Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 10:33

Giải pháp để “hoàng hậu” trái cây chiếm lĩnh thị trường hơn 20 tỷ USD

Quả bơ - hoàng hậu của các loại trái cây, được dự báo là loại trái cây được xuất khẩu nhiều nhất trên thị trường toàn cầu vào năm 2030, dự kiến khoảng 31 triệu tấn, vượt dứa và xoài.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tiềm năng, dư địa để phát triển cây bơ. Nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư công nghệ chuyên sâu và cách tiếp cận thị trường phù hợp, bơ sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta.

 

vườn-bơ-booth7-cho-hiệu-quả-cao.jpg
Vườn bơ booth7 cho hiệu quả cao.

 

Trái cây xuất khẩu nhiều nhất

Được đưa vào Việt Nam trồng từ những năm 1950, nhưng chỉ vài chục năm trở lại đây, trái bơ mới được người tiêu dùng sử dụng nhiều, bởi bơ là loại trái cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều vitamin và khoáng chất, là một trong rất ít loại quả không có cholesterol, mà lại có chứa chất béo đơn không bão hòa - loại chất béo tốt cho cơ thể giúp làm giảm hàm lượng cholesterol.

Năm 2018, giá trị thị trường bơ thế giới là 14 tỷ USD, dự báo đến năm 2027 đạt 23 tỷ USD

Theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 (OECD-FAO Agricultural Outlook 2021-2030) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất trong 10 năm tới.

OECD-FAO đánh giá nhu cầu về trái cây toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng và bơ được dự báo trở thành loại trái cây nhiệt đới được giao dịch nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn xuất khẩu, vượt qua cả dứa và xoài về số lượng.

Tỷ trọng nhập khẩu bơ của Mỹ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu quả bơ trên toàn cầu vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu quả bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông.

Năm 2017, Trung Quốc nhập 32.000 tấn, gấp 1.000 lần năm 2011; Hàn Quốc nhập 5.000 tấn.

Giá trị kinh tế cao

Quả bơ được coi là siêu thực phẩm, là “hoàng hậu” của các loại trái cây vì có nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể, chứa tới 25 loại vitamin và khoáng chất  có lợi cho sức khỏe. Được coi là loại trái cây “siêu thực phẩm”. Quả bơ được sử dụng bởi nhiều hình thức khác nhau, từ ăn trực tiếp như món ăn kèm, dùng làm sinh tố hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm làm đẹp (mặt nạ, tinh dầu chăm sóc da,...).

Ở nước ta, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc và hiện nông dân đang tiếp tục mở rộng vùng trồng. 

Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với diện tích gần 2.600ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, 1ha cho thu 300 - 500 triệu đồng/năm.

Ở Tây Nguyên, bơ được trồng ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Vùng Tây Bắc có Sơn La  trồng được, do thổ nhưỡng và khí hậu ở đây có những nét tương đồng với vùng Tây Nguyên. Một số huyện miền núi ở Quảng Trị,  người dân cũng bắt đầu trồng bơ, nhưng diện tích không đáng kể. Do có giá trị kinh tế cao nên nhiều gia đình đầu tư và triển khai trồng bơ trên diện tích khá lớn, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau nhiều năm trồng cà phê, thấy thị trường không ổn định, ông Ngô Trí Nhương (tổ 2, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng)  quyết định chuyển sang canh tác cây bơ đặc sản 034, thứ bơ trái dài, thịt chắc, vị béo đậm đà, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nhương chia sẻ, cây bơ 034 ở Bảo Lâm thường rộ vào mùa hè, làm sao để giữ đợt hoa cho cây ra trái vào vụ cuối năm là đạt hiệu quả. Vào vụ chính, bơ có giá trung bình 20-25 ngàn đồng/kg thì vào vụ nghịch đạt 70-100 ngàn đồng/kg, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần. Chính vì vậy, ông đầu tư bài bản, tìm hiểu kỹ thuật rất kỹ để chuẩn bị cho mùa trái bơ nghịch vụ.

Trên diện tích 5.000m2, gia đình anh Hồ Văn Quý (thôn Hiệp Hoà, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đầu tư trồng 300 gốc cây bơ Booth 7 trái vụ, cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12. Ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Đến thời điểm này, tuy mới bước vào đầu vụ nhưng vườn bơ của gia đình anh  đã được các đại lý lớn trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Giá bán trung bình 45- 55 nghìn đồng/kg, uớc tính sau vụ thu hoạch này, với gần 2 tấn bơ sẽ mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Trang (tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng 100 cây bơ sáp, sau mấy năm bơ đã cho lứa quả đầu tiên. Nhận thấy cây bơ thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, lại cho thu nhập cao, gia đình tiếp tục chuyển 1ha đất sang trồng loại cây này. Hiện nay, gia đình có 1,5 ha trồng gần 300 cây bơ, trong đó gần một nửa cho thu hoạch. Vụ bơ năm 2018, thu hoạch gần 5 tấn quả, doanh thu hơn 200 triệu đồng. Vụ bơ năm nay, gia đình ước đạt khoảng 5 tấn quả…

Thiếu quy hoạch

Hiện nay, nhiều địa phương đang có diện tích trồng rất lớn: Đắk Lắk hiện có trên 9.000ha bơ các loại, trong đó, tổng sản lượng dự kiến 82.000 tấn. Tính đến giữa tháng 8/2021, số lượng bơ đã thu hoạch được khoảng 50%, sản lượng bơ còn lại khoảng 40.000 tấn, trong đó chủ yếu là bơ Booth và bơ Hass.

Hay như tỉnh Đắk Nông, năm 2019, toàn tỉnh chỉ có 3.794ha bơ, sản lượng đạt 15.050 tấn, nhưng đến năm 2020, tăng lên 4.383ha, sản lượng 18.992 tấn. Năm 2021, dự báo cây bơ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, đạt mức 4.535ha, sản lượng khoảng 24.945 tấn.

Ngay như Sơn La, cây bơ được đưa về trồng khoảng 10 năm trước, theo thống kê năm 2020, tỉnh đã có 1.022ha bơ, năng suất bình quân đạt  13-14 tấn/ha.

Tuy nhiên, việc các địa phương để cho nông dân tự mở rộng diện tích trồng bơ mà không có quy hoạch cụ thể đã dẫn đến sản lượng bơ trái vụ và chính vụ tương đương nhau nên thường  bị ép giá.

Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) hiện có 489ha bơ, tăng 100ha, năng suất ước đạt 161 tạ/ha. Nhưng đây chỉ là diện tích bơ mới được thống kê theo phương thức trồng thuần, còn nếu tính cả diện tích bơ được trồng xen trong các vườn cà phê thì khá lớn.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với tốc độ mở rộng diện tích như hiện nay, người trồng bơ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro sau này. Trước hết rủi ro về chất lượng cây giống, sâu bệnh, tác động của thời tiết. Tình trạng nông dân ồ ạt trồng bơ cũng có thể dẫn đến hệ lụy rớt giá, mất giá.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, cho biết, hiện nay người trồng bơ chỉ hái đến đâu bán đến đó, vì đặc điểm trái bơ không để được lâu ngày, là một trong những nguyên nhân giá giảm. Diện tích bơ ngày càng tăng sẽ dẫn đến giá giảm sâu, nếu không có giải pháp kịp thời, hợp lý.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, đối với việc mở rộng diện tích cây bơ, các tỉnh cần đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm ổn định giá cả và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ

Khoảng 10 năm trước, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc đổ xô trồng bơ, do cây này có giá rất cao, thu nhập cao hơn các loại cây công nghiệp khác. Nhưng  3 - 4 năm gần đây, giá bơ liên tục giảm, người nông dân thất thu, nhiều nơi có ý định chuyển sang trồng cây công nghiệp khác.

Gia đình ông Dương Xuân Tình (thôn Bình An, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 8 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) trồng xen canh bơ Booth với tiêu, sầu riêng... Trước đây, khi bơ có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi mùa gia đình hái được 3 - 4 tấn, thu về gần 100 triệu đồng. Bây giờ vườn bơ chỉ cho thu hoạch 2 tấn,  giữa mùa chỉ bán được 5.000 đồng/kg, cao nhất vào cuối mùa cũng chỉ  8.000 - 9.000 đồng/kg.

Có  4 sào bơ Booth xen canh trong vườn cà phê, sầu riêng hơn 7 năm nay, anh Nguyễn Minh Tuân (thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) quyết định chặt bỏ cả 2 sào bơ đang trong thời kỳ kinh doanh vì hai năm gần đây bơ cho năng suất thấp và khó tiêu thụ. Anh quyết định chặt bỏ một nửa cây bơ trong vườn, nửa còn lại ghép với giống bơ khác, hy vọng giá bơ sẽ tăng  trong những năm tới.

Đắk Lắk có 2 giống bơ là Booth và Hass chuẩn bị vào vụ thu hoạch với diện tích khoảng 2.200ha, sản lượng  23.500 tấn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nênthương lái không thể đến thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ được; mặt khác, tại các cửa khẩu ở phía Bắc đang ách tắc do phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra, dẫn đến nông sản bị ùn ứ.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trong nước đề nghị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ trái bơ cho  nông dân.

Tại các nhà vườn trồng bơ sản xuất theo các chương trình liên kết, có chứng nhận VietGAP, nông dân cũng kém vui, vì giá bơ đầu mùa xuống thấp. Anh Nguyễn Tiến Đa, Tổ trưởng tổ bơ HTX Trái cây Bốn mùa (Lâm Hà - Lâm Đồng), cho biết:  HTX đang xúc tiến tìm đầu ra, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên và người dân trồng bơ trong khu vực. Tuy nhiên, với năng lực tiêu thụ mỗi năm của HTX khoảng 1.000 tấn bơ, dự kiến còn nhiều diện tích bơ của người dân cần tìm đầu ra.

Theo anh Đa, nguyên nhân chính dẫn đến việc giá bơ trên thị trường đang xuống rất thấp trong vòng 10 năm trở lại đây là do  ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Khi bơ vào vụ lại xảy ra dịch bệnh, người dân ít đi lại, hoạt động thương mại kém sôi động nên sản lượng bơ tiêu thụ giảm gần một nửa so với năm trước. Do đó, nguồn cung lớn hơn cầu, dẫn đến bơ giảm giá mạnh.

 

img_20200419_100353_7361-copy.JPG
Giống bơ Hass được trồng tại vườn của anh Trịnh Xuân Mười (thôn Cao Thành, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Ảnh: Cẩm Lai.

 

Du nhập các giống bơ tốt nhất vào Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, muốn nhập giống bơ mới, chúng ta phải biết giống nào đã hết thời hạn tôn trọng bản quyền, giống nào còn thời hạn phải tôn trọng bản quyền. Không thể làm như hiện nay, với giống Gem mà chúng ta đang nhân là không được phép, vì vi phạm luật bản quyền, mà Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV).  

Giống thương phẩm đã hết thời hạn bản quyền gồm có: Hass, Lamb Hass, Pinkerton, Shepard, Reed, Feurte. Đây là những giống chúng ta có quyền nhân giống, sản xuất và xuất khẩu cạnh tranh với các nước khác.

Các giống thương phẩm mới, đang còn bản quyền khai thác như: Gem, Lamuna Hass, HASS - CARMEN, hay những giống gốc ghép có khả năng chống chịu tốt với Phytophthora (thối gốc, chảy mủ) như Dusa, BOUNTY, BW2 và BW19 thì chúng ta phải liên lạc với chủ sở hữu và xin được quyền khai thác thì mới được sử dụng.

Nếu làm sai, như hiện nay với việc nhân giống Gem, Việt Nam sẽ bị chủ sở hữu khiếu kiện. Chủ sở hữu các giống trên rất vui lòng chia sẻ quyền sử dụng và đưa giống sang Việt Nam nếu chúng ta có yêu cầu và tôn trọng bản quyền.

Về việc nhân giống bơ, chúng ta đang ở một khoảng cách xa với thế giới. Vì Tây Nguyên hiện nay chưa có đơn vị nào sản xuất được cây giống sạch bệnh Phytophthora như ở Australia, Hoa Kỳ, Nam Phi. Thậm chí, ở các nước đó, họ còn đi xa hơn cây sạch bệnh, đó là sản xuất cây giống có gốc ghép vô tính (clonal rootstock) nên khi trồng ra, các cây chẳng những chống chịu tốt với bệnh xì mủ mà còn rất đồng đều về sinh trưởng, và chiều cao…

“Có lẽ phải đi từng bước, nhưng nên có kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng cây giống, như: đến năm nào Tây Nguyên sẽ sản xuất được cây sạch bệnh Phytophthora, đến năm nào thì sẽ sản xuất được cây giống với gốc ghép vô tính và sạch bệnh như ở các nước tiên tiến. Làm được vậy, chúng ta sẽ không còn phải lo bệnh xì mủ nữa”, PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho hay.

 

sản-phẩm-dầu-dưỡng-da-và-bột-đắp-mặt-nạ-từ-trái-bơ-của-chị-phạm-thị-thu-hằng-huyện-krông-pắk-tỉnh-đắk-lắk.jpg
Sản phẩm dầu dưỡng da và bột đắp mặt nạ từ trái bơ của chị Phạm Thị Thu Hằng (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

 

Đầu tư chế biến chuyên sâu

Dự báo giá trị thị trường quả bơ thế giới đến năm 2027 sẽ đạt 23 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ bơ tại Hoa Kỳ là rất lớn và đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, hầu hết quả bơ tại Hoa Kỳ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn, do đó, phải đáp ứng yêu cầu rất cao: Công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối;  doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là loại trái cây dùng để ăn liền, nên doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm.

Theo ông Hà, Việt Nam hiện có nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa quả bơ Việt Nam còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng trồng, người nông dân và  doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Nhu cầu tiêu thụ bơ Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới là rất lớn nhưng sản lượng bơ của ta lại chưa đủ để cung ứng và chưa thể xuất khẩu số lượng lớn. Nếu khắc phục được những vấn đề trên thì lĩnh vực trồng và xuất khẩu bơ sẽ là một dư địa thị trường đầy tiềm năng cho nông nghiệp Việt Nam.

Để quả bơ Việt Nam có thể phát huy hết thế mạnh của mình, rất cần có doanh nghiệp đầu tư chế biến quả bơ, có biện pháp sơ chế, bảo quản để xuất khẩu. Công nghệ hiện đã có nhưng chưa có nhà đầu tư chế biến quy mô lớn, chưa có doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu cho quả bơ. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố như hệ thống thu mua ở cơ sở, người hướng dẫn thu gom bài bản, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ… nếu hội đủ các điều kiện trên thì mới giúp quả bơ vươn xa hơn nữa. Đối với sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sẽ bán giá thấp hơn dùng để chế biến thành bột bơ, dầu bơ, kem bơ và nhiều sản phẩm khác…

“Thời gian qua, phần lớn quả bơ được xuất sang Trung Quốc, thị trường châu Âu còn bỏ ngỏ bởi số lượng xuất đi không đáng kể”, ông Hồ Gấm chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy,  Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu (Bến Tre), một trong những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, cho rằng, vấn đề khó khăn nhất trong quy trình sản xuất bơ là khâu bảo quản.

Bơ được cho là loại trái cây “khó tính” vì không dễ bảo quản, hiện chủ yếu dùng để ăn tươi nhưng thường chỉ để được đến tối đa 5 ngày. Đặc tính chín đồng loạt, dễ giập nên rất khó có thể vận chuyển đến các tỉnh xa hay xuất khẩu. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm chế biến nào từ bơ. Mặt khác, bơ cũng là loại trái cây rất khó để chế biến, nếu chế biến không đúng cách, bơ rất dễ nhiễm vị đắng.

Bà Vy nhắc đến công nghệ HPP (high pressure processing) mới được áp dụng thành công tại Hoa Kỳ mới đây, giúp các sản phẩm chế biến từ bơ giữ nguyên hương vị, chất dinh dưỡng, độ tươi ngon, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Nếu công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam, sẽ giải quyết được một trong những bài toán khó nhất đối với quả bơ từ trước đến nay.

“Tôi cho rằng, nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ có thể nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta”, bà Vy nói.

Ông Đỗ Việt Hà, Phó Giám đốc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, cho biết, các nước có nhiều công nghệ chế biến bơ. Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng ngay những công nghệ này đối với trái bơ Việt Nam. Mỗi giống bơ, mỗi loại bơ có đặc điểm khác nhau. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh những công nghệ từ nước ngoài sao cho phù hợp với các loại bơ ở Việt Nam.

Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cũng đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý, bảo quản trái bơ và quy trình công nghệ chế biến purê trái bơ. Theo đó, phần thịt bơ khi chín sẽ được xay nhỏ, cấp đông trong khoảng 8-20 tiếng rồi đem bảo quản ở môi trường nhiệt độ -18 độ C. Sau khi rã đông, sản phẩm có thể dùng để ăn ngay. Không chỉ giữ được hương vị tự nhiên của bơ, sản phẩm này có thời hạn sử dụng đến 6 tháng. Đây còn là bơ nguyên liệu cho những mặt hàng chế biến khác. Việc ứng dụng công nghệ vào bảo quản, chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng của trái bơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Phân viện luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế biến purê trái bơ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến.

Theo các chuyên gia kinh tế, trái bơ Việt Nam không thua kém cả về chất lượng lẫn sản lượng so với các nước xuất khẩu bơ lớn trên thế giới. Với tiềm năng, dư địa phát triển, nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư công nghệ chuyên sâu và cách tiếp cận thị trường phù hợp, bơ sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta, có cơ hội chiếm lĩnh thị trường trái cây thế giới.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top