Một gia tộc ở ấp An Ninh B, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bị người khác ngang nhiên chiếm đoạt đất. Đáng nói là gia đình người bị chiếm đoạt đất từng cưu mang, cho sống nhờ trên đất.
Tiếp xúc với nhóm phóng viên, ông Trần Vĩnh Phú (sinh năm 1978) ở ấp An Ninh B, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, đã kể chuyện trong những giọt nước mắt.
Theo ông Phú, ông ngoại của ông là ông Đặng Xuân Thiều đã hi sinh trong chiến tranh. Còn bà ngoại ông là bà Cao Thị Cự là bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Lúc chưa qua đời, gia đình nhà ngoại ông Phú có hiến cho nhà nước một số đất. Phần còn lại để dành cho các con, trong đó có bà Đặng Thị Sao, mẹ ruột ông Phú.
Thời điểm này, ở địa phương có nhiều gia đình nghèo khổ không nơi bám trụ sinh sống, nên đã hỏi mượn đất nhà bà Sao. Vì thương người, bà Sao không nỡ từ chối, đồng ý cho mượn.
Nhưng rồi, có những gia đình trong số những người từng được giúp ấy, đã nhẫn tâm chiếm đoạt luôn đất của bà Sao. Và rồi, sự xáo trộn trong hành trình tìm lại đất kéo dài đằng đẵng hàng chục năm qua. Mà theo tâm sự của ông Phú, đó là nỗi buồn vô hạn.
"Vì mất đất mà gia đình tôi đã gặp vô số tình cảnh não nề. Vậy nên, tôi quyết tâm phải đi tìm công lý", ông Phú tâm sự.
Vì đâu nên nỗi?
Theo những gì chúng tôi thu thập được, dựa vào tờ khai cội rễ đất vào ngày 27/10/1974 của bà Đặng Trần Thị, có xác nhận của UB hành chính xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thì bà Thị được ông Đặng Xuân Thiều giao cho toàn bộ các lô đất gồm: lô 71, 145, 1478, 690 cùng tờ bản đồ số 2; lô 41, 42, 45 cùng tờ bản đồ số 1; lô 56 tờ bản đồ số 3. Tất cả đều tọa lạc tại xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Trước khi bà Thị chết vào năm 1994, bà có di chúc giao lại toàn bộ phần đất nêu trên cho bà Cao Thị Cự toàn quyền sở hữu.
Đến năm 1997, bà Cự chết, bà có di chúc để lại cho vợ chồng bà Đặng Thị Sao (sinh năm 1944, mất năm 2016) và ông Trần Văn Út (sinh năm 1941, mất năm 2015), là cha mẹ của ông Trần Vĩnh Linh (sinh năm 1969) anh ruột ông Phú. Rồi sau đó, ông Út và bà Sao đã giao cho ông Linh kê khai đăng ký trong sổ mục kê khai tại xã An Thuận. Rồi sau đó là ông Linh, chính là những người kê khai đất, đóng thuế toàn bộ những phần đất từ đời bà Thị, ông Thiều, bà Cự để lại.
Trớ trêu thay, trong quá trình quản lý sử dụng, vì thương người nên bên cạnh chia cho con cháu trong họ tộc, thì bà Thị cũng đã cho một số hộ gia đình sống nhờ trên đất. Cụ thể là vào năm 1975, có cho ông Nhị (hay còn được người địa phương gọi là thầy Nhị) tá túc để có chỗ lui tới dạy cho học sinh ở miền quê này.
Khi ông Thiều còn sống, ông Thiều đã từng ngỏ ý lấy lại đất của ông Nhị. Nhưng chưa kịp thống nhất trả lại đất, thì ông Nhị qua đời. Để rồi con trai ông Nhị là Đoàn Văn Bá đã ngang nhiên vào ở, xem đất của ông Thiều, bà Cự như là của ông Nhị để lại. Những tranh chấp cứ thế kéo dài hàng chục năm qua.
Ông Phú kể lại, giai đoạn những năm 1995, các thành viên trong gia đình anh có thống nhất tặng cho một người tên Giải phần đất thuộc thửa số 39, tờ bản đồ số 3, có diện tích 150m2. Ông Giải chưa được cấp quyền sử dụng đất. "Cũng thời gian đó, nhiều hộ lân cận đã lấn chiếm hết phần lớn diện tích đất của gia đình tôi. Trong đó có ông Đoàn Văn Bá, con trai ông Nhị. Đáng ngạc nhiên là dù là đất của họ tộc gia đình tôi, nhưng ông Bá mới là người được cấp quyền sử dụng đất thuộc thửa 39, tờ bản đồ số 3, diện tích 1975m2. Sau đó ông Bá bán cho ông Lê Văn Mác phần đất có diện tích 1023,4m2 và ông Mác cũng được cấp quyền sử dụng đất thuộc thửa 236, tờ bản đồ số 26. Còn lại ông Bá được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thửa 237, tờ bản đồ số 26 với diện tích 668,4m2, tất cả cùng tọa lạc tại ấp An Ninh A, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre", ông Phú cho biết.
Ông Phú bức xúc trải lòng, rằng gia đình ông là gia đình liệt sĩ có công với cách mạng nên sống theo quy chuẩn chứ không "ăn không nói có". Vì lẽ đó, hàng chục năm qua gia đình ông đi khiếu nại khiếu kiện khắp nơi chỉ vì muốn lấy lại được đất của ông bà xưa kia đã đổ xương máu mới có được. Nên không thể để người khác cướp một cách vô lý như thế được.
Ông Phú cũng kể, hàng chục năm qua, mọi kê khai, đóng thuế đất, đều do mẹ ông và ông đóng. Vậy mà gia đình ông lại không được cấp quyền sử dụng đất. Đằng này lại cấp cho người khác thì đó là điều hết sức phi lý.
Trao đổi với phóng viên, rất nhiều người dân ở địa phương này cũng thừa nhận sự thật là đất gia đình ông Phú đang bị người khác chiếm đoạt.
Chỉ mong lấy lại được đất ông bà
Ở một diễn biến liên quan, vào năm 2015, UBND huyện Thạnh Phú đã từng có công văn đính chính gởi các đơn vị ngành trong huyện, báo cáo rõ là hiện có 16 trường hợp sử dụng đất tại xã An Thuận có nguồn gốc đất của ông Đặng Xuân Thiều, tức ông ngoại ông Phú.
Nói về nguyện vọng của chính mình cũng như gia đình, ông Phú cho biết mong muốn UBND xã An Thuận, huyện Thạnh Phú xem xét giải quyết buộc ông Đoàn Văn Bá giao trả lại phần đất thuộc thửa 237, tờ bản đồ số 26 với diện tích 667,4m2, tọa lạc ở ấp An Ninh A, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú.
Đồng thời buộc ông Mác giao trả lại phần đất thuộc thửa số 236, tờ bản đồ số 26, tọa lạc ở ấp An Ninh A.
Riêng đối với tài sản trên đất gồm cây trồng, vật kiến trúc và một số công trình khác, ông Phú cũng hi vọng UBND xã An Thuận có biện pháp yêu cầu những gia đình ông Bá và ông Mác phải di dời mà gia đình ông Phú không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cũng như không hỗ trợ chi phí di dời, đốn chặt...
Một người cháu ngoại của bà Sao bật khóc: "Ước sao lấy lại đất của gia đình, để lấy lại công bằng và danh dự cho bà ngoại. Bởi cả đời bà đã rất khổ tâm khi đi khiếu kiện vì chuyện đất quá nhiều".
Còn ông Phú thì nói trong xúc động: "Tôi thật sự mong mỏi điều đó trở thành sự thật. Để tôi là phận con cháu, có thể thắp nén nhang lên bàn thờ ông bà cha mẹ để khoe đã lấy lại được đất của họ tộc, để ông bà cha mẹ tôi có thể mỉm cười nơi chín suối".
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.