Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 6 năm 2017 | 9:40

Giống lúa VTNA2 nảy mầm kém tại Hà Tĩnh: ​Do ngâm ủ không đúng quy trình

KTNT - VTNA2 là giống lúa thuần, được Hà Tĩnh đưa vào danh mục cơ cấu giống lúa chủ lực cho các vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay. Giống cho năng suất vượt trội, kháng trừ các loại sâu bệnh, lại ngắn ngày nên hợp với những vùng đất chạy lũ.

VTNA2 là một trong những giống lúa chủ lực trong cơ cấu giống của Hà Tĩnh.

Thế nhưng mấy ngày qua, một số nông dân ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên phản ánh, trong quá trình ngâm ủ có hiện tượng lúa nảy mầm không được như mong muốn. Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã trực tiếp đến ghi nhận ý kiến phả­n ánh của nông dân, các đơn vị liên quan.

Ông Phạm Danh Kiệm (thôn 10, xã Cẩm Quang)  cho biết, ông được xã hỗ trợ 10kg giống lúa VTNA2 để sản xuất hơn 2 sào (nằm trong quy hoạch cánh đồng mẫu sử dụng một giống). Khi nhận giống, ông đem về ngâm ủ trong điều kiện thời tiết nắng, nhiệt độ khoảng 35 - 36 độ C. “Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong quá trình ngâm ủ, cứ 7-8 ngày phải thay nước một lần, tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn, sau đó đem giống đổ vào nhà tắm, phủ bao bì lên trên, kết quả giống lên đều, đạt tỷ lệ trên 90%”, ông Kiệm nói.

Theo ông Kiệm, việc ngâm ủ giống trong vụ xuân thường được người dân quan tâm hơn vì thời tiết lạnh, thậm chí nhiều người còn nấu nước ấm để ngâm lúa. Tuy nhiên, mùa hè nhiệt độ cao, giống dễ nảy mầm nên không ít người chủ quan, đổ lúa vào ngâm, không thay nước. Việc ngâm giống trong điều kiện  nhiệt độ cao, nếu không thay nước đúng hướng dẫn, lúa sẽ bốc mùi chua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ nảy mầm, thậm chí rễ bị thối. “Cùng tiếp nhận một lô giống như nhau nhưng nhà nào ngâm ủ không đúng quy trình kỹ thuật, không thay nước đều bị nảy mầm kém”, ông Kiệm khẳng định.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Tâm (thôn 10) nói: “Theo tôi, lúa nảy mầm kém là do cách ủ của người dân. Như nhà tôi, trong quá trình ngâm cứ 5 tiếng thay nước một lần, đến khi lúa bắt đầu nảy mầm tôi đem ra thay nước, rửa tiếp thêm 2 lần nữa. Nhờ vậy mà 7kg giống của tôi đều nảy mầm tốt, tỷ lệ đạt khoảng 85 - 90%”.

Trưởng thôn 10, ông Nguyễn Huy Dần cho hay, một số hộ trong thôn phản ánh có hiện tượng giống lúa VTNA2 nảy mầm kém là đúng, chính gia đình ông cũng rơi vào trường hợp đó. Tuy nhiên, ông Dần thừa nhận, gia đình ông ngâm ủ không thay nước nên lúa mới nảy mầm kém.

Ngoài thôn 10, ở thôn 5 cũng có 13/60 hộ dân có hiện tượng lúa nảy mầm kém.

Được biết, sau khi có phản ánh của người dân, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên phối hợp với Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An (đơn vị cung ứng giống), xã Cẩm Quang và các thôn liên quan thành lập các đoàn đến tận hộ dân kiểm tra, xử lý giống VTNA2 nảy mầm kém. Theo các báo cáo kết quả ngâm ủ và biên bản kiểm tra giống lúa VTNA2 của Trung tâm thì nguyên nhân giống lúa có hiện tượng nảy mầm kém là do quá trình ngâm ủ không thực hiện quy trình thay nước, nước trong lúa bị lưu giữ nhiều ngày gây mùi chua khó chịu, dẫn đến lúa nảy mầm kém. Nhưng khi cán bộ kỹ thuật của Trung tâm xuống kiểm tra, hướng dẫn, đổ lúa ra rửa sạch, ngâm ủ lại thì ngay ngày hôm sau tỷ lệ nảy mầm đạt 87-90%”, bà Nguyễn Thị Châu, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi­­ huyện Cẩm Xuyên, cho biết.                   

P.V

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top