Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 7 năm 2017 | 2:55

Dự án xây dựng đường vành đai TP. Phủ Lý nhánh N1 giai đoạn 3: Doanh nghiệp "dài cổ" chờ tiền đền bù!

Dự án xây dựng đường vành đai TP. Phủ Lý nhánh N1 giai đoạn 3 đã ảnh hưởng đến xưởng sản xuất gia công rút thép cho Công ty TNHH&XD Đại Hải Hà Nam (Công ty Đại Hải) ở thôn Thá, phường Liêm Chính. Mặc dù Ban GPMB của thành phố đã đưa ra phương án bồi thường, nhưng từ năm 2012 đến nay, người được ủy quyền của Công ty Đại Hải là bà Đỗ Thị Hồng chưa nhận được tiền đền bù. Việc này khiến bà Hồng bức xúc làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết thấu tình đạt lý.

Chưa nhận được tiền bồi thường, doanh nghiệp không có kinh phí di dời nên đang án ngữ dự án.

Trong đơn gửi báo Kinh tế nông thôn, bà Đỗ Thị Hồng (người được Giám đốc Công ty Đại Hải ủy quyền giải quyết tất cả các việc liên quan đến việc hồ sơ dự toán thẩm định, làm các thủ tục với ban GPMB và có toàn quyền nhận số tiền được đền bù và số tài sản của xưởng sản xuất rút thép của Công ty Đại Hải tại thôn Thá để bổ sung vốn cho kinh doanh, chi phí và trả lương cho công nhân) trình bày: Chúng tôi là doanh nghiệp, khi có dự án, đã chấp hành theo quyết định thu hồi của Nhà nước, song chưa hề nhận được tiền đền bù theo quy định của pháp luật. Mặc dù phương án bồi thường đó chúng tôi vẫn chưa nhất trí vì còn nhiều hạng mục mà Ban GPMB kiểm kê còn thiếu. Dù vậy, để dự án triển khai đúng tiến độ, chúng tôi vẫn đồng ý nhận tiền đền bù rồi kiến nghị tiếp và cũng để có tiền trả lương cho người lao động và di chuyển trang thiết bị của xưởng để trả mặt bằng cho dự án. Nhưng đến nay, Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng chưa cho chúng tôi nhận tiền đền bù cho dù tôi có giấy ủy quyền của Giám đốc Công ty Đại Hải, việc này khiến cho những người lao động trong xưởng nhiều năm nay chưa nhận được lương, chúng tôi cũng không có kinh phí để di chuyển các trang thiết bị đến nơi khác nên bị hư hỏng nặng,…

Nhà xưởng bị xuống cấp nghiêm trọng do không có kinh phí di dời

Để làm rõ thông tin bà Đỗ Thị Hồng phản ánh, phóng viên báo Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với ông Lê Trường Thọ, Phó giám đốc Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh Hà Nam. Ông Thọ xác nhận việc chưa chi trả bồi thường cho Công ty Đại Hải là đúng. Lý giải cho việc này, ông Thọ cho biết, để chi trả kinh phí GPMB cho Công ty Đại Hải đúng quy định, ngày 13/2/2017, Hội đồng bồi thường GPMB TP. Phủ Lý có Văn bản số 19/HĐBTGPMB đề nghị Công ty Đại Hải cung cấp số tài khoản. Tiếp đến ngày 16/3/2017, UBND TP. Phủ Lý có Thông báo số 136/TB-UBND gửi cho Công ty Đại Hải và bà Đỗ Thị Hồng tiếp tục đề nghị cung cấp số tài khoản của công ty để Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh Hà Nam chuyển tiền.

Khi được hỏi bà Đỗ Thị Hồng đã có giấy ủy quyền của ông Đỗ Duy Đại, Giám đốc Công ty Đại Hải, giải quyết các thủ tục từ khi GPMB đến khi lấy tiền đền bù để bổ sung vốn cho kinh doanh, chi phí và trả lương cho công nhân gửi tất cả các cơ quan chức năng, ông Thọ cho biết, đúng là chúng tôi có nhận được giấy ủy quyền này nhưng theo quy định chúng tôi vẫn cần bà Hồng cung cấp tài khoản của công ty. Hiện nay chúng tôi cũng đã gửi văn bản sang bên Sở Tư pháp để xin ý kiến về tính pháp lý của giấy ủy quyền của ông Đỗ Duy Đại với bà Đỗ Thị Hồng, sau khi có ý kiến của cơ quan này, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND tỉnh rồi sẽ chi trả.

Thiết nghĩ, để có mặt bằng sạch phục vụ dự án, đồng thời giúp doanh nghiệp có tiền chi trả lương cho người lao động, đầu tư vào sản xuất và có kinh phí di dời xưởng sản xuất, đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ sự việc trên, xem xét sớm chi trả tiền đền bù cho doanh nghiệp, tránh gây tình trạng khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương./.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục tìm hiểu thông tin diễn biến vụ việc.

Trung Hiếu

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top