Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2019 | 14:34

EVFTA: Cửa cho nông sản Việt vào EU mở rộng

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký kết tại Hà Nội vào cuối tháng 6 này, sẽ giúp xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU.

EVFTA được kỳ vọng mở toang cánh cửa thị trường EU cho hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản.

 

nong-san.jpg
EVFTA, cơ hội cho hàng nông sản Việt vào EU.

 

Cơ hội cho thủy sản

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, thời gian qua, xuất khẩu cá tra sang EU có sự tăng trưởng ngoạn mục. Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang EU có sự bứt phá ngoạn mục khi tăng trưởng tới 31,5% và đạt 105,2 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang bốn thị trường đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan tăng 12,2%; Anh tăng 59,4%; Đức tăng 61,6% và Bỉ tăng 63,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cá tra xuất khẩu sang các nước EU cũng tăng trung bình từ 2-2,6 USD/kg (năm 2016-2017) lên 2,8-3,5 USD/kg (năm 2018) và ba tháng đầu năm nay đạt 2,93 - 3,55 USD/kg.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, sở dĩ xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tăng trưởng trở lại trong mấy tháng đầu năm nay sau thời gian giảm sút là do nỗ lực kiên trì của các doanh nghiệp trong quá trình ổn định chất lượng và giải quyết các vấn đề truyền thông, chuẩn bị kỹ càng để đón nhận  thuận lợi về thuế quan khi EVFTA sắp có hiệu lực.

Cá tra nói riêng và thủy sản nói chung là một trong những mặt hàng đã có sự chuẩn bị tích cực để có một bước đệm vững chắc khi EVFTA chuẩn bị được ký kết và có hiệu lực.

Nông sản được hưởng lợi nhiều nhất

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mặc dù EU chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt ngưỡng gần 42 tỷ USD nhưng mức độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao, tới 17%. Căn cứ theo điều kiện cắt giảm thuế quan, ưu đãi hàng hóa dịch vụ của Việt Nam được hưởng, ngay trong năm đầu có hơn 85,6% dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm, thậm chí về 0%.

Tham gia EVFTA, toàn bộ hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi thì đều là ngành hàng chính, ngành kinh tế mũi nhọn của ta, như: gạo, càphê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, hoa quả, thủy sản, chế biến... Đây là những ngành hàng đươc hưởng ưu đãi rất cao ngay từ khi cắt giảm trong năm đầu tiên.

Tuy nhiên, trong hội nhập, không phải tất cả đều là bức tranh màu hồng. Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn; áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi lợn, mía đường… Nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định và chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...

“Những thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Do đó, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban ngành trong việc xây dựng chính sách và thực thi pháp luật để đảm bảo hiệu quả cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Những nỗi lo

EVFTA mới sẽ đem đến cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi nền nông nghiệp vẫn chủ yếu là kinh tế hộ, sản xuất manh mún.

 

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiểu biết của doanh nghiệp Việt về các hiệp định thương mại như CPTPP hay EVFTA rất hạn chế. Cụ thể, có tới 63% doanh nghiệp không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Với CPTPP và EVFTA, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong nhưng khâu yếu trong hội nhập là công tác đào tạo nguồn nhân lực để chủ động thích ứng với hội nhập. Trong đó, lực lượng làm tư pháp để chủ động bảo vệ, đấu tranh bênh vực quyền lợi ngành hàng, sản phẩm nông sản một cách chính đáng, khâu này đang là “mắt xích” yếu cần tăng cường.

Câu chuyện hàng rào kỹ thuật khi tham gia các hiệp định, Chính phủ nào cũng quan tâm, bởi hàng rào kỹ thuật được dựng lên để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong nước. Nhưng chúng ta phải làm trên một tinh thần minh bạch, bình đẳng, đồng bộ.

“Phải coi 100 triệu dân thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc bán hàng đi được tất cả các nước. Và thực hiện được việc này cần sự đồng hành lớn hơn từ Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp có rất nhiều mối lo khi tham gia các FTA mới nhưng điểm lo lắng lớn nhất là sản xuất manh mún. Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân, 10 triệu hecta đất canh tác mà phải cạnh tranh với những  nước có tài nguyên đất mênh mông. Khắc phục vấn đề này phải thực hiện bằng cách vận động hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã hay liên kết cùng doanh nghiệp.

Điểm thứ 2 là biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, 3 năm gần đây phản ánh rõ nhất vấn đề này. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp là không thể lường được trong sản xuất.

Điểm thứ 3 là thời gian hội nhập, đổi mới của nền kinh tế còn ngắn nhưng phải cạnh tranh với những nước có bề dày kinh tế, có chiều sâu và đã hoàn thiện thể chế. Để cạnh tranh chúng ta phải bỏ “mồ hôi” nhiều hơn. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng tập trung vào phát triển sản xuất, hướng tới chất lượng là chuỗi giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập của người nông dân.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng

Bên cạnh những lợi ích, như các FTA khác, EVFTA cũng có thể tạo ra một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Hai hiệp định tự do hóa thương mại thế hệ mới CPTPP và EVFTA không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản mà còn nâng cao năng lực cho ngành Nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa.

Còn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững... Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp lý trong nước. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến nghị, để khai thác được tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện, từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý là, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn...

“Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì nông nghiệp chiếm phần lớn, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp một số trở ngại về: Chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn kỹ thuật… khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết với Việt Nam vào ngày 30/6 tại Hà Nội.

EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

 

 

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top