Sau khi nhận sổ đỏ và yêu cầu người dân viết giấy uỷ quyền cho sử dụng, ba giám đốc này đã dùng tài sản đó thế chấp ngân hàng để vay số tiền lớn hoặc đem bán luôn cho người khác...
Trần Thị Hường (64 tuổi, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Vạn Xuân; Hoa Thị Mai (55 tuổi, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Cường Yến; Hồ Thăng Long (36 tuổi, con trai Mai), Giám đốc Công ty TNHH Long Hải đều cho vay lãi dưới hình thức thành lập công ty làm vỏ bọc để người dân tin tưởng thế chấp tài sản đảm bảo khi vay tiền.
Sau khi nhận sổ đỏ và yêu cầu người dân viết giấy uỷ quyền cho sử dụng, ba giám đốc này đã dùng tài sản đó thế chấp ngân hàng để vay số tiền lớn hoặc đem bán luôn cho người khác. TAND TP Hà Nội vừa mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử ba bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139-BLHS.
Ba bị cáo tại phiên xử.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, năm 2009, do có nhu cầu cần vay 350 triệu đồng nên vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) thông qua con trai đến gặp Hường nhờ giúp đỡ.
Hường khẳng định, có thể vay giúp gia đình ông Nghĩa số tiền trên tại ngân hàng nhưng phải có tài sản bảo đảm. Tin tưởng Hường, ông Nghĩa chấp thuận tới phòng công chứng lập giấy ủy quyền giao cho Hường toàn bộ ngôi nhà và đất đang ở để làm tài sản bảo đảm.
Sau đó, ông Nghĩa được Hường đưa cho số tiền 350 triệu đồng. Dù cam kết chỉ dùng nhà đất làm tài sản bảo đảm vay tiền ngân hàng, nhưng khi vừa cầm giấy ủy quyền trong tay, Hường lập tức lập hợp đồng bán luôn tài sản của gia đình ông Nghĩa cho người khác với số tiền 6,4 tỷ đồng.
Quá trình người mua nhà đất từ Hường làm thủ tục sang tên thì bị gia đình ông Nghĩa phát hiện. Giống như ông Nghĩa, giữa năm 2009, bà Nguyễn Thị Tuất (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cần khoản tiền 100 triệu đồng để giải quyết việc gia đình.
Nghe Hường nói có khả năng về tài chính nên bà tìm đến hỏi vay và cũng phải lập giấy ủy quyền về tài sản đảm bảo. Khi bà Nghĩa làm xong thủ tục thì được Hường đáp ứng cho vay số tiền 100 triệu đồng. Còn tài sản đảm bảo của bà thì bị Hường mang bán với số tiền 600 triệu đồng.
Cùng thời điểm này, gia đình bà Lê Thị Vân (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhờ Mai vay hộ 400 triệu đồng tại ngân hàng. Mai yêu cầu gia đình bà Vân phải làm thủ tục ủy quyền giấy tờ nhà đất cho chị ta thì mới được giải quyết nguyện vọng.
Cầm giấy tờ uỷ quyền sử dụng nhà đất trong tay, Mai giao số tiền 400 triệu đồng cho bà Vân và mang giấy tờ uỷ quyền này đến ngân hàng thế chấp để vay nhiều tỷ đồng.
Sự việc này kịp thời được gia đình bà Vân phát hiện do ngân hàng yêu cầu bà Vân phải có mặt để làm thủ tục xử lý nợ. Gia đình bà Vân lập tức trả lại Mai số tiền vay và yêu cầu Mai hoàn trả sổ đỏ và giấy tờ uỷ quyền. Vậy nhưng khi vừa nhận sổ đỏ của gia đình bà Vân từ ngân hàng, Mai đã chỉ đạo Long lập hợp đồng bán đứt ngôi nhà của bà Vân cho người khác với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Sự việc này càng trở nên phức tạp hơn bởi người mua nhà của mẹ con Mai sau đó đã thế chấp vào ngân hàng vay tiền, rồi mất khả năng thanh toán.
Quá trình xét xử, ba bị cáo lý giải cho hành vi phạm tội của mình là việc các gia đình có nhu cầu vay tiền nên thế chấp tài sản đảm bảo và viết giấy uỷ quyền là thoả thuận tự nguyện. Còn việc các bị cáo sử dụng tài sản uỷ quyền của các gia đình để vay tiền ngân hàng là việc riêng của các bị cáo với ngân hàng, chứ không phải lừa đảo các gia đình vay tiền.
Theo các bị cáo, không thể cho ai vay hàng trăm triệu đồng mà lại không có tài sản đảm bảo của họ. Tại phiên xử, bị hại là những người vay tiền phủ nhận việc đưa sổ đỏ và viết giấy uỷ quyền để vay mượn tiền bạc với các bị cáo. Họ cho rằng, việc đưa sổ đỏ và viết giấy uỷ quyền chỉ là cái cớ vì họ tin tưởng người cho vay.
Những người thực hiện giao dịch mua bán nhà đất với các bị cáo cho rằng, họ thực hiện các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất với các bị cáo đều thông qua phòng công chứng theo quy định của pháp luật nên không liên quan đến hành vi lừa đảo của các bị cáo.
Nhận thấy lời khai của các bị cáo, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tại phiên toà không đồng nhất với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Nhận định những lời khai này không thể làm rõ ngay được tại phiên toà nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp, yêu cầu điều tra bổ sung theo thủ tục chung.
Dù vụ việc chưa được tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng, nhưng đây là bài học cho nhiều người, phải cảnh giác, thận trọng khi đưa giấy tờ sổ đỏ cho người khác.
Theo Nguyễn Hưng/Cand.com.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.