Trong nhiều năm qua, các hộ cá thể và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải nhiều phen lao đao vì một số quy định hạn chế thời gian hoạt động của các loại xe ô tô vận tải được phép lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhiều ý kiến đề nghị UBND Hà Nội sửa đổi và bãi bỏ những điều khoản bất hợp lý, lỗi thời trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND.
Câu hỏi đặt ra, vậy tại sao một văn bản tạo ra “rào cản”, “kìm hãm” sự phát triển, gây tác hại lâu dài cho nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể và cả người dân đã kéo dài rất nhiều năm, nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn không thực hiện điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.
Theo đó, tại Điều 5 Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội quy định thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế là cấm hoạt động trong giờ cao điểm đối với các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn; còn các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng trên 1,25 tấn đều bị cấm tiệt vào ban ngày và chỉ được phép lưu hành từ 21h đến 6h sáng hôm sau, kèm theo điều kiện phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.
Bị “kìm kẹp” bởi quyết định gây tranh cãi, cánh tài xế lái xe tải buộc phải tìm mọi cách lách luật, hoạt động “trá hình”, gắn mác xe thư báo, xe cứu hộ để được lưu thông trên các tuyến phố hạn chế phương tiện giao thông vào khung giờ cấm. Sau khi tình trạng được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đã dấy lên nhiều luồng ý kiến phản đối, không đồng tình về tính hợp lý đối với các quy tắc do UBND thành phố Hà Nội ban hành.
Trên thực tế, hoạt động vận tải bằng loại xe tải trong nội đô Hà Nội từ sau năm 2013 (sau khi Quyết định 06 ra đời) đến nay tồn tại rất nhiều điểm bất cập và phi thực tế. Bởi lẽ, rất ít xe tải có gắn thùng, đang lưu hành tại Việt Nam mà có trọng lượng toàn bộ cả xe và hàng nhỏ hơn 1,25 tấn như Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 06 đã quy định. Nói cách khác, bằng câu chữ “trọng lượng”, đã tạo ra một biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa xe tải chạy vào thành phố Hà Nội từ 6h00 sáng đến 21h00 đêm.
Cũng cần nói thêm, do thói quen kinh doanh và sinh hoạt, người dân Thủ đô thường không phát sinh nhu cầu vận chuyển nhỏ lẻ vào ban đêm, các doanh nghiệp, cửa hàng trong nội đô cũng không kinh doanh ban đêm, không có hệ thống logistics hoạt động ban đêm với hệ thống kho bãi, nhân viên..., nên gần như 100% các loại xe nhỏ từ 0,5 - 1,25 tấn hiện nay đều lách luật, lách sự vô lý quy định tại Điều 5 Quyết định 06/2013/QĐ-UBND bằng rất nhiều cách, kể cả các biện pháp tiêu cực, để hoạt động được vào ban ngày, chí ít cũng hoạt động được vào khung giờ giống như quy định hiện tại của TP. HCM, một thành phố có mật độ giao thông dầy đặc, tần suất tắc nghẽn giao thông gấp nhiều lần Hà Nội mà vẫn chỉ cấm xe tải trọng từ 0,5 - 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 8h00, chiều từ 16h30 - 19h30, cũng giống như quy định của Hà Nội trước khi Quyết định 06 ra đời.
Ngoài ra, việc không tách bạch, quy định cụ thể trọng lượng của các loại xe tải dẫn đến tình trạng đánh đồng là cứ xe tải có trọng lượng trên 1,25 tấn đều bị gộp chung với loại xe siêu trường, siêu trọng, chỉ được hoạt động từ 21h00 đến 6h00 sáng hôm sau, nhưng lại phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền tạo thành một quy định rất vô lý, “đẻ thêm” giấy phép con “trói buộc” doanh nghiệp, cá nhân có xe tải nhẹ phải đi xin xỏ, lạy lục để được cấp phép đi vào nội thành, từ 21h00 - 06h00.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải, việc thực hiện Điều 5 Quyết định 06 quy định như bấy lâu nay đã “gây khó” cho hoạt động doanh nghiệp của họ, phát sinh hệ lụy không đáng có, gây nên thực trạng vô cùng khó khăn cho các doanh nghiệp sử dụng loại xe có trọng tải nhỏ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác lưu thông hàng hoá (vì nếu cấm hoạt động toàn bộ các xe có trọng tải nhỏ vào ban ngày thì thị trường Hà Nội sẽ lưu thông hàng hoá bằng phương tiện nào? Chẳng lẽ thành phố Hà Nội, thay vì cần có quy định khung giờ hoạt động phù hợp với trọng tải từng loại xe, lại đi cấm hoàn toàn, phải chăng để khuyến khích các loại xe lam, xe ba bánh tự chế có dịp được phát triển?). Cũng như, việc quy định gộp loại xe trên 1,25 tấn chung với các loại xe siêu trường, siêu trọng và quy định phải có giấy phép ngắn hạn của từng xe (thường chỉ cấp từ 1-2 tháng cho từng biển số xe), mới được hoạt động từ 21h00 đến 6h00 sáng hôm sau là cực kỳ bất hợp lý, gây phiền hà, khó khăn và là một quy định đi ngược lợi ích doanh nghiệp!
Tài xế Nguyễn Huy Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) trần tình, xe tải nhỏ rất tiện dụng cho dịch vụ chuyên chở ở đô thị, tính cơ động cao, có thể vào được một số ngõ, đường nhỏ mà xe tải lớn không vào được, lại không làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Nhưng với “lệnh cấm” của Hà Nội, tài xế chúng tôi không tài nào cạnh tranh nổi với xe ba gác tự chế. Để chở chiếc một chiếc tivi, tủ lạnh, bàn ghế, giường tủ thì người dân không thể đợi đến đêm được. Cuối cùng, xe ba gác vẫn giành lấy khách hàng. Như vậy, dù đã gây ra bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm, chết người, nhưng loại xe này vẫn phát triển rầm rộ.
Anh Lê Quang Thiệp, một tài xế khác cho biết, UBND thành phố Hà Nội cấm mọi loại xe tải vào giờ cao điểm thì chúng tôi buộc phải chấp hành. Nhưng ngoài khung giờ cấm thì phải cho xe tải nhỏ hoạt động như bình thường chứ. Với quy định theo kiểu câu chữ như hiện nay, thời gian hoạt động của những tài xế lái xe tải là rất ngắn, khách hàng cũng không có nhu cầu vận chuyển vào ban đêm, ảnh hưởng nhiều đến cơm áo, gạo tiền của những người lao động như chúng tôi.
Nói về việc hạn chế xe tải lưu thông theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND, ông Trần Đình Khánh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, không nên cấm xe tải có tải trọng 0,5-1,25 tấn vào khu vực nội đô. Đến khi có công, có việc thì không tìm đâu ra xe tải để chuyên chở được. Tôi không thể giao phó tài sản của mình cho những chiếc xe ba gác tự chế được. Xe tải nhẹ không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tắc đường. Chuyện tắc đường tại Hà Nội là do rất nhiều yếu tố, đổ lỗi hết cho xe tải nhẹ mà dân không có phương tiện chuyên chở thì không đúng.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Hà Nội cũng chia sẻ, tắc đường, kẹt xe xuất phát nhiều nguyên nhân, ý thức tham gia giao thông chưa tốt, lượng xe máy quá lớn…, chứ sao xe tải nhỏ phải gánh trách nhiệm này. Trong điều kiện đô thị hiện nay, việc cấm xe tải nhỏ là hoàn toàn không cần thiết. Nếu cấm xe tải nhẹ lưu thông vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp và cho cả người dân, đặc biệt là dân cư ở trong các ngõ nhỏ. Lợi ích của cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp phải được coi trọng hàng đầu, nên các cơ quan chức năng cần cân nhắc gỡ bỏ hoặc điều chỉnh Điều 5 Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND.
Theo Điều 5, Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND, ban hành Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội: 1. Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm. 2. Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công:: Chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy tất cả các xe tải đều là phương tiện bị điều chỉnh bởi quy định này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhỏ đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét quyết định: 1. Sửa đổi và bãi bỏ những điều khoản bất hợp lý, lỗi thời trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, những điều khoản gây khó khăn, trói buộc doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế thủ đô và làm phát sinh những tiêu cực trong quan hệ xin – cho, làm xấu đi môi trường kinh doanh tại thủ đô. 2. Cho phép các xe có tải trọng nhỏ nhất từ 0,5 tấn đến dưới 1,25 tấn được phép hoạt động vào ban ngày, trừ các khung giờ cao điểm sáng từ 6h00-8h30, chiều từ 16h30-19h30 như Hà Nội đã thực hiện trước đây và TP. HCM hiện đang áp dụng. 3. Bãi bỏ quy định tại điều 5 Quyết định 06, quy định các xe có trọng tải nhỏ từ 0,5 tấn đến dưới 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào ban đêm từ 21h00 đến 6h00 sáng mà phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. |
Theo Phan Anh Tuấn/tapchimattran.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.