Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 2 năm 2022 | 15:9

Du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới: Cần sự đa dạng trong đồng bộ

Việt Nam là nước nông nghiệp với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu.

Đây là một trong những hướng đi phù hợp, thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tiềm năng

Tại huyện Kon Plông (Kon Tum), Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen nổi lên là địa bàn tiêu biểu trong hình thành, phát triển du lịch nông thôn. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn có thể khám phá, trải nghiệm tại các điểm du lịch mang nét đặc thù của vùng nông thôn miền núi.

Không riêng Măng Đen, ngay tại các làng du lịch cộng đồng ở các huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum, sự kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn cũng góp phần làm phong phú, thích thú và ý nghĩa hơn cho hành trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp.

 

001.jpg
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là một trong những quan tâm mới của ngành nông nghiệp.

 

Đến thăm Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) để được tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống và trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Ba Na địa phương, du khách không thể bỏ qua sự cuốn hút của nhà Rông Kon Klor, cầu treo qua sông Đăk Bla…

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum bước đầu đã hình thành các làng du lịch cộng đồng. Song để hình thành và phát triển du lịch nông thôn thì không chỉ trông chờ vào sự độc đáo đơn lẻ của mỗi khu dân cư mà cần phải quan tâm phát triển theo hướng mở rộng các điểm đến, các loại hình du lịch theo chuỗi kết nối. Yêu cầu phát triển các loại hình du lịch để góp phần hoàn thiện thêm hoạt động du lịch nông thôn bền vững là quá trình lâu dài và không thể thiếu sự đầu tư đúng mức nguồn lực vật chất, nhân lực phục vụ du lịch.

Nhỏ lẻ, tự phát

Nước ta hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút   du khách, hỗ trợ họ chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng…

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, du lịch nông thôn, sinh thái hiện chiếm khoảng 10%, doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm đạt 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%. Du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển tự phát. Hiện có nhiều hình thức tổ chức khai thác du lịch nông thôn như: Hộ gia đình tự đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ du lịch, phổ biến theo homestay với việc thu hút du khách lưu trú tại gia đình, thường trải nghiệm nếp sống, văn hoá và ẩm thực cùng hộ gia đình.

Tiếp đó là hình thức cộng đồng đầu tư, quản lý, khai thác du lịch; bao gồm: mô hình HTX, mô hình ban quản lý du lịch cộng đồng, mô hình tổ hợp tác, quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh phù hợp với năng lực hạn chế của cộng đồng… có sự phối hợp cùng chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Đối với hình thức doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, đây là loại hình khá phổ biến, với sự tham gia của các doanh nghiệp ở quy mô và tính chuyên nghiệp khác nhau. Hình thức này ít nhiều có ý nghĩa trong việc cải thiện cảnh quan nông thôn, tạo việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên so với các hình thức khác, ý nghĩa lan toả trong nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn không cao bằng.

 

Trong Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020 và nông thôn là “nơi đáng sống”. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp với kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng phi nông nghiệp, phát triển du lịch nông thôn là một hướng như vậy.

 

Một hình thức khai thác du lịch nông thôn khác đó là đầu tư trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hóa, nhu cầu du lịch về những vùng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của khách du lịch là xu thế tất yếu, nhất là khách du lịch sinh sống ở vùng đô thị.

Chuyển đổi số để phát triển

Giám đốc Công ty Saigon Asset, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển, tuy nhiên, phần lớn là do người dân địa phương tham gia và phát triển sản phẩm dịch vụ liên quan đến du lịch. Họ chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm của mình.

Trong khi đó, các nền tảng quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn lại không kết nối được với nhau. Do đó, cần xây dựng một nền tảng chung, kết nối tất cả điểm lẻ tẻ này, cộng với ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các ứng dụng du lịch thì mới hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Là đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch từ nhiều năm nay, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism, cho biết, trong thực tế triển khai, công ty gặp một số khó khăn trong việc phát triển du lịch nông thôn. Đó là rào cản về ngôn ngữ hoặc những sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của địa phương lại chưa đảm bảo việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển.

Bên cạnh đó, một số nơi, nông thôn mới phát triển quá nhanh. Người dân bỏ qua nhiều văn hóa truyền thống, “bê tông hóa”, “đô thị hóa” khiến trải nghiệm của du khách suy giảm. Để khai thác bền vững các giá trị trong du lịch nông thôn, bà Ngần cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển những giá trị thặng dư như truy xuất nguồn gốc đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm bán đồng giá…

Ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định, ứng dụng công nghệ số là công cụ, giải pháp kết nối nhanh nhất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn với khách du lịch. Phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn nước ta có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ còn thấp... so với các ngành và lĩnh vực khác. Do đó, cần có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả. Phải làm sao để thực hiện các kết nối và xây dựng các ứng dụng để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch dễ dàng nhất.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách. Từ đó tạo ra mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn khách du lịch, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch ở nông thôn nói riêng, thu hút lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương.

 

 

 

Khánh Ngân
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top