Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 11 năm 2015 | 10:20

Gây thiệt hại cho DN, Techcombank bị kiện

KTNT - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đơn phương đóng tài khoản thư tín (LC) của Công ty CP Thúy Đạt (Cty Thúy Đạt) ở Hòa Xá (TP.Nam Định - Nam Định) trước hạn thanh toán một cách khó hiểu khiến doanh nghiệp “thất hứa” với khách hàng nước ngoài, gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng, rơi vào cảnh “khủng hoảng” về tài chính trong khi phải trả lương cho hơn 700 lao động.

Trụ sở Công ty CP Thúy Đạt.

Hợp đồng một đằng...

Theo đơn thư phản ánh của Cty Thúy Đạt, sự việc bắt đầu từ 13/1/2012 khi công ty này ký hợp đồng mở thư tín dụng số 989/HDHM-LC/TCB-NDH, giá trị hạn mức 45 tỷ VNĐ - Dư nợ vay và cho vay tương đương để hợp đồng làm ăn với công ty nước ngoài.

Ngày 8/2/2012, Cty Thúy Đạt ký hợp đồng mua bán F-138 với Công ty TOYOCOTTON (Cty TOYO) và ngày 17/2/2012 hai bên ký hợp đồng mua bán sửa đổi bổ sung có nội dung: Cty Thúy Đạt mua 108 tấn bông nguyên, tổng số tiền 235.440USD, hai bên thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng do Techcombank phát hành, thời hạn thanh toán là 90 ngày sau ngày vận đơn.

Tiếp đó, ngày 7/3/2012, Cty Thúy Đạt yêu cầu Techcombank (Chi nhánh Nam Định) phát hành thư tín dụng để thanh toán cho Cty TOYO theo hợp đồng đã ký (F-138).

Tại mục chỉ thị cho Techcombank quy định, Cty Thúy Đạt đề nghị ký quỹ 15% giá trị LC, thanh toán 85% giá trị LC bằng vốn tự có. Trường hợp bộ chứng từ không hợp lệ, Techcombank có quyền từ chối thanh toán. Trong trường hợp Cty Thúy Đạt có văn bản yêu cầu thanh toán gửi tới ngân hàng (chấp nhận bộ chứng từ không hợp lệ), ngân hàng có quyền thực hiện thanh toán và Cty Thúy Đạt cam kết chịu trách nhiệm thanh toán cho Techcombank bất kỳ khoản tiền nào Techcombank phải thực hiện thanh toán/chi trả theo LC này.

Về việc này, Cty Thúy Đạt cam kết, trường hợp thư tín trả chậm, Cty Thúy Đạt ủy quyền Techcombank gửi điện chấp nhận thanh toán bộ chứng từ phù hợp và cam kết chuyển đủ tiền thanh toán thư tín dụng và các khoản phí, chi phí khác phát sinh vào ngày đến hạn.

Đồng thời, để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo các cam kết tại yêu cầu phát sinh thư tín dụng này, Cty Thúy Đạt cầm cố bộ chứng từ, lô hàng nhập khẩu theo các chứng từ vận chuyển theo LC và tất cả các tài sản của công ty tại Techcombank để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của Cty Thúy Đạt theo yêu cầu phát hành LC và ủy quyền cho Techcombank làm các thủ tục hải quan, nhận hàng hóa và tự động chuyển nhượng, bán các tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp Cty Thúy Đạt không thực hiện đúng nghĩa vụ. Mặt khác, Cty Thúy Đạt phải chịu phạt vi phạm với số tiền Techcombank đã thực hiện thanh toán, chi trả cho LC này và chịu thanh toán lãi suất với mức 150% lãi suất cho vay.

Để tạo niềm tin cho ngân hàng, ngày 8/3/2012, Cty Thúy Đạt đã nộp tiền ký quỹ hơn 780 triệu đồng và nộp phí mở LC hơn 7 triệu đồng, phí điện LC hơn 630.000 đồng, VAT của phí điện hơn 63.000 đồng.

Khi đã “cầm phần chuôi”, cùng ngày (8/3/2012), Techcombank phát hành thư tín dụng mã số TF1206801025/NDH cho người hưởng là Cty TOYO theo quy tắc áp dụng phiên bản mới nhất của ấn phẩm UCP600.

Bị thiệt hại nặng nề, Công ty CP Thúy Đạt phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

 ...Làm một nẻo

Hợp đồng ghi rõ vai trò của các bên và phía Cty Thúy Đạt vẫn “tự tin” vào sự “thông suốt” của lô hàng mình đã mua. Nhưng, Techcombank lại “nuốt lời” khiến Cty Thúy Đạt rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Cụ thể, ngày 10/5/2012, Cty Thúy Đạt nhận được bản Fax do hãng vận chuyển thông báo chuyến hàng bông theo hợp đồng F-138 đã đến cảng Hải Phòng.

Ngày 16/5/2012, Cty Thúy Đạt nhận được bản gốc chuyển vận đơn do Cty TOYO gửi trực tiếp (vận đơn ghi ngày 4/4/2012).

Tuy nhiên, Techcombank cho rằng, bộ chứng từ có sai sót nên Cty TOYO đã 2 lần thực hiện việc sửa đổi. Ngày 25/6/2012, giữa Cty Thúy Đạt và Cty TOYO có văn bản thỏa thuận, theo đó, Cty TOYO cam kết chịu toàn bộ tiền lưu Cont và sẽ chi trả cho Cty Thúy Đạt 15.000USD khi Cty Thúy Đạt nhận được bộ chứng từ từ Techcombank.

Ngày 27/6/2012, Cty Thúy Đạt nhận được thông báo chứng từ sửa đổi thay thế của Techcombank (Chi nhánh Nam Định) ghi ngày 26/6/2012 có nội dung: Bộ chứng từ có sai sót là xuất trình muộn và Cty Thúy Đạt phải có ý kiến về sai sót của bộ chứng từ muộn nhất là ngày 29/6/2012. Sau thời hạn này, nếu không nhận được trả lời thì Techcombank sẽ gửi điện từ chối thanh toán bộ chứng từ.

Ngày 29/6/2012, Cty Thúy Đạt gửi thông báo cho Techcombank (liền trong phần cuối của thông báo 26/6/2012 do Techcombank phát hành) là chấp nhận thanh toán một phần số tiền theo hợp đồng F-138 là hơn 171.757,98USD. Đồng thời, gửi Công văn số 33/CV-CT ngày 29/6/2012 cho Techcombank với nội dung chấp nhận sai sót của bộ chứng từ và đề nghị Techcombank (Chi nhánh Nam Định) thanh toán một phần số tiền là 171.757,98USD cho ngân hàng nước ngoài và khẳng định có trách nhiệm thanh toán số tiền 60.000USD còn lại cho Cty TOYO.

Tưởng rằng sự việc được giải quyết “êm ấm” và Techcombank sẽ làm theo đúng hợp đồng hai bên ký kết nhưng Cty Thúy Đạt “choáng” khi nhận được công văn của Techcombank (Chi nhánh Nam Định) vào 16 giờ 25 phút ngày 2/7/2012, với nội dung: Ngân hàng chỉ thực hiện phát điện chấp nhận thanh toán tiền cho ngân hàng nước ngoài khi Cty Thúy Đạt có đủ tiền bằng USD trên tài khoản USD của công ty mở tại Techcombank (Chi nhánh Nam Định) và đã được Techcombank (Chi nhánh Nam Định) phong tỏa chậm nhất vào 2/7/2012. Trường hợp Cty Thúy Đạt không đáp ứng được yêu cầu thì Techcombank sẽ chuyển trả bản gốc bộ chứng từ cho ngân hàng nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Cty Thúy Đạt, bức xúc: “Từ năm 2012, sau khi Techcombank ra vận động, chúng tôi đã mở LC với công ty bên Nhật. Thời hạn thánh toán là 3/7/2012 nhưng ngày 2/7/2012 ngân hàng đã đưa văn bản đóng tài khoản, không cho chúng tôi thanh toán tiền nên khi hàng về đến cảng Hải Phòng không thực hiện được giao dịch, gây thiệt hại quá lớn cho công ty với số tiền hơn 5 tỷ đồng”.

Không thể “ngậm trái đắng” của Techcombank, Cty Thúy Đạt đã khởi kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định. Sự việc tiếp diễn như thế nào, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc.

Nhất Nam

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top