gần 6 sào ruộng bị thu hồi để lấy đất thực hiện dự án, ông Đào Văn Ngọ (69 tuổi) ở khu Vũ Xá, phường Ái Quốc bức xúc: “Tôi không nghĩ ruộng đất đẹp như thế sau khi bị thu hồi lại để cỏ mọc. Lúc bàn giao ruộng, chúng tôi nghĩ khu đất này sẽ được đầu tư xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Vì thế, chúng tôi mới đồng thuận nhận tiền bồi thường dù giá thấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án”.

Gia đình ông Ngọ hiện chỉ còn hơn 1 sào ruộng trồng rau. Hằng ngày, ông vẫn ra khu dự án bỏ hoang để lấy mùn về bón cho rau.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2013, UBND tỉnh Hải Dương đã cho phép nhà đầu tư 2 lần gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty CP Vinamit vẫn không triển khai thực hiện. Đầu năm 2016, công ty có văn bản xin tỉnh chấp thuận chủ trương thay đổi mục đích sử dụng đất dự án đầu tư, đề nghị chuyển đổi từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất dân cư đô thị.

Hải Dương ưu ái doanh nghiệp?

Báo chí từng đưa tin, Công ty CP Vinamit báo cáo UBND tỉnh Hải Dương nội dung: Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Giai đoạn năm 2009 - 2013, thương hiệu của công ty bị đối thủ cạnh tranh lấy mất, phải mất nhiều thời gian và tiền của để theo đuổi vụ kiện tụng. Công ty đã phải giải quyết tranh chấp thương mại với một doanh nghiệp của Trung Quốc trong khi đây là thị trường chính của công ty. Ngoài ra, nhà đầu tư phải điều chỉnh lại quy hoạch dự án để phù hợp với sự thay đổi của hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương...

 

t47.jpg
Dự án Vinamit với diện tích gần 35ha của TP. Hải Dương “bỏ hoang” cho cỏ dại.

 

Có thể nói, mục đích ban đầu của dự án Vinamit là rất tốt đẹp, vì lợi ích lâu dài, bền vững của bà con nông dân và phát triển kinh tế địa phương. Cũng bởi lý do tốt đẹp này mà UBND tỉnh Hải Dương mới chấp nhận chủ trương đầu tư dự án; người dân mới chấp nhận để doanh nghiệp “thâu tóm” gần 35ha đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật”. Nhưng rồi, hơn 10 năm dự án vẫn “đắp chiếu”, đất đai để hoang phí cho cây cỏ dại mọc um tùm, người nông dân nào chẳng xót?

Thế nhưng, sau thời gian bỏ hoang dự án thì năm 2016, Công ty CP Vinamit bất ngờ xin chủ trương chuyển đổi từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất dân cư đô thị. Vậy là mục đích “phân lô, bán nền” đã hiện rõ. Người dân lúc này mới vỡ lẽ: Doanh nghiệp không phải vì lợi ích nông dân mà vì lợi ích kinh tế, vì “túi tiền” của họ…

Tháng 7/2019, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản thông báo và giao từng địa phương lên kế hoạch khảo sát, lập quy hoạch chi tiết, đồng thời kêu gọi đầu tư cho 11 dự án (8 khu dân cư và dịch vụ thương mại). Trong đó, có nội dung đề xuất của Công ty CP Vinamit, UBND tỉnh Hải Dương giao UBND TP. Hải Dương tổ chức lập quy hoạch khu đất tại phường Ái Quốc và xã Nam Hồng.

Ngay sau đó, trên internet rầm rộ thông tin “rao bán đất nền”, trong đó có thông tin dự án của Vinamit có giá từ 500 đến 800 triệu đồng/nền.

Nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Hải Dương đã quá “dễ dãi”, ưu ái cho Công ty CP Vinamit để treo dự án hơn 10 năm không thu hồi theo quy định của Luật Đầu tư. Hiện nay, còn dễ dàng chấp nhận cho doanh nghiệp chuyển đổi từ đất sản xuất, chế biến nông sản sang khu dân cư thương mại “phân lô, bán nền”.

Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Theo quy định tại khoản 3, Điều 58, Luật Đất đai, người được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư phải không vi phạm quy định của pháp luật đất đai.

Thực tế, dự án Vinamit đang vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai vì không triển khai, xây dựng dự án, để lãng phí đất. Công ty CP Vinamit cũng đã bị đăng công khai thông tin vi phạm về đất đai lên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Hải Dương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top