Từng là xã nghèo của huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng mấy năm gần đây, kinh tế của Nghi Yên có phần khởi sắc nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt, không đồng bộ đã biến Nghi Yên thành một công trường khổng lồ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Tình trạng khai thác đất, đá trái phép ở huyện Nghi Lộc đang diễn ra khá phức tạp.
Đã đóng cửa mỏ
Ngày 01/2/2010, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi ra Quyết định số 472/QĐ-UBND.TN, về việc cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực Vân Trình, xã Nghi Yên với diện tích 22,4ha cho Công ty TNHH Hà Thành khai thác, thời hạn của quyết định là 5 năm kể từ ngày ký, tức là đến ngày 01/2/2015 hết hạn. Tại mục 3, Điều 2 của quyết định này cũng yêu cầu công ty “thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai sau khai thác theo quy định của pháp luật”.
Ngày 15/01/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An có Công văn số 159/ STNMT.KS về việc thực hiện nghĩa vụ sau khi giấy phép khoáng sản hết hạn. Ngày 4/2/2015, UBND huyện Nghi Lộc có Công văn số 148 do ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện ký đã chỉ rõ và yêu cầu Công ty TNHH Hà Thành chấm dứt tất cả các hoạt động khai thác tại khu vực mỏ sắt Vân Trình, lập báo cáo kết quả hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, lập đề án và đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định.
Tuy nhiên, ngày 7/3/2016, khi phóng viên có mặt tại khu vực mỏ Vân Trình, hai chiếc máy đào bánh xích vẫn nằm yên trên đỉnh núi chuẩn bị đón xe lên xúc đất (có thể là quặng?). Thấy người lạ, nhiều chiếc xe quay đầu ngược xuống chân núi, khi chúng tôi hỏi thì lái xe trả lời: Lên chở củi?!. Trao đổi với một người có trách nhiệm của Công ty Hà Thành, chúng tôi được cung cấp thông tin là đang tiếp tục xin giấy phép để khai thác.
Ngày 10/3, phóng viên có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc, bà Phạm Thị Quỳnh Nga cho biết: “Công ty TNHH Hà Thành đang nợ 2 - 3 tỷ đồng tiền thuế nên chưa cấp phép được, tuy vậy họ vẫn lén lút khai thác, nhận được tin báo, chúng tôi có đến hiện trường nhưng mọi hoạt động trong mỏ đã dừng lại, rất khó bắt quả tang”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cũng khẳng định, đã hơn một năm kể từ ngày giấy phép khai thác mỏ hết hạn nhưng ở Vân Trình vẫn có tình trạng khai thác lén lút, rất khó quản lý.
Xe chở đất, đá khai thác trái phép bị Công an huyện Nghi Lộc tạm giữ
... Lập nhiều biên bản
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Thành, Chủ tịnh UBND xã Nghi Yên, khi trao đổi với phóng viên ngày 10/3/2016. Ông Thành cho biết: “Không chỉ Hà Thành (đơn vị được cấp phép khai thác) mà còn nhiều công ty, đơn vị khác cũng lợi dụng các dự án trên địa bàn để ăn trộm đất. Trước đây là cánh rừng phòng hộ, bây giờ họ đã chuyển đổi thành rừng sản xuất, khai thác làm cây cối đổ nhiều, bụi mù mịt”.
Khu vực cấp mỏ thuộc xóm Tây Sơn, xã Nghi Yên có 120 hộ dân (487 khẩu), ngày đêm phải sống chung với bụi, môi trường trong khu vực này bị ảnh hưởng trầm trọng.
Không chỉ mỏ Vân Trình, phía trong còn có một công ty được phép khai thác đá, xe vào lấy đất, đá để bán cho các dự án cũng chạy trên con đường này, khiến giao thông náo loạn, đường sá bị băm nát, đời sống nhân dân đảo lộn. Một người dân địa phương cho biết: “Họ làm ngày làm đêm, xe chạy ầm ầm, con cái chúng tôi học tập rất khổ, có nhiều đêm họ làm đến sáng”.
Lúc 20 giờ 30 phút ngày 9/3, sau nhiều lần bắt hụt, Công an huyện Nghi Lộc đã phối hợp với xã Nghi Yên bắt quả tang 5 xe và hai máy đào đang vận chuyển và khai thác trái phép tại khu vực mỏ Vân Trình. Đại úy Nguyễn Đình Cường, Phó đội trưởng Đội hình sự, Công an huyện Nghi Lộc, khẳng định: “Mỏ đã hết hạn nhưng ở đây vẫn diễn ra nhiều hoạt động khai thác trái phép, nhiều lần chúng tôi ra nhưng có mật báo nên không bắt được. Tối 9/3, nhận được thông tin, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại hiện trường và bắt quả tang, lập biên bản đưa 5 xe tải loại to về, trong đó có một xe hổ vồ, còn hai máy thì giao lại để họ quản lý vì máy xích nên chúng tôi không đưa về”.
Tình trạng khai thác đất, đá trái phép ở huyện Nghi Lộc đang diễn ra khá phức tạp. Đề nghị các ngành chức năng địa phương sớm vào cuộc, chấm dứt tình trạng này để không làm lãng phí tài nguyên của đất nước.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV VPNA
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.