Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 7 năm 2010 | 1:5

Đừng đẩy nông dân vào cảnh khát nước!

Vì bệnh thành tích, nhiều địa phương, trong đó có Bạc Liêu, đã báo cáo tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh lên đến 90%. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) công bố tháng 6/2010, các chỉ số về nước sạch và VSMTNT ở Bạc Liêu còn quá thấp, riêng tỷ lệ dùng nước sạch chỉ đạt 49,46%.Vừa thiếu nước, vừa ô nhiễm

Có một thực tế khiến nhiều người cười ra nước mắt là không được sử dụng nước sạch vẫn phải coi là nước sạch. Với việc gắn kết nơi có nước hợp vệ sinh với nơi có nước sạch (trạm cấp nước tập trung), nhiều địa phương mạnh dạn khẳng định: địa phương mình đạt 100% số hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Còn tiêu chí thế nào là nước sạch, nước hợp vệ sinh hoặc có bao nhiêu nông dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh thì chẳng địa phương nào dám tính.

Ông Nguyễn Văn Vũ ở ấp Ninh Thạnh 1 (xã Ninh Hoà - Hồng Dân) cho biết: “Vào mùa hạn, nhiều lúc bơm mãi mà không có nước. Đến khi có nước lại phải để lắng trong thật lâu mới nấu ăn được vì nước giếng khoan có mùi bùn và dơ lắm, ấy thế mà vẫn được xếp vào nhóm cây nước hợp vệ sinh”.

Tại thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), chỉ vì chạy theo thành tích mà ngành chức năng tại đây đã báo cáo: “Hiện thị trấn có 100% hộ dân dùng nước ngầm, nước hợp vệ sinh”. Nhưng trong văn bản số 88, ngày 29/6/2010 gửi UBND tỉnh xin đầu tư trạm cấp nước sinh hoạt cho thị trấn thì UBND huyện Phước Long lại khẳng định: “Khu vực này đang sử dụng nguồn nước giếng khoan rất dơ bẩn, nhiễm phèn, mặn nặng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân”. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân để các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thấy được nhu cầu bức thiết của người dân, khi địa phương nào cũng thay nhau báo cáo bằng những con số đẹp?

Vừa khát nước sạch, người dân nhiều vùng nông thôn ở Bạc Liêu còn phải đối mặt với nạn ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng nề do chất thải từ sản xuất, sinh hoạt. Hiện tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh trong toàn tỉnh chỉ đạt 37%, riêng các làng nghề truyền thống hầu hết chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải mà đều được xả trực tiếp xuống các dòng sông, kênh rạch.

Cùng với nước sạch, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng là một trong những chương trình quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng nông thôn, nhưng đến nay tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt 28,11%. Khảo sát dọc tuyến kênh Vĩnh Mỹ - Phước Long, chúng tôi thấy vẫn còn khá nhiều “cầu tõm” (cầu vệ sinh tự tạo), trong khi đó bà con lại chủ yếu dùng nguồn nước này để tưới cho rau màu.

Hậu quả nặng nề

Môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nhưng dù muốn hay không, người dân vẫn phải sử dụng nước ngầm để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu cho thấy, tính đến cuối năm 2009, tỉnh có hơn 103.190 giếng khoan và hiện vẫn tiếp tục gia tăng. Đáng nói là trong tổng số hơn 2.300 giếng khoan đã bị hư hỏng, chỉ có 440 giếng được tráng lấp. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Ông Lê Thanh Tòng, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản - Khí tượng thuỷ văn (Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu) cảnh báo: “Mực nước ngầm ở tầng thứ 2 đã giảm trung bình 0,5m/năm. Đây là mức báo động, vì tài nguyên nước không phải là vô hạn. Vì thế cần sớm đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung cho người dân vùng nông thôn, nhằm hạn chế nạn khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm một cách tràn lan”. Thực tế thấy, với sự biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn ngày càng trở nên gay gắt, nếu không có kế hoạch khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm một cách hợp lý, nguy cơ thiếu và không có nước ngọt, nước hợp vệ sinh sử dụng, dẫn đến dịch bệnh lan tràn là rất khó tránh khỏi. Vì thế, việc điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và chất lượng nguồn nước ở các vùng nông thôn hiện nay là rất cần thiết.

Lư Dũng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top