Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 4 năm 2019 | 21:36

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Khởi tố thêm 2 phó giám đốc Sở GD-ĐT

Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 2 phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo cùng phó đội trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang để điều tra hành vi tiếp tay cho gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

ha-giang.jpg

Công an công bố quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Khuông - Ảnh: NGUYỄN LÂN

 

Chiều 8-4, đại tá Lê Văn Canh, người phát ngôn Công an tỉnh Hà Giang, cho biết Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố 3 bị can: Triệu Thị Chính (51 tuổi) - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang; Phạm Văn Khuông (60 tuổi) - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung (50 tuổi) - cán bộ Công an tỉnh Hà Giang.

Theo đó, công an khởi tố bị can bà Triệu Thị Chính để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điều 358 Bộ luật hình sự.

Ông Phạm Văn Khuông và bà Lê Thị Dung bị khởi tố điều tra về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, được quy định tại điều 366 Bộ luật hình sự.

Cả ba bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo Công an tỉnh Hà Giang, bị can Triệu Thị Chính (trú tại P.Minh Khai, TP Hà Giang) là phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, phó chủ tịch hội đồng, trưởng ban chấm thi của hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, trực tiếp điều hành tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.

Bị can Phạm Văn Khuông (trú tại P.Quang Trung, TP Hà Giang) là phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và bị can Lê Thị Dung (trú tại P.Minh Khai, TP Hà Giang) là phó đội trưởng thuộc phòng bảo vệ chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang.

Trước đó, vào tháng 7-2018, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi, trú tại P.Minh Khai, TP Hà Giang) là trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang và Vũ Trọng Lương (41 tuổi, trú tại P.Nguyễn Trãi, TP Hà Giang) là phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật hình sự.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Nguyễn Thanh Hoài đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho Vũ Trọng Lương trái với quy chế thi THPT quốc gia.

Vũ Trọng Lương là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Vũ Trọng Lương được Sở GD-ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, Vũ Trọng Lương đã tải đáp án về và lưu trong máy. Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện trong điện thoại của Lương có nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh và mức điểm.

Với thời gian hơn 2 giờ (từ 12h đến 14h38 ngày 27-6-2018), Vũ Trọng Lương đã chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về phòng khảo thí. Trong thời gian này, Vũ Trọng Lương đã mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án. Quy trình thực hiện khoảng 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.

Theo thống kê, có 102 bài thi toán đã chênh từ 0,1 đến 8 điểm, 85 bài thi vật lý chênh từ 1 đến 7,75 điểm, 56 bài thi hóa học chênh lệch từ 1 đến 8,75 điểm. Môn sinh có 8 bài thi chênh từ 1 đến 4,25 điểm, môn lịch sử và tiếng Anh lần lượt có 9 và 52 bài thi đã chênh lệch từ 1 đến 7,8 điểm. 

Kết quả cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với thí sinh chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top