Từ nghề nhôm kính, trong một thời gian ngắn Phan Văn Anh Vũ bành trướng thành đại gia làm chủ hoặc có cổ phần tại nhiều công ty bất động sản.
Tối 22/12, đại diện Công an Đà Nẵng xác nhận ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") - đại gia bất động sản tại Đà Nẵng - đã bị truy nã. "Không bắt được Vũ tại nơi cư trú nên phải phát lệnh truy nã", nguồn tin từ cơ quan công an nói.
Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt ông Vũ được tống đạt tại nhà ông này vào sáng 22/12. Trong 24h trước, tức tối 21/12, nhà riêng của ông Vũ tại đường Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) đã bị công an khám xét trong nhiều giờ.
Trước đó, hồi tháng 9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có Công văn 817 điều tra 9 dự án đầu tư và 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay. Trong đó có tổng cộng 6 dự án thuộc sở hữu của công ty ông Vũ hoặc liên quan đến ông.
Sau các cuộc điều tra của cơ quan chức năng, bức màn bí mật về đường kinh doanh của đại gia Vũ "Nhôm" dần được vén lên với khối tài sản đồ sộ, đa phần trong số đó là các thương vụ thâu tóm, mua bán đất vàng một cách thần tốc và không kém phần ly kỳ. Trong các năm 2002-2016, Vũ "Nhôm" giữ vị trí chủ chốt, nắm quyền kiểm soát hoặc là cổ đông lớn của hàng loạt công ty bất động sản đình đám.
Vũ "Nhôm" từng bị nêu tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm của Đà Nẵng trong quản lý và sử dụng đất đai tại Đà Nẵng. Ông Vũ được cho là có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thao túng thị trường địa ốc Đà Nẵng và các khu đất vàng bằng cách chuyên "đẻ ra" các dự án và xin đất của Nhà nước. Cách làm của đại gia này là sau khi được phê duyệt dự án sẽ sang nhượng để kiếm chênh lệch, mang lại nguồn thu hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Phan Văn Anh Vũ bị công an khởi tố và phát lệnh truy nã. Ảnh: CTV
Cột mốc ấn tượng về sự bành trướng của Vũ "Nhôm" là từ Công ty Cổ phần Xây dựng 79 có trụ sở chính tại Đà Nẵng, được thành lập từ năm 2002. Ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Công ty CP Xây dựng 79 hoạt động kinh doanh đa ngành: xây dựng, bất động sản, khách sạn nhà hàng... Tổng vốn điều lệ của công ty là 500 tỷ đồng. Cuối năm 2013, công ty này đã tăng vốn lên 700 tỷ đồng.
Ông Vũ "Nhôm" từng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 (có trụ sở tại TP HCM 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP HCM). Ông cũng là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (32 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và có chân trong Công ty I.V.C.
Ngoài ra ông còn nắm giữ 80% cổ phần ở Công ty TNHH Phú Gia Compound. Thậm chí hồi tháng 4/2015, Vũ "Nhôm" còn ứng cử vào Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á trong kỳ đại hội cổ đông thường niên, nơi ông sở hữu số lượng cổ phần khá lớn (chiếm khoảng 10%).
Ngoài việc đứng tên, sở hữu hoặc có liên quan đến hàng chục nhà đất công có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, ông Vũ được cho là có chân trong gần chục dự án đình đám tại Đà thành.
Nhóm các dự án này gồm có: Dự án Phú Gia Compound quận Thanh Khê; Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông quận Cẩm Lệ; Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước còn có tên gọi là dự án Vầng trăng khuyết, sau này đổi tên thành Sunrise Bay.
Ngoài ra còn có dự án Khu công viên An Đồn; Khu đô thị Harbour Ville của Công ty cổ phần đầu tư Mega; Khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài; Khu du lịch ven biển đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng - cà phê - bar và bến du thuyền (khu vực trước Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) và lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng, P.Phước Mỹ, quận Sơn Trà.
Tình tiết bí hiểm và ly kỳ trong đường kinh doanh của Vũ Nhôm còn thể hiện ở hoạt động "thoắt ẩn thoắt hiện" của ông. Nếu trong thời gian ngắn ông Vũ nắm quyền kiểm soát hoặc có cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đình đám thì chỉ trong năm nay, ông đột ngột rút vốn nhiều nơi.
Cụ thể, theo thông tin từ Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, ngày 26/4/2017, ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.
Tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound), giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.
Với siêu dự án Vành Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), 2 pháp nhân liên quan đến ông Vũ là Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 từ ngày 19/4/2017 - 28/6/2017 đã rút 100% vốn tại dự án trên.
Bản thân Công ty CP Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Phan Văn Anh Vũ và đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong. Cách đây chỉ vài ngày, Chấn Phong - công ty tiền thân 79 do ông Vũ ‘Nhôm’ là Chủ tịch HĐQT vừa thoái vốn tại Seaprodex và thu gần 400 tỷ đồng.
Theo Nhóm phóng viên/Vnexpress.net
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.