Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 2 năm 2020 | 23:17

Hà Nội: Cần xử lý nghiêm tình trạng xây dựng nhà trên đất nông nghiệp

Hàng loạt công trình xây dựng nhà kiên cố được người dân tự ý tổ chức thi công nhiều tầng trái phép trên đất nông nghiệp. Điển hình, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Chính quyền địa phương liệu có “nhắm mắt làm ngơ” để cho sai phạm tồn tại.

Đơn cử như hàng loạt nhà xưởng mọc trái phép có địa chỉ tại ngõ 7, đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm xảy ra tình trạng hàng nghìn mét đất dự án, đất nông nghiệp bị san lấp bằng rác thải xây dựng rồi sau đó được một số hộ kinh doanh dựng nhà xưởng để hoạt động.
 
md.jpg
Hàng loạt nhà xưởng mọc trái phép có địa chỉ tại ngõ 7, đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm
Người dân bức xúc nói: “Cứ tối đến là từng đoàn xe ầm ầm chở rác thải xây dựng đổ vào đây, rồi nhà xưởng mọc lên. Họ hoạt động cả ngày, tạo khói bui gây ô nhiễm môi trường. Nghe nói là có ông nào là quan chức đứng sau nên họ chẳng sợ gì hết. Người dân cũng đã có kiến nghị nhưng đâu vẫn vào đấy”.
md1.jpg

 

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố, tuy nhiên, UBND phường Mỹ Đình 2 dường như có dấu hiệu buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm xây dựng nói trên.
 
Ồ ạt xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?
 
Cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, địa bàn phường Phú Đô cũng đang diễn ra tình trạng hàng loạt các hộ dân tự ý xây dựng, cải tạo nhà khu đất được cho là đất nông nghiệp. Điển hình, tại mặt đường Lê Quang Đạo (mặt đường đang xây dựng đường đua F1) người dân xây dựng rất nhiều, thậm chí xây rất nhiều tầng và đặc biệt là có nhà đua khoảng không tới hơn 1 mét. Với một đoạn chưa đầy 1km nhưng có đến hàng chục nhà đã đang đang ô ạt xây dựng trái phép như trên.
 
tl1.jpg
Một số công trình đã và đang xây dựng trên đất được cho là đất nông nghiệp
Một người dân cho biết: “Tôi ở đây nhiều năm rồi nhưng theo tôi biết thì tất cả đất ở đây đều không có sổ đỏ và dường như đều là đất nông nghiệp, ấy vậy mà họ cứ xây dựng ầm ầm. Khi thấy các cơ quan báo chí đến ghi hình thì họ như gấp rút xây cả ngày lẫn đêm. Xây là như vậy nhưng tôi không hề thấy bất cứ cán bộ phường nào xuống kiểm tra nhắc nhở cả, chắc là xuất hiện lợi ích nhóm trong việc trên”.
 
Mặc dù tình trạng trên diễn ra nhiều tháng nay nhưng khi được hỏi đến thì lãnh đạo UBND phường Phú Đô trả lời: “để kiểm tra”.
 
tl2.jpg

 

Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Chỉ thị này yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
 
Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
 
"Xẻ thịt" đất ruộng, ồ ạt chở bán cho lò gạch
 
Trên một số cánh đồng TX Điện Bàn (Quảng Nam) xuất hiện tình trạng người "xẻ thịt" đất ruộng bán kiếm lời.
 
Bất chấp quy định cấm, trên một số cánh đồng thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), người dân vô tư “xẻ thịt” đất ruộng, ồ ạt chở bán cho chủ lò gạch, cơ sở sản xuất bên ngoài.
 
Tại khu vực Điện Hồng (thị xã Điện Bàn), cảnh khai thác, vận chuyển đất từ đồng ruộng thôn Cẩm Vân Nam diễn ra tấp nập. Điều lạ, ngay giữa vụ mùa, trên các thửa ruộng lúa đang lên non xanh mơn mởn, thì tại khu vực phía cuối cánh đồng này, 2 máy múc đất đang hoạt động hết công suất, xúc sâu xuống mặt ruộng, nhộn nhịp chuyển đất lên đoàn xe tải nối đuôi nhau.
 
Lần lượt các xe tải 2 trục có biển kiểm soát (BKS) 92K - 6756; 43C - 214.60; 92H - 2090; 92C - 148.30... cơi nới thành thùng chở đất “có ngọn” từ 2 chiếc máy múc, sau đó nối đuôi nhau chạy trên con đường bê tông ruộng đồng nhỏ hẹp ra đường tỉnh 605.
 
Người dân cho hay, việc khai thác đất ruộng tập trung từ khoảng đầu tháng 2, hoạt động tấp nập như công trường. Tuyến đường bê tông nông thôn tại đây oằn mình gánh cả trăm lượt xe tải ra vào mỗi ngày. “Những năm trước, việc cải tạo ruộng đồng chủ yếu ở mùa hè, khi chuẩn bị vào vụ mới. Nay đang trồng cấy mà họ vẫn cải tạo”, bà L. cho hay.
 
Với cách khai thác trên, nhiều mảnh ruộng khu vực cuối cánh đồng thôn Đồng Đức (xã Điện Thọ) cũng đang bị “xẻ thịt” hàng ngày. Đáng nói, các thửa ruộng này nằm ngay sát mé sông được kè chắn bằng hàng tre xanh nhưng vẫn bị các đối tượng khai thác múc sâu xuống chừng 0,5 - 1m. Nhiều vị trí múc sâu hơn 1m ngay chân gốc tre, khiến người dân lo ngại về việc sạt lở, đất chưa kịp “cải tạo” đã bị cuốn trôi, mất ruộng canh tác.
 
qn.jpg
Dưới danh nghĩa cải tạo đồng ruộng, người dân khai thác đất bán cho lò gạch
Chưa đầy tiếng đồng hồ tại đồng ruộng thôn Cẩm Vân Nam, gần 20 lượt xe tải thi nhau ra vào vận chuyển đất. Từng đoàn xe tải cơi nới thành thùng, chở đầy đất ruộng màu mỡ bám theo hệ thống đường bê tông nội đồng, chạy về đường tỉnh 605, rẽ vào các tuyến đường đồi, rừng tràm ngoằn ngoèo để tiến vào một bãi đất tập kết của cơ sở lò gạch T&D Thành Đạt (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn). Tại đây, đất ruộng đổ cao chất đống như quả đồi.
 
Tại bãi đất tập kết, có một phụ nữ trạc gần 50 tuổi, đứng ghi từng biển số xe trên tờ phiếu có đóng dấu đỏ của Công ty TNHH T&D Thành Đạt. Chị này cho biết, mình tên Hoa và chỉ có nhiệm vụ ghi biển số xe, lượt xe, còn khối lượng từng chuyến đã được người của công ty kiểm tra trước.
 
“Có xe có tiền, mỗi xe chừng 4 - 5m3 đất, giá giao động từ 100 - 120.000 đồng/m3 đất tùy loại”, chị nói và hướng dẫn, nếu muốn đổ đất thì liên hệ với ông Tâm (tức Trần Văn Tâm - Giám đốc Công ty TNHH T&D Thành Đạt) để làm việc cụ thể. Theo chị Hoa, người đang đổ đất “là đoàn xe của ông Lực, họ chạy rầm rộ nhiều ngày nay”.
 
Nhẩm tính, mỗi xe chở chừng 500.000 đồng tiền đất, với số lượng lên đến cả trăm lượt xe mỗi ngày, tính ra đất ruộng đang bị “xẻ thịt” và bán trái phép với số tiền vài chục triệu đồng/ngày.
 
Liên hệ qua điện thoại và được ông Tâm cho biết: “Cần đi xem đất thực tế, chất lượng thế nào có giá chừng đó”.
 
Trao đổi với ông Phạm Lực (hộ dân khai thác đất) xác nhận, đang khai thác đất ruộng tại thôn Cẩm Vân Nam. Theo ông Lực, trước đây xã và thị xã có chủ trương cải tạo đồng ruộng, thôn cũng đã họp và người dân thống nhất việc cải tạo, chừng 2ha.
 
đất-ruộng-ở-thôn-cẩm-vân-nam-được-đưa-về-tập-kết-ở-bãi-vật-liệu-của-công-ty-tnhh-td-thành-đạt.jpg
Đất ruộng ở thôn Cẩm Vân Nam được đưa về tập kết ở bãi vật liệu của Công ty TNHH T&D Thành Đạt
“Khi có chủ trương, mình đề nghị bà con nông dân dừng trồng trọt để cải tạo. Trong thời gian người dân dừng canh tác thì mình hỗ trợ chi phí hoa màu, sau khi cải tạo xong thì mình tiếp tục hỗ trợ phân bón cho bà con. Ngoài ra, nếu trong quá trình chở đất có hư hỏng đường nội đồng thì mình phải sửa chữa luôn”, ông Lực nói.
 
Khi PV hỏi giấy phép cải tạo, ông Lực viện lý do: Đây là khu vực đất thừa, lại có giấy phép cải tạo cũ, nay ông chỉ “làm thêm”.
 
Còn ông Trần Văn Tâm - Giám đốc Công ty TNHH T&D Thành Đạt (bên mua đất) cho biết, trước đó có chủ trương ở xã, thị xã cho phép cải tạo, nên người dân chở một số đất mẫu đi xem thử. Các xe dùng để chở đất này cũng là của bên bán chở đến. “Thấy anh em khó khăn nên mua giúp thôi chứ mình đâu thiếu nguồn mà phải lấy đất này. Số đất còn lại ở bãi tập kết là từ mấy năm trước còn lại”, ông Tâm cho biết.
 
 
 
Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top