Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 6 năm 2015 | 12:46

Hà Nam: Lấy đất nông nghiệp làm dự án gạch!

Một dự án ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm hộ nhưng lại không lấy ý kiến đóng góp của dân phải chăng là áp đặt, vội vàng? Đó là nội dung đơn thư phản ánh của các hộ dân thuộc ba xóm 9, 10, 11, xã Phú Phúc (Lý Nhân - Hà Nam) về việc lấy đất nông nghiệp cho dự án đầu tư xây dựng Nhà máy gạch Tuynel Mỹ Đà gửi Báo Kinh tế nông thôn.

Đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án gạch

Ngày 22/1/2013, UBND tỉnh Hà Nam có Quyết định số 130/ QĐ- UBND về việc cho Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà thuê đất để đầu tư xây dựng Nhà máy gạch tuynel Mỹ Đà, tại địa bàn xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân.

Một góc khu bãi bồi sông Hồng thuộc xã Phú Phúc mà UBND tỉnh Hà Nam cấp cho Cty TNHH xây dựng Mỹ Đà (đã lấy đất để làm đường).

Dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 1.648/UBND-CT ngày 22/11/2011, cho thuê 16.064m2 đất (đợt 1) để đầu tư xây dựng Nhà máy gạch Tuynel Mỹ Đà và cho mượn 3.818m2 đất tại địa bàn xã Phú Phúc để đầu tư xây dựng đường đi chung theo quy hoạch của khu vực. Sau khi thi công xong, đơn vị có trách nhiệm bàn giao lại công trình cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng theo quy định.

Thời hạn cho Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà thuê, mượn đất là 30 năm. Theo Bản đồ định hướng quy hoạch sử dụng đất điểm dân cư và quy hoạch vùng sản xuất (quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Phú Phúc năm 2011, tỉ lệ 1/5.000) thì đến năm 2020, dự án này sẽ lấy đi 4,71ha  đất bồi ven sông và khoảng 194,81ha đất nông nghiệp làm khu vật liệu xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, cho biết, dự án gạch tuynel Mỹ Đà chỉ lấy đi 4,71ha đất bãi bồi ven sông, còn  194,81ha đất nông nghiệp tỉnh quy hoạch làm khu vật liệu xây dựng. Quy mô của dự án: công suất 25 triệu viên gạch/năm, với dây chuyền thiết bị đồng bộ mới 100%, tổng vốn đầu tư 69.552.000.000 đồng.

Người  dân phản đối

Theo phản ánh của các hộ dân thì từ khi có dự án gạch, họ đã nhiều lần gửi đơn cho các cấp chính quyền phản đối. Bà con cho rằng, đất bồi ven sông Hồng khá tốt cho việc trồng màu, hàng năm có thể gieo trồng 3-4 vụ,  thu nhập 3-4 triệu đồng/sào. Dự án này gần khu dân cư, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân.

Việc triển khai một dự án nhưng lại phớt lờ ý kiến của người dân dẫn đến sự phản đối dưới nhiều hình thức. Từ chỗ bà con không giao đất đến việc cản trở không cho kéo đường dây điện tại xóm 11 là những ví dụ.

Đề nghị chính quyền các cấp và ngành chức năng tỉnh Hà Nam xem xét lại việc  lấy hàng trăm hecta đất nông nghiệp làm dự án gạch, trong khi người dân cố gắng giữ để sản xuất.

Trung Hiếu

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top