Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2016 | 10:14

Dư luận Phú Yên đặt câu hỏi: Quá trình tổ chức đấu giá có vi phạm pháp luật?

KTNT - Vừa qua, Phú Yên tổ chức hai phiên đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhiều người cho rằng, có mập mờ và đặt câu hỏi, quá trình tổ chức đấu giá có vi phạm pháp luật?

Sự rời rạc tại phiên đấu giá QSDĐ ngày 20/5/2016.

Tại trung tâm TP.Tuy Hòa (Phú Yên), khu đất lô A-11 đại lộ Hùng Vương rộng 7.569,7m2 (thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu dân dụng Hồ Sơn và dọc đường Trần Phú) và khu đất 423 đường Nguyễn Huệ rộng 3.477m2 (thu hồi của Công ty CP Sông Đà – Thăng Long) đã nằm im chờ  khai thác gần 20 năm qua. Nay, tỉnh đưa ra bán đấu giá (hoặc thuê) QSDĐ công khai đến mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu, có đủ điều kiện tham gia theo quy chế ban hành.

Phiên đấu giá khu đất 423 được mở vào 14h30 ngày 24/02/2016, với 19 tổ chức, cá nhân tham gia. Lúc ấy, chỉ có những cá nhân đến, còn tổ chức như đã biết trước việc Ban tổ chức đấu giá đưa ra một văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phú Yên do Giám đốc Sở ký với nội dung “tạm dừng phiên đấu giá QSDĐ”. Lý do tạm dừng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Thực hiện sự chỉ đạo trên, Sở TN&MT có công văn ngày 6/5/2016, yêu cầu các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Cục Thuế Phú Yên cho ý kiến về điều kiện, năng lực của người tham gia đấu giá tài sản trước ngày 13/5/2016, thời hiệu chưa đầy một tuần (trừ thứ 7 và Chủ nhật). Ở đây, dư luận có thể đặt câu hỏi: Tại sao Sở TN&MT lại phải cấp tốc, vội vã đến thế? Trong khi hai lô đất đã ngủ yên hàng chục năm nay, nếu được đánh thức cũng cần phải có thời gian cho một lộ trình mới trước công luận?!

Hơn nữa, khi UBND tỉnh Phú Yên chưa có quyết định thu hồi Quyết định 2219/QĐ-UBND ngày 9/11/2015 về việc phê duyệt phương án đấu giá QSDĐ, Sở TN&MT đã cấp tốc dừng cuộc đấu giá ngay trong cuộc họp (ngày 23/2/2016) là vi phạm NĐ17/NĐ-CP về đấu giá tài sản.

Quy chế đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất (ban hành kèm theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ), tại chương III (tổ chức thực hiện, ở mục c, khoản 1, Điều 16 ghi rõ: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá tại địa phương theo quy định của quy chế này”. Thế nhưng, ngày 6/4/2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Phú Yên (Sở TN&MT Phú Yên) và Chi nhánh Công ty CP đấu giá và dịch vụ bất động sản Thiên Việt tại Phú Yên (TVAS) đã tự ý ban hành quy chế đấu giá ở hai khu đất nói trên mà không báo cáo lãnh đạo tỉnh!? Nội dung của bản quy chế cũng bị 2 đơn vị này bóp méo, sai lệch quy chế của Thủ tướng Chính phủ. Đó là, trước khi tiến hành đấu giá 30 ngày phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 2 lần/2 tuần. Ở đây, TVAS chỉ thông báo duy nhất một lần trên báo Phú Yên số ra ngày 8/4/2016, không có ngày tháng ra thông báo đối với khu đất 423 đường Nguyễn Huệ. Trong thông báo nêu rõ: Thời hạn đăng ký tham gia đấu giá từ ngày ra thông báo đến 9h ngày 6/5/2016. Đây là kiểu thông báo lấy lệ, nhằm loại bỏ khách hàng của đợt tham gia đấu giá tạm dừng (ngày 24/02/2016). Đến đợt đấu giá khu đất 423 đường Nguyễn Huệ lần này còn lại 3 tổ chức và 3 cá nhân tham gia. Đó là Công ty CP Xuất nhập khẩu dược Phú Yên, Công ty CP Pymepharco, Công ty TNHH TM ô tô Dũng Tiến; 3 cá nhân là bà Dương Thị Thủy Tú, ông Đặng Văn Sơn và ông Nguyễn Sang.

Khu đất 7.569,7m2 (A-11 đại lộ Hùng Vương).

Sau ngày 8/4/2016, khi được tiếp nhận thông tin trên báo Phú Yên, ông Sơn và ông Sang cùng đến VTAS đăng ký tham gia đấu giá và nhận hồ sơ. Qua nghiên cứu hồ sơ, cả hai ông đều đi đến quyết định mở tài khoản tại BIDV Phú Yên, với số dư được xác nhận: Ông Sơn 15 tỷ đồng (kỳ hạn 01 tháng), kể từ ngày 5/5/2016; ông Sang 15,1 tỷ đồng vào ngày 29/4/2016. Ngoài số tiền này, mỗi ông (cũng như mọi khách hàng) còn phải đóng 4,7 tỷ đồng tiền đặt trước vào tài khoản TVAS cùng lúc khi nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản tại khoản 1, Điều 29 nêu rõ: “Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định, nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá”. Giá khởi điểm của khu đất 423 đường Nguyễn Huệ (theo thông báo của TVAS trên báo Phú Yên) là 610.221.500 đồng/năm của 10 năm đầu. Việc thu tiền đặt trước của TVAS là vô nguyên tắc, vượt khung của NĐ17/NĐ-CP, là chiếm dụng vốn của người tham gia đấu giá. Hơn nữa, theo Thông tư số 48/2012/TT-BTC, ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính, tại khoản 1, Điều 15 ghi rõ: “Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Hội đồng đấu giá QSDĐ chỉ được thu tiền đặt trước của người đăng ký tham gia đấu giá QSDĐ thời gian tối đa là 4 ngày, trước ngày tổ chức phiên đấu giá”.

Qua việc phá vỡ nguyên tắc đấu giá, TTPTQĐ Phú Yên và TVAS đã loại bỏ nhiều khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Lẽ ra, giá khởi điểm nói trên có thể họ sẽ bỏ lên từ 3 - 5 bước, thậm chí hàng chục bước (10.000.000 đồng/bước). Đây là sự thất thoát lớn cho nhà nước, nhân dân, chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người. Do vậy, trước dư luận xã hội, ông Sơn và ông Sang đã đệ trình khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và Bộ Tư pháp với đề nghị hủy bỏ kết quả của phiên đấu giá ngày 20/5/2016.

Khoản 1 và khoản 2, Điều 54, NĐ 17/NĐ-CP quy định: “Tổ chức bán đấu giá tài sản có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì bị xử phạt hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. “Đấu giá viên có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Nhóm PV PY

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top