Mục tiêu Chính phủ đặt ra: Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam;...
Mục tiêu Chính phủ đặt ra: Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Cơ hội bứt phá
Sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu.
Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu đã góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng nông thôn miền núi, thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.Với khoảng 4.500 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn công nhân và trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, chia sẻ: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019 mở ra nhiều cơ hội mới để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Mexico, Nhật Bản, Úc… với thuế suất tối thiểu cho ngành chế biến gỗ.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu ((EVFTA)) dự kiến được hoàn tất trong năm 2019, cũng mở ra thị trường EU rộng lớn cho các ngành xuất khẩu Việt Nam, kể cả ngành gỗ, với thuế quan thấp đáng kể, qua đó gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam nói chung, đồ gỗ nói riêng tại thị trường này.
Ngành chế biến gỗ năm 2019 phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu. |
Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, đầu ra xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hiện vẫn đang rất thuận lợi, các doanh nghiệp tại địa phương xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất nước đều không thiếu hợp đồng, đơn hàng nhìn chung rất nhiều. Một số doanh nghiệp đã phải từ chối một số hợp đồng mới vì làm không kịp.
Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương) Bùi Như Việt cũng cho biết, đơn hàng xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ không chỉ ở trong những tháng đầu năm mà cả trong thời gian tới không có gì đáng lo ngại.
Cần hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu
Để năm 2019 kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 11 tỷ USD và đạt chỉ tiêu những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, rà soát và hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp, lập kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến theo yêu cầu bối cảnh mới của Luật Lâm nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục các chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung (bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ), Nhà nước bố trí nguồn vốn đầu tư hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng 01 Trung tâm nhập khẩu, phân phối gỗ quy mô lớn (Chợ đầu mối gỗ nguyên liệu) làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn kết với các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cao của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Ưu tiên đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu, đào tạo đầu ngành để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo, chú trọng đào tạo đồng bộ và kết hợp hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo đại học, trung cấp, công nhân kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển và công nghệ của ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách về đất đai, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, trồng, chăm sóc rừng đến chế biến sản phẩm và chính sách liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu ban hành chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng đồ gỗ từ các sản phẩm gỗ rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp trong nước, được sản xuất tại Việt Nam; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành công nghiệp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; ưu tiên nguồn ngân sách cho các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu ngành gỗ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Năm nay, mục tiêu được đặt ra cho xuất khẩu của toàn ngành lâm nghiệp là 11 tỷ USD. Đây là chỉ tiêu khá cao nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thị trường rất tốt, lợi thế về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra cơ hội không nhỏ cho đồ gỗ Việt Nam xuất sang Mỹ, năng lực chế biến của ngành gỗ ngày càng được cải thiện… |
Bài 2: Doanh nghiệp là trung tâm
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.