Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 11 năm 2014 | 1:34

Hà Nam: Dấu hiệu thiếu minh bạch trong XDNTM ở xã Mộc Bắc?

KTNT - Người dân phản ánh một số cán bộ đã lấy hơn 100 tấn xi măng trong dự án làm đường nông thôn mới để bán; còn chính quyền xã Mộc Bắc (Duy Tiên - Hà Nam) lại cho rằng, bán như thế để tiết kiệm tiền?! Nếu người dân ý kiến thì sẽ thu tiếp tiền để mua lại số xi măng trên để trả lại Nhà nước?

Thời gian gần đây, nhiều người dân thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc bức xúc trước những việc làm khuất tất của lãnh đạo thôn và xã trong việc triển khai làm đường nông thôn mới. 

Cụ thể, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ dân trong thôn Yên Từ phải đóng thêm 120.000 đồng/người kinh phí làm đường. Trong khi đó, lãnh đạo thôn lại cho bên B một khối xi măng và bán đi hơn 109 tấn xi măng trong dự án làm đường mà không được người dân nhất trí.  

Cũng chính vì việc cắt xén số xi măng của dự án dẫn đến con đường bê-tông nông thôn mới đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Tiếp đó, đơn vị thi công cũng bớt xi măng khi làm cống thoát nước mà không đổ đáy. 
 

Ông Phạm Văn Tiếp cho biết mặt đường mới làm nhưng đã bị bong tróc
 
Ông Phạm Văn Cương (56 tuổi, xóm 10, thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc) bức xúc: “Việc làm nông thôn mới ở đây có nhiều vấn đề chưa minh bạch mà chúng tôi phản ánh hơn hai tháng nay nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Việc lãnh đạo thôn cho đơn vị khác xi măng và bán xi măng của dự án làm đường nông thôn mới không hề có biên nhận, thu chi. Chẳng hiểu vì lý do gì mà con đường mới làm xong đã xuống cấp; làm cống thoát nước không đổ đáy dẫn đến đế bị xói mòn, nước không lưu thông”. 

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân thôn Yên Từ, chính quyền xã Mộc Bắc đã thành lập Ban thanh tra về vấn đề tài chính trong dự án làm nông thôn mới. Ông Đoàn Năm Tốt, đại biểu HĐND xã, thành viên Ban thanh tra cho biết: “Vấn đề lãnh đạo thôn Yên Từ tự ý cho bên B (Bên thi công) hơn 1 khối bê tông và việc đội giá xi măng chênh lệnh với thị trường dẫn đến thôn phải trả thêm bên B hơn 10 triệu là có. Vấn đề này chúng tôi đang trình UBND xã để đòi lại bên B”.

Cũng theo ông Tốt, việc bán xi măng của xã cũng được đưa ra để lấy ý kiến của dân. Nhưng đa phần người dân không đồng tình với cách làm này. “Đường giao thông, cống thoát nước là cái thiết yếu nhất đối với người làm nông. Nếu chỉ vì giảm mỗi khẩu đi vài chục ngàn mà làm chất lượng đường sá, cống rãnh không đảm bảo thì không ai người ta muốn. Vì vậy, người dân rất bức xúc”.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên có buổi làm việc với lãnh đạo xã Mộc Bắc, gồm ông Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, ông Tống Xuân Nghị, Chủ tịch HĐND xã và ông Nguyễn Văn Tiêu, Phó chủ tịch UBND xã Mộc Bắc - trưởng đoàn kiểm tra dự án nông thôn mới nói trên. 

Trả lời về việc chính quyền thôn đã tự ý bán hơn 109 tấn xi măng, ông Cảnh thừa nhận có việc này. Tuy nhiên, ông Cảnh cho biết, việc bán xi măng để hỗ trợ kinh phí mua cát đá làm đường. Việc chuyển hóa này sẽ giảm bớt cho mỗi hộ dân khoảng 50.000 đồng tiền đóng góp cho một khẩu. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, phóng viên được biết, quy định từ ban đầu mỗi hộ dân phải đóng 120.000 đồng/khẩu tiền làm đường. Nếu việc bán xi măng bớt đi số tiền 50.000 đồng thì vì sao kinh phí làm đường vẫn không thay đổi?.
 

Nắp cống mới làm xong đã bị gãy sập
 
Về việc dự án cống thoát nước không như tiêu chuẩn, ông Cảnh cho biết: Việc làm cống thoát nước mà không đổ đáy là sai với tiêu chí của mô hình nông thôn mới. Tuy nhiên, do xi măng không còn đủ để đổ đế cống và làm như thế sẽ giảm chi phí đóng góp của người dân.

Nói về việc chất lượng tuyến đường mới làm đã xuống cấp, ông Cảnh cho biết, tuyến đường nông thôn mới ở đây làm theo mác xi măng 200 nên chất lượng cũng hạn chế. Còn việc lãnh đạo thôn Yên Từ cho đơn vị B một khối bê-tông sau khi người dân kiến nghị họ đã trả. 
 
Khi phóng viên hỏi có hóa đơn chứng từ vay trả, mua bán xi măng trong dự án làm đường nông thôn mới hay không thì tất cả lãnh đạo xã Mộc Bằng đều cho hay: “Họ giao dịch bằng miệng chứ không qua văn bản”.
 
Khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm trong việc thiếu minh bạch về vấn đề tài chính trong dự án làm đường cũng như sự nhập nhèm mua bán số xi măng làm đường, ông Cảnh vẫn thản nhiên đáp: “Đúng là việc làm này đã sai với chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, do thôn Yên Từ không báo cáo lên lãnh đạo xã nên chúng tôi không nắm được. Giờ nếu người dân phản ánh việc bán xi măng nói trên thì tới đây chúng tôi sẽ yêu cầu người dân trong thôn đóng góp tiền để mua lại xi măng (khoảng 109 tấn, tương đương với hơn 87 triệu đồng) để trả lại cho Nhà nước”.
 
 
Được biết, đến thời điểm hiện tại, đoàn thanh tra của xã đã lập được gần 6 tháng, đã tiếp xúc với dân thôn Yên Từ nhiều lần mà vẫn chưa giải thích được những vấn đề thu, chi về tài chính. Điều này khiến người dân rất bức xúc về cách làm việc của chính quyền xã Mộc Bắc.

Đề nghị cơ quan chức năng huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam sớm vào cuộc xác minh và làm rõ vấn đề trên.

Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin./.
 
Thành Vinh – Sơn Hải
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top