Mặc dù chính quyền địa phương đã lập biên bản, tịch thu phương tiện và xử phạt hành chính nhưng hàng chục cơ sở, cá nhân vẫn ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông Lô, đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang. Dư luận hoài nghi, có hay không việc chính quyền địa phương buông lỏng trong khâu quản lý khoáng sản?
Ngày 1/6/2016, Công an huyện Bắc Quang đã tịch thu phương tiện của 4 cơ sở khai thác cát trái phép trên địa bàn thị trấn Vĩnh Tuy.
Lợi nhuận cao nên bất chấp!
Có mặt tại thị trấn Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang), chúng tôi tận mắt chứng kiến 3 bãi tập kết cát nằm gần Quốc lộ 2, mỗi bãi có trữ lượng gần 100m3, bãi nào cũng có ít nhất 2 tàu hút cát đang trực chờ, trong số đó có nhiều tàu đi “ăn” cát về nhưng chưa kịp đưa lên bãi tập kết.
Đi ngược lên thị trấn Việt Lâm và thị trấn Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên), chúng tôi không khỏi giật mình bởi tại đây có tới 6 bãi tập kết cát, bãi nào cũng chứa gần 100m3. Tại xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) , số lượng bãi cát, tàu hút neo đậu, tàu “ăn” cát tăng đột biến. Theo quan sát, Đạo Đức có ít nhất 5 bãi tập kết, trong đó 2 bãi do ông Hùng và ông Nguyễn Hữu Vượng đứng tên, có trữ lượng lên tới 200 - 300m3 cát. Phía dưới 5 bãi tập kết cát là gần 10 tàu hút, mỗi tàu có sức chứa từ 15 - 20m3, đang căng mình “ăn” cát, mặc cho phía trên bờ phóng viên vô tư quay phim, chụp ảnh.
Sau khi bị tịch thu phương tiện, một số cơ sở tại thị trấn Vĩnh Tuy vẫn còn hoạt động bình thường.
Theo ông Đoàn Công Oánh, chủ một bãi cát tại xã Đạo Đức thì gia đình ông khai thác cát (trái phép) được 1 năm nay. Ông đã bị huyện lập biên bản và xử phạt hành chính. “Do huyện xử lý không đồng bộ, không triệt để nên gia đình vẫn tận dụng khai thác được ngày nào hay ngày đấy. Nếu huyện quyết dẹp bỏ nạn hút cát trái phép, tôi sẽ là người đầu tiên thực hiện”, ông Oánh quả quyết.
Theo báo cáo kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Vị Xuyên ngày 23/7/2015 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên thì trên địa bàn có tới 12 điểm khai thác cát, sỏi vật liệu xây dựng (8 cá nhân, 4 tổ chức). Riêng xã Đạo Đức có 2 cá nhân, 2 doanh nghiệp (thiếu hộ ông Hùng); thị trấn Vị Xuyên có 4 cá nhân; thị trấn Việt Lâm 2 cá nhân và 4 tổ chức (2 tổ chức có giấy phép thăm dò khai thác, 2 tổ chức không có giấy phép). Ngày 11/1/2016, UBND huyện Vị Xuyên có thông báo đình chỉ hoạt động khai thác cát trái phép đối với 3 cá nhân khác.
Tại xã Đạo Đức (Vị Xuyên), tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khá sôi động.
Trước đó, UBND huyện Vị Xuyên đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 9 cá nhân, tổ chức với tổng số tiền 54 triệu đồng; đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân dừng mọi hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và buộc tháo dỡ lán trại, chuyển hết máy móc và các dụng cụ liên quan đến việc khai thác cát, sỏi… Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các bãi tập kết cát vẫn chưa tháo dỡ, hàng chục tàu hút vẫn ngày đêm đục khoét sông Lô.
Ông Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, khẳng định: Không có việc chính quyền địa phương bao che, tiếp tay cho việc khai thác cát, sỏi trái phép. Nguyên nhân có thể do lợi nhuận từ khai thác cát cao nên huyện đã xử phạt nhưng các đối tượng vẫn bất chấp. Ông Hải cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo, huyện sẽ họp, thành lập đoàn kiểm và xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian tới.
Nhiều bãi tập kết cát có cả máy xúc hỗ trợ tại xã Đạo Đức.
Buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản?
Liên quan tới tình khai thác cát trái phép tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), theo biên bản làm việc ngày 1/6/2016 của Tổ công tác giữa Công an huyện Bắc Quang và UBND thị trấn Vĩnh Tuy, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 4 cơ sở đang có hoạt động khai thác cát lòng sông, khi kiểm tra thủ tục giấy tờ liên quan, 4 cơ sở không cung cấp được giấy phép khai thác hay bất cứ thủ tục nào liên quan nên Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ công cụ, phương tiện có liên quan.
Còn ở thị trấn Vĩnh Tuy, ông Đặng Xuân Bích, Phó chủ tịch UBND thị trấn, cho hay, công an huyện đã lập biên bản tịch thu phương tiện, hiện đang chờ huyện xử lý. Trao đổi về việc các cơ sở vẫn ngang nhiên khai thác, ông Bích khẳng định, thị trấn cũng đã báo lên huyện về việc có một số cơ sở tái phạm, nhưng chưa có bằng chứng xác thực nên chưa thể kết luận được gì.
Ngay đầu TP. Hà Giang, tình trạng khai thác cát, tập kết cát diễn ra không kém phần sôi động. Theo phản ánh thì đây là bãi cát của ông Ma Tiến Phương, khai thác cát trái phép nhiều năm nay.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao sông Lô chạy song song với Quốc lộ 2, gần với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện nhưng chính quyền lại không kịp thời phát hiện, xử lý. Và mặc dù đã bị tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính nhưng các cơ sở, cá nhân vẫn bất chấp khai thác cát trái phép, liệu có hay không việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương?
Đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép trên toàn tuyến sông Lô, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép mà không có biện pháp xử lý triệt để.
Hoàng Văn
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.