Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2021 | 9:20

Đưa hàng nông thôn lên thành thị: Cần sự chủ động thay đổi

Nỗ lực triển khai sáng kiến “đưa hàng nông thôn lên thành thị” theo đề xuất của nguyên Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, là hướng đi mới và hiệu quả.

Nỗ lực triển khai sáng kiến “đưa hàng nông thôn lên thành thị” theo đề xuất của nguyên Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, là hướng đi mới và hiệu quả, là vấn đề công bằng giữa sản xuất và tiêu dùng, hài hòa lợi ích giữa cả người sản xuất, người lưu thông, thương lái, nhà bán lẻ, người tiêu dùng.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, khi nhiều địa phương, trong đó có những vùng trọng điểm sản xuất nông sản thực hiện giãn cách xã hội tăng cường theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trên diện rộng, vấn đề đưa nông sản về đô thị, khu công nghiệp - nơi tiêu thụ lượng lớn nông sản càng trở nên cấp thiết.
 
1234s.jpg
HTX Nông nghiệp TMDV Phú Quới (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây,
tỉnh Tiền Giang) sơ chế đóng hàng vào túi combo. Ảnh: Tổ công tác 970 cung cấp.

 

Lợi ích và sự cần thiết     
  
Từ thành công của việc đưa hàng hóa về nông thôn theo chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước nêu sáng kiến “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị”.
 
“Chúng ta thường nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Nhưng nay chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị”. Đó là phải đưa hàng của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị. Có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng vùng nông thôn”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 
Nguyên Thủ tướng chỉ rõ, những mặt hàng đặc trưng của vùng miền phải được đưa ra tiêu thụ ở các đô thị, thành phố, thị xã lớn, không phải chỉ đưa hàng từ thành thị về nông thôn. Phải đưa chuyện này ngược lại thành một chương trình. Các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức tư thương, cá nhân, hiệp hội phải tổ chức chương trình đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Điều này giúp kích cầu thị trường 100 triệu dân.        
 
Thực ra, lâu nay, sản phẩm của nông dân vẫn được đưa tới các đô thị, nhưng đều do người dân tự đưa hàng đi, hoặc thông qua thương nhân; nông dân vẫn luôn chịu thiệt thòi bởi phần lớn lợi nhuận từ sản phẩm đều nằm ở các khâu trung gian. Không chỉ bị ép giá, do thiếu kênh kết nối trực tiếp với thị trường đô thị, nhiều khi, sản phẩm nông dân sản xuất ra bị dồn ứ, không tiêu thụ được, trong khi người dân khu vực đô thị có nhu cầu tiêu thụ cao lại không tiếp cận được với nguồn sản phẩm như ý muốn; điều đó gây thiệt hại cho cả nông dân và người tiêu dùng ở khu vực thành thị.
 
Nghịch lý như thế đã được báo chí phản ánh khá nhiều. Chẳng hạn, dưa hấu, thanh long  bán tại ruộng 1kg chỉ được vài trăm đồng, nhưng đầu mối vẫn thu mua rất ít, nên phải vứt bỏ hoặc cho trâu, bò ăn. Trong khi đó, người tiêu dùng ở đô thị vẫn phải mua dưa hấu, thanh long với giá hàng chục nghìn đồng/kg. Vì thế, nếu có một chương trình chính thức đưa hàng nông thôn lên thành thị thì đó là điều rất tốt cho cả nông dân và người tiêu dùng.
 
Việc đưa nông sản, thực phẩm, hàng hoá từ nông thôn về thành thị vừa giải quyết nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và nhiều của người dân thành phố, khu công nghiệp. Người dân ở thành phố, khu công nghiệp không chỉ được đáp ứng đủ mà còn được tiếp cận nhiều mặt hàng đặc sản của các vùng miền khác nhau, được tiếp cận nông sản sạch với giá hợp lý.
 
Việc đưa nông sản, hàng hoá từ nông thôn về thành phố, khu công nghiệp tạo điều kiện để người nông dân, chủ gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã - người sản xuất có thu nhập. Bán được càng nhiều, thu nhập của người sản xuất càng tăng. Thu nhập tăng vừa nâng cao đời sống của người sản xuất, vừa kích thích người sản xuất mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng nông sản, vừa tạo điều kiện để người sản xuất đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, giảm số lao động nông nghiệp, là cơ sở nâng cao tăng trưởng về kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân ở nông thôn, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
 
Việc đưa nông sản, hàng hoá ở nông thôn về thành thị còn góp phần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng như tạo đà cho sự gắn kết giữa những người sản xuất với nhau, cơ sở tạo nên hợp tác xã kiểu mới, cung cách làm ăn mới, điểm khởi đầu cho kết nối cung - cầu trên quy mô lớn. 
 
Việc đưa nông sản, hàng hoá từ nông thôn lên thành phố, khu công nghiệp còn góp phần quan trọng tạo nên những người nông dân thế hệ mới. Đó là những nông dân có kiến thức và nhạy bén với thị trường, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận nhanh chóng với công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất mới. Đó còn là những nông dân hiểu vai trò của liên kết, hợp tác, biết chia sẻ thành công cũng như những giải pháp vượt khó và nguyên nhân của những thất bại với cộng đồng. Đồng thời tạo nên người nông dân quan tâm và có trách nhiệm với cộng đồng thông qua sản xuất theo quy trình sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, dùng ít và không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học, bảo vệ môi trường. Biết áp dụng công nghệ để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm...
 
Trong quá trình thực hiện liên kết đưa nông sản, hàng hoá nông thôn về thành thị, khu công nghiệp, các doanh nghiệp hiểu thêm rõ hơn về những yêu cầu của nhà nông, của sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp hỗ trợ nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng sống của cư dân nông thôn.
 
Thêm nữa, việc đưa nông sản, hàng hoá từ nông thôn lên thành phố, khu công nghiệp còn giúp nông sản không còn phải giải cứu do người nông dân biết sản xuất theo yêu cầu thị trường, điểm khởi đầu trong hành trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Và là cơ sở để hình thành phương thức quản lý, quản trị mới của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực trọng yếu của xã hội và nền kinh tế.
 
1.jpg
Gia đình ông  Cao Văn Đào, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng (Cờ Đỏ- Cần Thơ) 
có 2,5 ha nhãn, dự kiến thu hoạch được khoảng 60 tấn nhãn.

 

Điểm yếu cần khắc phục
 
Lợi ích của việc đưa nông sản, hàng hoá sản xuất ở nông thôn về thành phố và các khu công nghiệp là rất rõ ràng, vậy tại sao vấn đề quan trọng này vẫn chưa hình thành một hệ thống thống nhất? 
 
Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ những điểm yếu cần khắc phục để việc đưa nông sản về thành phố mạnh mẽ hơn, thuận tiện hơn, đúng địa chỉ và yêu cầu hơn. 
 
Thứ nhất, hiện nông nghiệp của chúng ta chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nghĩa là sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch của ngành chức năng nên không nắm được nhu cầu thực của thị trường khiến cung thường vượt cầu, nhất là khi chính vụ.
 
Thứ hai, do sản xuất nhỏ lẻ nên chất lượng nông sản thường không đồng đều giữa các lô hàng của cùng địa phương sản xuất.
 
Thứ ba, do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên thu hoạch thường tập trung vào một thời điểm chứ không thể điều tiết kế hoạch thu hái và cung ứng. 
 
Thứ tư, do sản xuất nhỏ lẻ nên việc cung ứng đơn hàng gặp nhiều khó khăn, nhất là những đơn hàng lớn.
 
Thứ năm, do sản xuất nhỏ lẻ nên khi gặp sự cố, việc hỗ trợ tiêu thụ mất nhiều thời gian, công sức, nhất là việc tiếp nhận và xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch. Việc hai tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương, nhất là Tổ 970 hỗ trợ các tỉnh phía Nam trong giai đoạn các địa phương khu vực này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở mức cao hơn đã cho thấy rõ điều đó.
 
Thứ sáu, do sản xuất đơn lẻ nên việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối cung - cầu cho nông sản từng địa phương gặp nhiều khó khăn. Và người nông dân thường phải tự mình tiêu thụ hàng của mình hoặc phải qua thương lái nên có lúc bị ép giá.
 
Thứ bảy, do sản xuất nhỏ lẻ và không có kiến thức về hợp đồng kinh tế, chưa chú ý đến bao gói nên gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng lên thành phố, khu công nghiệp.
 
Thứ tám, do sản xuất nhỏ lẻ nên việc áp dụng công nghệ trong truy suất nguồn gốc sản phẩm chưa được chú ý và hàng hoá chủ yếu bán rong, bán lẻ nên việc kiểm soát chất lượng hàng hoá thêm khó khăn...
 
Trong khi đó, người dân ở thành phố và các khu công nghiệp có xu hướng chuyển dần sang mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích và ngày càng quan tâm đến chất lượng hàng hoá, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Thêm nữa, xu hướng mua hàng online qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ngày càng được người tiêu dùng áp dụng, nhất là trong tình hình dịch Covid-19, mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế đến chợ, siêu thị.
 
Cũng phải nói thêm rằng, lâu nay công tác sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, còn khâu tiêu thụ do Bộ Công Thương đảm nhận. Trong khi đó, sự phối hợp giữa hai bộ có lúc có nơi chưa đồng bộ. Khiến việc đưa nông sản, hàng hoá từ nông thôn lên thành phố của nhà nông còn trở ngại.
 
anh2.jpg
Người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp tại hệ thống siêu thị hiện đại.

Đưa nông sản lên thành phố: Phải thay đổi toàn diện

Việc tiêu thụ nông sản nói chung, đưa nông sản lên đô thị nói riêng một cách bền vững được  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề cập rõ ràng tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngày 31/8 vừa qua. Ông nhấn mạnh: Mục đích của Diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, tiêu thụ nông sản. Qua đó tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.
 
Bộ trưởng cho rằng, thương mại điện tử là xu thế của thời đại công nghệ 4.0, không chỉ áp dụng trong thời điểm dịch bệnh hiện nay mà còn tồn tại song hành với quá trình vận hành của nông nghiệp Việt Nam. Diễn đàn này không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng mà còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo, điều hành từ địa phương đến trung ương.
 
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để không phải nhắc đến “giải cứu”, chúng ta phải thay đổi, cả người sản xuất, người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều phải thay đổi. Thay đổi để phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản Việt. Thứ hai, sớm hình thành một số hệ sinh thái nông nghiệp. Ở đó mọi thành viên phải quần tụ để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay với nông sản Việt, nông dân Việt. Thứ ba, kích hoạt tư duy tam giác phát triển: Nhà nước - Thị trường - Xã hội. Thứ tư, thúc đẩy phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp. Thứ năm, tạo thị trường thông suốt, tạo thuận lợi cho luân chuyển vùng miền, tạo cú hích cho sản phẩm OCOP.
 
Cũng tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đề cập đến việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn, khơi thông chuỗi cung ứng cả trong nước và xuất khẩu. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, việc kết nối nông sản vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm, lấy người dân làm trung tâm.
 
Để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra 3 giải pháp: Một là, thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.
 
Hai là, tăng cường đối thoại. Bất cứ ngành nào cũng phải tăng đối thoại giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.
 
Ba là, mở rộng các không gian phát triển. Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng nhưng không trên cơ sở địa giới hành chính xưa cũ.
 
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề trước mắt là, cần thực hiện sớm và nhanh việc tổ chức liên kết trong khâu sản xuất với quy trình thống nhất làm cơ sở xây dựng mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Hướng dẫn để mở rộng việc tiếp cận công nghệ 4.0 trong kết nối cung - cầu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tạo liên kết chặt chẽ với các công ty bưu chính trong việc giao nhận hàng. Và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho mọi người sớm nhất có thể.
Giới thiệu nhãn Sông Mã (Sơn La) trong một chương trình quảng bá sản phẩm.
 
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top