Được cấp phép từ năm 2009 nhưng đến nay Dự án du lịch sinh thái ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) vẫn trong tình trạng “án binh bất động”.
Quy hoạch “treo” khiến người dân 2 xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh không có đất sản xuất, trong khi ruộng đồng bị bỏ hoang, số tiền được đền bù cũng cạn...
Ông Nguyễn Văn Chương nói: “Đất đó đã thuộc về doanh nghiệp, đến giờ vẫn bỏ hoang không thấy triển khai gì, lãng phí quá!”
Đã nghèo nay càng nghèo thêm
Xóm Bắc Thịnh nằm trong top nghèo nhất xã Nghi Thiết, con đường đất gập ghềnh đầy ổ voi, ổ gà từ trung tâm xã về xóm chìm trong mịt mù bụi đỏ. Câu chuyện dự án du lịch sinh thái sau hơn 7 năm triển khai vẫn nằm trên giấy đã trở thành nỗi bức xúc của người dân nơi đây. Không bức xúc sao được khi cả làng đang sống dở chết dở vì cái dự án đó.
Ông Nguyễn Văn Chương, Xóm trưởng xóm Bắc Thịnh chỉ ra vùng đất rộng bỏ hoang phía trước đang trở thành nơi chăn trâu thả bò, than thở: “Đất đó đã thuộc về doanh nghiệp từ năm 2009 nhưng có thấy triển khai gì đâu, trong khi dân chúng tôi không có đất sản xuất. Lãng phí quá”.
Ông Chương cho biết, xóm Bắc Thịnh có 203 hộ (789 khẩu) nhưng hộ nghèo chiếm tới gần 10%. Cuộc sống của người dân vùng bãi ngang quanh năm chỉ biết trông vào mấy sào đất trồng khoai, ngô và nghề đi lộng phập phù. Khi nghe tin dự án được triển khai tại Bắc Thịnh và Nam Thịnh với nhiều hạng mục như: sân chơi, nhà nghỉ mát, bệnh viện, bãi tắm… trên diện tích 11ha sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi. “Ngày đó, tuy mới chỉ được nhìn dự án trên giấy nhưng người dân ai cũng mừng. Thế nhưng, sau khi đền bù cho một số hộ dân, doanh nghiệp đưa máy móc về ủi được mấy con đường dọc ngang sang chỗ tái định cư rồi không hiểu sao dừng lại”, ông Chương nói.
Ông Nguyễn Ngọc Mươi (70 tuổi), ở xóm Bắc Thịnh, than thở: “Khi triển khai dự án, nhà tôi bị thu hồi 1 sào 4 thước, được đền bù 63 triệu đồng. Số tiền này, tôi cho con cái một ít, một ít gửi ngân hàng, mấy lần có người thân ốm đau nên tôi phải rút ra, giờ chẳng còn là bao. Không còn đất sản xuất, ngày ngày, tôi làm bạn với mấy con bò, thế nhưng nhìn đất bị bỏ hoang thấy xót ruột lắm”.
Bức xúc nhất là do nằm trong vùng quy hoạch nên nhiều gia đình rơi vào tình cảnh sống dở, chết dở vì không thể tách thửa, sang nhượng hay thế chấp được đất đai. Điển hình như nhà ông Nguyễn Điều Kiện có 5 người con, trong đó 3 con trai đã lập gia đình, vẫn sống chung trong một ngôi nhà rộng chưa đầy 130m2 nhưng có tới 27 nhân khẩu.
Cả gia đình ông Nguyễn Điều Kiện có 27 nhân khẩu phải sống chung trong căn nhà 130m2.
Chờ... câu trả lời
Nhà xuống cấp không được sửa chữa, đất nông nghiệp phải bỏ hoang, trong khi người dân rơi vào tình cảnh không có việc làm, nhiều người phải khăn gói vào Nam, ra Bắc làm thuê, một số thì rủ nhau đi xuất khẩu lao động “chui” ở Thái Lan, Trung Quốc, Angola… Quá bức xúc, người dân đã quyết định viết đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền nhưng không hiểu sao chưa nhận được hồi âm.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết thẳng thắn cho biết: “Khi tiến hành dự án, 180 hộ dân của hai xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh đã bị thu hồi đất. Sau khi chủ đầu tư đền bù cho một số hộ dân với số tiền gần 8 tỷ đồng thì không hiểu vì lý do gì mà dự án đột nhiên dừng lại. Đến nay, sau 7 năm, dự án vẫn “đắp chiếu” nên chính quyền xã cũng không biết giải thích cho dân thế nào”.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ đầu tư dự án giải thích: “Dự án du lịch sinh thái là tâm huyết, là kỳ vọng của tôi, một người con xa quê hương nhưng trong quá trình tiến hành đền bù tôi mới biết một phần diện tích của dự án đã được cấp chồng cho dự án khác nên tôi buộc phải ngừng lại khi chưa được UBND tỉnh phân giải”.
Ông Tuấn cho hay, đến thời điểm này, bản thân chủ đầu tư cũng đã “oải” vì nhiều lý do tế nhị: “Hiện tôi cũng đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Việc đẩy người dân vào thế bí là điều chủ đầu tư cũng không muốn. Quả thực trong câu chuyện này, tôi cũng là người bị hại”, ông Tuấn than thở.
Đình Lam
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.