Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 13:42

FTA thế hệ mới: Cơ hội chuyển mình của nông sản Việt

Việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác đang mở ra “sân chơi” mới với nhiều cơ hội cho nông sản Việt vươn xa.

 

Song, vấn đề đặt ra là Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với  các hiệp định thương mại tự do này.

 

tr12.jpg

Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty CP Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam.

 

Nhận diện thời cơ

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc nhóm hàng đầu thế giới, như: cà phê, gạo, thủy sản, đồ gỗ… Các hiệp định tự do thương mại, trong đó có CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng.

Các hiệp định không chỉ dừng lại ở các hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, không phụ thuộc vào vị trí chính trị của các nước tham gia mà phụ thuộc chính vào năng lực cạnh tranh của hàng nông sản. Điều đó có nghĩa là phụ thuộc chính vào khả năng sản xuất của chúng ta. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn phải gắn với quy mô và hình thức sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của hàng rào kỹ thuật.

Sự hỗ trợ phù hợp

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn định: Việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại kinh tế, đặc biệt là CPTPP, EVFTA..., Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông -  lâm - thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp).

Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức  “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.

Mục đích chung của chương trình là hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn…, góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương…

Thách thức không nhỏ

Sau một thời gian hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận xét, Việt Nam là nơi có ngành nông - lâm - thủy sản phát triển rất mạnh, nhưng việc tìm một đối tác phù hợp ở đất nước các bạn vô cùng khó khăn.

“Chúng tôi mất từ 5-6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp. Mặc dù Việt Nam có lợi thế  nhiều sản phẩm nông - lâm - thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của chúng tôi nếu muốn hợp tác làm ăn. Đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, đối tác cũng rất khó do các bạn chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp”, ông Hong Sun thẳng thắn chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Hong Sun  cũng cho rằng, Việt Nam có  nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Ví dụ: chuối có dán tem, ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng vì không có thương hiệu. Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, kim ngạch thương mại giữa 2 bên đã tăng rất nhanh, chúng tôi hy vọng rằng năm 2020 kim ngạch thương mại giữa 2 bên sẽ đạt con số 100 tỷ USD, điều đó thể hiện sự quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc ở Đông Nam Á.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quản được lâu hơn. Chúng tôi đã làm được điều đó với quả dừa, có thể cung cấp dừa quanh năm. Thanh long Việt Nam rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu. Việt Nam cũng cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Và quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài”, ông Hong Sun bày tỏ mong muốn.

Chuyển đổi tư duy đón cơ hội mới

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi và các thị trường ASEAN, EU, CPTPP chiếm 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU là 6,15%/năm và vào thị trường CPTPP là 7,2%/năm.

Ông Thào Xuân Sùng cho rằng, từ đây, Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam cùng với nông dân sẽ phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp. Có sự liên kết 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối để phát triển  hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ.

“Chỉ có như thế, nông dân mới có thể chuyển đổi tư duy, xây dựng tâm lý tự tin, tự chủ, tự cường, tạo ra các nông sản có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tốt hơn”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHGAP, GlobalGAP…Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao, với chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.

Bắt đầu từ doanh nghiệp

Khuyến nghị cho doanh nghiệp để tận dụng tốt và hiệu quả CPTPP, EVFTA và các FTA khác, theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trước hết doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về từng hiệp định để nắm vững các cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP, EVFTA và các FTA khác chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ tập đoàn lớn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Thào Xuân Sùng cũng cho hay, trước cánh cửa CPTPP, EVFTA và các FTA khác đang mở rộng, Nhà nước, doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, bắt đầu từ đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ để tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, mọi người thường nói, hội nhập thì nông sản Việt sẽ đón nhận cả cơ hội và thách thức nhưng tôi tâm niệm đó là cơ hội và chi phí tuân thủ. Với CPTPP, EVFTA, khó nhất của nông sản Việt là chi phí tuân thủ rất cao. Chi phí tuân thủ liên quan đến xuất xứ, nội địa hóa rồi các loại tiêu chuẩn, nắm bắt thông tin…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, cơ hội của CPTPP, EVFTA và các FTA khác đối với nông sản của chúng ta là rất lớn, cho nên chúng ta hãy đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, giảm bớt các thủ tục, giảm bớt chi phí như vậy sẽ đưa được nông sản của chúng ta vươn ra biển lớn.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top