Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 1 năm 2018 | 3:2

Hà Nội: Bài học kinh nghiệm rút ra qua những biểu hiện mất dân chủ ở cơ sở từ vụ chặt cây xanh như “lâm tặc” tại phường Hoàng Văn Thụ

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, trồng cây không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích về môi trường, xã hội, có tác dụng lớn tới giáo dục và đào tạo con người, do đó cây có tốt có khỏe thì con người mới có thể lớn mạnh và phát triển trong một môi trường tốt. Tuy nhiên, gần đây, vụ việc các cán bộ của UBND phường Hoàng Văn Thụ lấy danh nghĩa thực thi công vụ bỗng dưng đến đốn hạ, cưa cắt một số cây xanh hàng chục năm tuổi do người dân trồng tại số nhà 2 ngõ 319 phố Tam Trinh (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân.

>> Phường Hoàng Văn Thụ: Nghi vấn lạm quyền, tự ý chặt hạ cây xanh do người dân trồng!?

Hiện trường vụ chặt hạ cây xanh tại gia đình bà Nguyễn Thị Tùng Phương.

Cây xanh lâu năm bỗng dưng bị chặt hạ!

Khoảng 14 giờ 45 phút, ngày 26/12/2017, một nhóm người ngang nhiên đến gia đình bà Nguyễn Thị Tùng Phương (số nhà 2 ngõ 319 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chặt hạ 2 cây quý gồm: 1 cây mít có tuổi đời gần 20 năm, cao thẳng đứng khoảng 12m, và đường kính thân cây hơn 20cm; 1 cây hoa tường vi khoảng 50 năm, cao 6m, đường kính cây gần 20 cm. Lúc đó, gia đình bà Phương không có người ở nhà, toàn bộ sự việc nói trên được camera an ninh của gia đình ghi lại.

Cây mít 20 năm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc, giờ chỉ còn trơ lại gốc.

Trích xuất camera cho thấy, nhóm người chặt cây thản nhiên trèo lên tường nhà của người dân để đốn hạ. Đáng nói hơn, tất cả những người này không hề mang bảo hộ chuyên dụng, không có phương án đảm bảo an toàn cho tính mạng và sức khỏe của người dân khu vực xung quanh. Sau khi chặt xong, nhóm người này để lại ngổn ngang số cây cối chắn cả lối đi lại của căn ngõ và thản nhiên bỏ về.

Những người chặt hạ cây xanh của gia đình bà Phương. Ảnh gia đình cung cấp

Tan sở về nhà, bà Nguyễn Thị Tùng Phương bàng hoàng phát hiện ra sự việc. Ngay lập tức, bà Phương đã đến trình báo với Công an phường Hoàng Văn Thụ.

Khoảng 17h cùng ngày, có ba người tự giới thiệu là cán bộ tư pháp, văn phòng, đô thị Phường Hoàng Văn Thụ đến nhà bà Phương và thừa nhận việc chặt cây là sai, nhưng khi gia đình bà Phương đề nghị họ ký vào biên bản hiện trường thì họ không ký và lững thững đi về.

Hậu quả nhãn tiền của việc chặt hạ số cây xanh được thực hiện tự phát, cẩu thả, không có biển báo nguy hiểm, cố tình giựt đổ, tác động mạnh đến đường dây tải điện, hệ thống cáp viễn thông, truyền hình dẫn đến trụ điện và cột đèn chiếu sáng bị gãy, trực đổ sập, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Sự việc đã gây chấn động cả tổ dân phố 50 khu dân cư số 12 Phường Hoàng Văn Thụ, vì hành vi chặt hạ cây xanh bừa bãi, vô tổ chức do nhóm người trên thực hiện.

Dẫn lời bà Phương và đại diện Ban Công tác Mặt trận khu dân cư cho biết, “Tổ dân phố không biết chủ trương này của UBND Phường Hoàng Văn Thụ, nếu có Tổ dân phố phải được biết để phối hợp thực hiện. Việc chặt hạ cây xanh lâu năm phải tổ chức bài bản, chuyên nghiệp chứ ai làm như “lâm tặc” thế này, rất nguy hiểm”.
Theo bà Phương, gia đình bà không hề nhận được thông báo thời điểm chặt cây, đơn vị chặt cây, phương án chặt cây của UBND Phường Hoàng Văn Thụ mà chỉ nhận được một văn bản vô cùng bí ẩn từ bà tổ Trưởng tổ dân phố vào tối ngày 23/12/ 2017, về việc: “đề nghị các cơ quan, đơn vị và hộ dân thuộc tổ 50 khu dân cư số 12 không để chậu cây cảnh, đồ vật và phương tiện cá nhân trên vỉa hè các tuyến đường trong khu dân cư của UBND phường Hoàng Văn Thụ do ông Trần Văn Riễm – Phó Chủ tịch UBND Phường Hoàng Văn Thụ ký”.

Lúc này, gia đình bà Phương có hỏi han mọi người trong xóm thì được biết, không ai nhận được văn bản gì. “Tôi gọi điện hỏi bà Tổ trưởng, bà ấy nói không biết thời gian nào Phường xuống thu dọn. Sau đó, tôi liên hệ với cảnh sát khu vực vào sáng ngày 24/12/2017 hỏi về chủ trương này, đồng thời xin xác nhận xem số cây xanh xung quanh nhà cây nào thuộc diện dọn dẹp. Vậy mà hai cây gỗ quý vẫn bị chặt không thương tiếc” - bà Phương thuật lại diễn biến vụ việc.

Một nhóm người tự xưng cán bộ của UBND Phường Hoàng Văn Thụ đến xin lỗi người dân nhưng không được chấp nhận.

Gia đình bà Phương đã có đơn thư đề nghị các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội, quận Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ khẩn trương vào cuộc, làm rõ đúng sai, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tuy nhiên, đến nay, vẫn bặt vô âm tín.

Thực hiện theo kế hoạch hay lâm tặc về phố?

Theo một số tài liệu phóng viên thu thập được, ngày 22/12/2017, Phó Chủ tịch UBND Phường Hoàng Văn Thụ Trần Văn Riễm ký ban hành Thông báo số 1187/TB-UBND đề nghị các cơ quan, đơn vị và hộ dân thuộc số tổ 50 khu dân cư số 12 không để chậu cây cảnh, đồ vật, phương tiện cá nhân trên vỉa hè các tuyến đường trong khu dân cư, đồng thời di chuyển trước ngày 24/12/2017.

Tại sao chỉ bằng một văn bản sơ sài không có thời gian, địa điểm cụ thể, rõ ràng, thậm chí không cần lập biên bản, không có các biện pháp bảo vệ an toàn, vậy mà chính quyền Phường Hoàng Văn Thụ lại ngang nhiên tổ chức, huy động lực lượng, đến nhà người dân để triệt hạ số cây xanh nhanh nhất có thể? Có thực sự đây là chủ trương của Thành phố, quận Hoàng Mai, Phường Hoàng Văn Thụ, hay là của một số cá nhân lấy danh nghĩa chính quyền chặt phá nhằm phục vụ động cơ, mục đích nào khác?

Thông báo số 1187/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Trần Văn Riễm ký ban hành bị nghi ngờ chủ yếu nhắm vào gia đình bà Nguyễn Thị Thục Phương – số nhà 2 ngõ 319 đường Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội.

Trả lời báo chí, ông Ngô Sĩ Quý - Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho rằng, theo ý kiến phản ánh của nhân dân tổ 50 khu dân cư số 12 Phường Hoàng Văn Thụ về việc một số chậu cảnh, cây xanh trồng trên vỉa hè. Tổ Đô thị Phường đã tiến hành kiểm tra các tại tổ 50 và phát hiện ngách 319 và một số ngõ ngách khác thuộc tổ 50  có một số cây xanh do người dân tự trồng và một số chậu cây cảnh để trên vỉa hè (vỉa hè rộng 60cm). Cây mọc lên đã lấn chiếm toàn bộ hành lang vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

“Do vậy, Tổ công tác đã tham mưu cho UBND phường ban hành Thông báo số 1187/TB-UBND ngày 22/12/2017 đề nghị các cơ quan, đơn vị tự giải tỏa các cây xanh và chậu cây cảnh, đồ vật phương tiện cá nhân trên vỉa hè các tuyến đồng trong khu dân cư trước ngày 24/12/2017. Ngày 26/12/2017, UBND phường đã tổ chức ra quân thực hiện văn minh đô thị theo kế hoạch. Tại ngõ 319 phố Tam Trinh vẫn còn một số cây cảnh, cây xanh chưa di chuyển nên lực lượng chức năng đã thực hiện giải tỏa để đảm bảo vệ sinh môi trường, chống lấn chiếm vỉa hè lòng đường theo quy định” ­– Ông Quý cho biết.

Vậy, những lời ông Phạm Sỹ Quý - Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ thông tin có phải hoàn toàn là sự thật, đứng về phía người dân và lẽ phải?

Ngay sau khi câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Tùng Phương được lan truyền thì đã có nhiều ý kiến chia sẻ, ủng hộ với bà Phương và lên tiếng bức xúc, ngao ngán trước cách hành xử của chính quyền Phường Hoàng Văn Thụ.

Bạn đọc Quang Toàn cho biết: Phường làm thế có đúng quy trình? Tại sao không công khai minh bạch việc chặt hạ cây xanh mà lại rình lúc chủ nhà đi vắng để chặt như “lâm tặc”? Cây lâu năm mà chặt thế, đúng là lãng phí.

Bạn đọc Kim Ngọc không giấu nổi sự lo lắng cho những người tham gia chặt hạ cây xanh,“Nhìn sợ thế, nhỡ bị điện giật, chết ngay tại chỗ thì sao!!! Đúng là kinh quá, không có nổi một chút an toàn cho tính mạng. Chưa kể là trèo vào như chỗ không người”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng, “Ở khu dân cư yên bình như thế này, các cây xanh đại đa số do người dân có ý thức tự trồng tự chăm sóc, cắt tỉa bảo vệ… Cái đường ngách với “vỉa hè” bé tí chả đủ cho người đi bộ kia thì cái cây chẳng ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông với cả mỹ quan đô thị.. chỉ có đẹp hơn, lũ trẻ con chiều, tối nào chả chạy nhảy ở đây”.

Cho rằng phải xử lý nghiêm minh nếu xảy ra hành vi phá hoại, bạn Trịnh Minh Hà đề nghị,“Cây không chết, không nguy hiểm, không nặng tán, không cành vươn cành xoà, thì việc cắt tỉa còn phải cân nhắc chứ đừng nói là chặt hạ. Hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đang rất quan tâm vấn đề cây xanh. Chị Tùng Phương cứ làm đơn gửi các cơ quan chức năng nếu như thấy có dấu hiệu của việc phá hoại cây xanh”.

Việc trồng cây xanh để cải thiện môi trường và làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp của Thủ đô là chủ trương từ nhiều năm nay của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội vận động toàn dân, các doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng tích cực. Đồng thời, với mục tiêu đến năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo “Đối với Hà Nội, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương trong triệu cây xanh theo kế hoạch, phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh từ 7-8m2 hiện nay lên 9-10m2/người trong những năm tới, nhằm mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô xanh”.

Phải chăng, chính quyền Phường Hoàng Văn Thụ đang đi ngược lại với tinh thần đó của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ việc này.

Dù chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư, một số cá nhân đã tiến hành cưa cắt, đốn hạ cây xanh do gia đình bà Nguyễn Thị Tùng Phương vun trồng, khiến người dân mất niềm tin vào cách ứng xử của chính quyền, có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc Quy chế dân chủ ở cơ sở. Có lẽ đẩy vụ việc đến cao trào, đơn thư khiếu kiện như hiện nay cũng một phần là do UBND Phường Hoàng Văn Thụ áp dụng các mệnh lệnh hành chính một cách khô khan, cứng nhắc. Thay vì, có sự tham gia, kết hợp của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở để tuyền truyền, vận động, thuyết phục, bàn bạc, đả thông tư tưởng, phân tích điều hay lẽ phải, cái được cái mất cho người dân nghe thì UBND Phường Hoàng Văn Thụ lại chọn cách chặt hạ cây xanh không thương tiếc, gây bất bình dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự tại địa phương.

Qua vụ việc này, đã đến lúc, UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ việc chặt hạ cây xanh nêu trên có đúng quy định của pháp luật hay không hay do tư thù cá nhân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Tùng Phương.

Phan Anh Tuấn/Tapchimattran.vn

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top