Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 8 năm 2014 | 9:44

Hà Giang: Hàng trăm công nhân kêu cứu vì công ty bị công an “giữ” hộ dấu!

KTNT - Nhiều tháng qua, gần 200 công nhân Công ty CP Xi măng Hà Giang sống trong cảnh "thoi thóp" vì nhà máy bị đình trệ sản xuất. Một trong những nguyên nhân khiến hàng chục tỷ đồng máy móc thiết bị đắp chiếu là con dấu của doanh nghiệp bị Công an tỉnh "giữ hộ", dẫn tới mọi hoạt động giao dịch gần như “đóng băng”. 

Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của gần 200 công nhân Công ty CP Xi măng Hà Giang gửi Báo Kinh tế nông thôn, sau 2 năm xảy ra tranh chấp giữa các thành viên hội đồng quản trị đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh vô cùng khó khăn, dẫn đến công nhân không có việc làm.

Hoạt động sản xuất đình trệ nên các khoản nợ nhà nước, đối tác, khách hàng ngày càng chồng chất, các thành viên HĐQT hợp pháp phải đi vay tiền để duy trì sự tồn tại của nhà máy, giữ lực lượng công nhân. 

Nhà máy bị đình trệ hoạt động, hàng trăm công nhân kêu cứu

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Xi măng Hà Giang trước đây là doanh nghiệp Nhà nước, được cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ vào năm 2006; thành viên công ty là những cổ đông sáng lập cùng nhau nắm giữ 98,37% vốn điều lệ. 

Năm 2010, do điều kiện suy thoát của toàn ngành nên thành viên Công ty quyết định chuyển nhượng 51% cổ phần cho cổ đông mới là ông Đinh Văn Hiếu với cam kết và kì vọng sẽ chấn hưng mọi hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện tiếp dự án. Tuy nhiên, ông Hiếu đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cũng như nghĩa vụ triển khai dự án theo cam kết mà chuyển nhượng tiếp 35% cổ phần cho một cổ đông mới, dẫn đến nhiều mâu thuẫn sau này, khiến công ty càng khó khăn thêm.

Mọi tranh chấp kéo dài gần 2 năm cho đến khi TAND tối cao phán xét. Ngày 13/9/2013, TAND tối cao đã chính thức có bản án phúc thẩm số 169/2013/KDTM-PT đưa ra phán xét để HĐQT hợp pháp của công ty trở lại hoạt động theo quy định pháp luật.

Biểu ngữ, băng rôn treo khắp Công ty CP Xi măng Hà Giang.

Theo bản án của TAND tối cao, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại Công ty CP Xi măng Hà Giang là do tranh trấp, bất đồng giữa các cổ đông trong công ty. Cụ thể, Công ty CP Đồng Tâm cho rằng, đã góp vốn tại Công ty CP Xi măng Hà Giang 63,37% vốn điều lệ trên thực tế, còn theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 58,37% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty CP Xi măng Hà Giang.

Tuy nhiên, ngày 22/10/2012, Ban Kiểm soát Công ty CP Xi măng Hà Giang tiến hành cuộc họp Đại hội cổ đông  đã tự ý hạ tỷ lệ góp vốn của Công ty CP Đồng Tâm xuống còn 6,104%. Vì những lý do trên, Công ty CP Đồng Tâm đề nghị Tòa xem xét hủy quyết định của Đại hội cổ đông ngày 22/10 mà công ty này cho là trái quy định pháp luật.

Theo bản án, sau khi xem xét các khía cạnh vụ việc, HĐXX nhận thấy Đại hội cổ đông của Công ty CP Xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012 đã vi phạm về trình tự, thủ tục tiến hành và nội dung nghị quyết của đại hội là trái các quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, Tòa quyết định hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết (quyết định) của Đại hội cổ đông Công ty CP Xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012. Đồng nghĩa với việc, mọi hoạt động công ty trở lại bình thường với bộ máy lãnh đạo được thừa nhận theo quy định pháp luật.

Sau những nỗ lực giữ công ty và mong muốn sớm hoạt động trở lại, các thành viên HĐQT tưởng đã tháo gỡ được khó khăn nhưng họ lại tỏ ra hoang mang hơn khi con dấu của công ty được Công an tỉnh Hà Giang “giữ hộ”, không trao trả cho HĐQT hợp pháp.

Theo ông Vũ Duy Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi măng Hà Giang, để giúp công ty sớm ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ phá sản như hiện nay, tạo công ăn việc làm cho gần 200 cán bộ, công nhân viên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương, tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, những thành viên HĐQT hợp pháp đã có văn bản khẩn thiết đề nghị Công an tỉnh Hà Giang trả lại con dấu cho đại diện hợp pháp của công ty nhưng đến nay vẫn chưa được nhận lại.

Được biết, hiện con dấu của Công ty CP Xi măng Hà Giang đang nằm tại Công an tỉnh Hà Giang dưới danh nghĩa "giữ hộ" theo nhờ cậy của các cổ đông, HĐQT Công ty CP Xi măng Hà Giang. Theo Công văn số 464/PC 46 của Công an tỉnh Hà Giang gửi Công ty CP Xi măng Hà Giang, đến ngày 7/7/2014, Phòng PC 64 chỉ nhận được đơn xin lại con dấu, chưa nhận được Quy chế và báo cáo có đầy đủ chữ ký của các thành viên HĐQT công ty gửi Phòng PC 46 trước đó nên Phòng PC 46 chưa trả lại con dấu cho Công ty CP Xi măng Hà Giang được.

Như vậy, sau 2 năm lãnh đạo Công ty CP Xi măng Hà Giang "đáo tụng đình", gần 200 công nhân đã phải "thoi thóp" chờ đợi. Và số phận của hàng trăm công nhân này vẫn chưa được quyết định chừng nào con dấu của công ty còn bị "phong tỏa".

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top