Hiệu quả từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xem là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong đó có Thừa Thiên - Huế.
Trong giai đoạn mới, Thừa Thiên - Huế xây dựng hướng đi mới cho OCOP theo định hướng trọng tâm, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng theo lợi thế địa phương. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế còn đề nghị đưa các điểm du lịch cộng đồng tham gia OCOP.
Làm sống lại những sản phẩm đặc trưng
Sản phẩm “trà rau má Quảng Thọ” và sản phẩm “bột Matcha rau má” của HTX NN Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh từ năm 2020. Hiện, sản phẩm các loại trà của HTX đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 15 nghìn hộp/năm. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ có giảm, nhưng sản phẩm trà rau má vẫn “góp mặt” qua các kênh tiêu thụ ở nhà hàng, khách sạn, siêu thị và các quầy lưu niệm có bán sản phẩm nông nghiệp khắp cả nước.
Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2, cho biết, từ loại rau có giá trị thấp, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP đến nay, rau má ở Quảng Thọ đã trở thành nguồn nguyên liệu cho một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc biệt ở Quảng Điền là trà rau má và bột Matcha rau má. Các sản phẩm này đã được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Liên minh HTX của tỉnh thông qua hệ thống Shopee và Lazada. Người tiêu dùng có thể mua trực tuyến thông qua hai hệ thống trên và mua trực tiếp tại HTX Quảng Thọ 2 và các điểm cung ứng sản phẩm trà rau má, bột Matcha rau má ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Nằm bên dòng sông Bồ, cách TP. Huế chừng 20km về phía Bắc, làng Bao La, làng nghề truyền thống đan lát được hình thành và phát triển trên 600 năm. Từ những sản phẩm chỉ để làm vật dụng phục vụ cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương, thì nay, những sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá,... của HTX mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú) đã trở thành những mặt hàng có giá trị tại nhiều thị trường trong và ngoài nước. Năm 2020, bộ sản phẩm của HTX mây tre đan Bao La được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, cho biết, trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra lò 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân, HTX còn sản xuất các loại vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng.
“Đến nay, trung bình mỗi tháng HTX Bao La 2 lần xuất hàng đi, giá trị 80 - 100 triệu đồng/đơn hàng. Ngoài ra còn có một số “mối” ở Hà Nội tháng nào cũng thu gom hàng để xuất sang Thái Lan, Mỹ, các nước châu Âu. Như đầu năm 2017, HTX nhận đơn hàng 2 ngàn sản phẩm tham gia Festival Nghề truyền thống Huế và 5 ngàn sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Dinh thông tin.
Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Nguyễn Lương Bảy, các sản phẩm mây tre Bao La có mẫu mã đa dạng, được khách hàng đón nhận và ưa thích. Thành công của làng nghề đan lát Bao La đến từ sự kết hợp của hai yếu tố, đó là sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn coi trọng những giá trị truyền thống. Đây có thể là kinh nghiệm quý mà các làng nghề truyền thống khác tham khảo và vận dụng trên hành trình khôi phục và làm sống lại những làng nghề đặc trưng của địa phương.
Đưa du lịch cộng đồng vào OCOP
Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã công nhận 40 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (12 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao) và đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Để đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 đạt tiêu chuẩn 5 sao của Trung ương tại điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) và điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr, xã Hồng Kim (A Lưới).
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền Ngô Văn Dinh, nét đặc trưng của tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tiềm năng tại điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh là, ngoài sự phục vụ chu đáo, tận tình của đội ngũ hướng dẫn viên không chuyên của huyện và của người dân địa phương, trên hành trình du lịch du khách sẽ được trải nghiệm với nhiều hoạt động như: Bắt hải sản bằng “nò - sáo” (sáo làm bằng tre và lưới tạo thành cái bẫy hình chữ V, tôm cá vào là không ra được) , chèo thuyền SUP khám phá làng chài Ngư Mỹ Thạnh, ngắm hoàng hôn trên vùng phá Tam Giang, thưởng thức những món ăn siêu ngon được chế biến từ sản vật vùng phá.
Ngoài ra, du khách còn được chụp những tấm hình tuyệt đẹp ở làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh – Những bức bích họa được vẽ trên tường nhà người dân, thể hiện cảnh vật, cuộc sống của người dân trên vùng phá Tam Giang và đặc biệt, du khách sẽ trở thành một người dân đi chợ khi đến với chợ nổi trên phá Tam Giang vào lúc trời tờ sáng.
Bí thư Huyện ủy Quảng Điền Trần Quốc Thắng nhấn mạnh: “Sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái Ngư Mỹ Thạnh sau khi được công nhận sản phẩm OCOP sẽ là động lực rất lớn để Quảng Điền vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng môi trường thân thiện. Nó còn góp phần đẩy nhanh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP ) dựa trên các tiềm năng, lợi thế của vùng và hướng đến mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị, thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ nông thôn”.
Gắn OCOP với phát triển HTX, DN nhỏ và vừa
Theo ông Võ Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có 34 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 36 sản phẩm. Từ năm 2021-2025, phấn đấu ít nhất 150 sản phẩm được được công nhận đạt 3 sao trở lên; củng cố và nâng cấp ít nhất 60% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng giai đoạn 2019-2020 (15 sản phẩm). Phát triển 2 - 5 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh; ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu và 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.
Đồng thời, ông Tần cũng khẳng định, trong giai đoạn sắp đến, cần ưu tiên phát triển các HTX, DN nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là DN; có hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Thừa Thiên Huế. Trong đó, phấn đấu xây dựng 1 trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP; 5 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu trung tâm có vị trí thuận lợi (gắn sản phẩm OCOP 5 sao) và có 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.