Thị trường xuất khẩu tôm năm 2022 dự báo nhiều cơ hội. Trong khi vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL vào vụ nuôi mới lại đối mặt nhiều thách thức mới.
Dự báo thị trường nhiều tín hiệu mới
Ba năm qua (2019-2021), mặt hàng tôm của Việt Nam liên tiếp vượt khó để đạt được mức tăng trưởng cao. Riêng trong năm 2021, vùng nuôi tôm ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 xảy ra hầu khắp các địa phương và phải trải qua gần 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn và thiên tai liên tiếp ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ. Người nuôi tôm và doanh nghiệp trong ngành tôm bị ảnh hưởng nặng nề, phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Dù vậy, đến cuối năm, ngành hàng tôm đạt kết quả khá tốt: Sản lượng tôm nuôi cả năm đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó tôm nước lợ đạt 920.000 tấn; Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỉ USD, tăng 5,4% so năm 2020.
Tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam qua 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phát tín hiệu tích cực. Tổng mức kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt trên 550 triệu USD, tăng hơn 46,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: Dự báo năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA (một kênh phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng - khách sạn) và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, thị trường châu Âu (EU), sau ảnh hưởng dịch Covid-19 xuất khẩu tôm giảm trong quý III và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV năm 2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ. Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường EU bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ,... Tuy nhiên, mức tiêu thụ tại các thị trường này sẽ bị tác động bởi cuộc chiến Nga - Ukraine nên phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Xu hướng dự trữ thực phẩm có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu nhưng đi kèm giá thấp. Thị trường các nước EU cần thêm thời gian để dự báo chính xác.
Theo ông Hòe, Nhật là thị trường lớn và là thị trường truyền thống của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm trong nhiều năm. Với kết quả xuất khẩu của 2 tháng đầu năm 2022, thị trường Nhật Bản bắt đầu tăng nhu cầu trở lại, trong đó, các nhà cung cấp tôm của Việt Nam vẫn được chọn lựa. Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 3 và cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ. Bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid-19”, năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm sâu nhất trong vòng 5 năm. Tuy vậy, đến những tháng cuối năm 2021, tôm xuất khẩu tăng mạnh trở lại và tiếp tục duy trì sang tháng 1 và 2 năm 2022. Mới đây, ngày 11/2/2022, Trung Quốc công bố sẽ tăng sản lượng thủy sản lên 66 triệu tấn, trở thành nguồn cung cấp protein số 1 cho người dân Trung Quốc, đây là thách thức mới đối với tôm của Việt Nam. Qua đó dự đoán các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, trừ Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian.
Thách thức từ vùng nuôi
Những tháng đầu năm 2022, tình hình xung đột Nga - Ukraine đang tác động mạnh đến thị trường nhiên liệu xăng dầu, vật tư nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Dự báo thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đối với ngành hàng tôm Việt Nam. Một số mặt hàng vật tư nông nghiệp: phân bón, thức ăn chăn nuôi và thủy sản… báo động giá cả biến động, chi phí sản xuất tăng lên.
Trong khi đó, về mặt nội tại, ở vùng nuôi tôm ĐBSCL, dù đạt tiến bộ vượt bậc về ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ nuôi tôm tiên tiến, nhưng lại gặp trở ngại lớn về điều kiện cơ sở hạ tầng trước làn sóng đầu tư mở rộng vùng nuôi tôm công nghiệp.
Cà Mau có vùng nuôi tôm nước mặn, lợ lớn nhất cả nước (280.000ha), với nhiều loại hình nuôi như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp và mô hình nuôi tôm - lúa lớn nhất vùng ĐBSCL.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, băn khoăn: Hiện nhiều nông hộ diện tích nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điều kiện hạ tầng thủy lợi vùng nuôi chưa đảm bảo. Chất lượng tôm giống cần có quy chế phối hợp chặt chẽ hơn để loại hẳn tôm giống kém chất lượng gây thiệt hại cho người nuôi… Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản có đề án, dự án riêng cho các tỉnh có vùng tôm - lúa ĐBSCL. Bởi đây là lợi thế của vùng, sản phẩm đặc hữu tôm - lúa chất lượng cao.
Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng là điểm sáng nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh hiệu quả, với diện tích trên 53.000ha. Trong đó trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 9%. Năm 2021, Sóc Trăng đã hạ được tỷ lệ nuôi tôm thiệt hại giảm còn 6%. Sản lượng tôm nuôi đạt 189.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm lần đầu tiên đạt trên 1 tỉ USD. Sóc Trăng xác định nuôi tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh.
Tuy vậy, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Hạ tầng cơ sở thủy lợi cho vùng nuôi là vấn đề trọng yếu. Vừa qua, tỉnh đã có đầu tư, nhưng trước quy mô đầu tư nuôi tôm công nghiệp ngày càng tăng, cần đảm bảo nguồn cấp nước sạch. Do vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thông qua các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nuôi. Bên cạnh đó, hàng năm Sóc Trăng cần 20 tỉ con giống, song nguồn cung nội tỉnh còn hạn chế nên rất cần đảm bảo nguồn cung tôm giống tốt.
Theo VASEP, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng 10-12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỉ USD. Tuy nhiên, khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, làm tăng giá bán và suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics, là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm. Nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp trong năm 2022. |