Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 14:6

Hà Nội: Công ty Đại Hưng khai thác khoáng sản trái phép?

Người dân xã Trung Mầu (Gia Lâm - Hà Nội) phản ánh đến cơ quan báo chí về những dấu hiệu tài nguyên đất đang bị Công ty CP Thương mại sản xuất Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) khai thác trái phép để đưa vào sản xuất gạch xây dựng.

t24.jpg
Hoạt động khai thác đất trái phép vẫn diễn ra dù phóng viên đã thông tin về vụ việc đến chính quyền xã Trung Mầu và cơ quan chức năng huyện Gia Lâm. Ảnh: Nguyễn Khuê.

 

Lợi dụng địa hình để khai thác đất

Người dân phản ánh, khu vực Nền Lò, xã Trung Mầu được UBND huyện Gia Lâm cho ông Trần Quyết Chiến thuê đất có thời hạn, với mục đích cải tạo ao, hồ. Tuy nhiên, Công ty Đại Hưng đã dựng lên những lò gạch và tự ý khai thác đất tại đây để sản xuất gạch.

Để có thể tiếp cận khu vực sản xuất gạch của Công ty Đại Hưng, phóng viên gặp không ít khó khăn bởi khu vực này được bảo vệ  nghiêm ngặt, canh chừng người lạ ra vào, ngoài chủ xe chuyên cung cấp nguyên liệu sản xuất hoặc lấy gạch.

Theo ghi nhận tại hiện trường, hoạt động khai thác đất dường như được chủ lò cho hoạt động xuyên đêm, những chiếc xe tải, máy múc… hoạt động không chút ngơi nghỉ. Đáng chú ý, khu vực khai thác đất bị che khuất tầm nhìn bởi những vườn chuối xanh tốt bạt ngàn, đã qua mắt được cơ quan chức năng và người dân.

Được biết, sau khi lấy đất thịt để sản xuất gạch, Công ty Đại Hưng mua đất thải từ bên ngoài để đưa vào san lấp những vị trí khai thác trước đó. Người dân cho hay, đất mua bên ngoài chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số đất nguyên liệu dùng để sản xuất gạch. Chỉ cần quan sát kỹ một chút, anh (phóng viên) có thể thấy họ đang múc đất nền lên để đưa vào lò sản xuất. Một thời gian sau, tại vị trí đất đang múc ấy sẽ được san lấp bằng đất thải hoặc gạch vỡ…

“Có vị trí đất nền sau khi bị “thay ruột” sẽ được che mắt bằng những vườn chuối. Nhưng chỉ cần dùng máy múc đào lớp đất mặt ở vườn chuối kia lên thì sẽ thấy mọi việc. Bên dưới những gốc chuối sâu cả mét kia là những tảng gạch vụn vỡ và đất thải thay cho lớp đất màu mỡ đã bị rút ruột”, một người dân cho biết.

Chính quyền ngó lơ?

Để rộng đường dư luận, phóng viên nhiều lần liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo UBND xã Trung Mầu, phản ánh về những dấu hiệu khai thác tài nguyên đất trái phép của Công ty Đại Hưng nhưng không thể liên hệ được.

Việc đóng góp ý kiến của báo chí với chính quyền sở tại dường như bế tắc khi nhận được phản hồi ít ỏi từ ông Trần Quyết Chiến, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường huyện Gia Lâm: “Chưa hay biết và khó phát hiện!”.

Ông Chiến cho rằng, hình ảnh máy múc đất “là lấy phế thải đổ đi chứ không phải múc đất làm gạch” (?!).

Được biết, Nền Lò vốn là khu đất canh tác màu mỡ, vậy mà ông Trần Quyết Chiến lại cho là “phế thải”. Vậy bao nhiêu khối đất “phế thải”  đó được lấy và đổ đi đâu? Trước thắc mắc này của phóng viên, ông Trần Quyết Chiến chưa giải thích được!

Ông Chiến cũng phủ nhận việc dùng đất tại chỗ làm nguyên liệu sản xuất gạch. “Toàn bộ đất sản xuất gạch được mua từ đất đào móng của các công trình ở TP.Hà Nội”, ông Chiến nói.

Có thể thấy, chính quyền xã Trung Mầu và cơ quan liên quan có dấu hiệu “buông lỏng quản lý” dẫn đến tình trạng hoạt động đào đất tại chỗ để phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch của Công ty Đại Hưng.

Phải chăng, việc Công ty Đại Hưng khai thác đất để làm gạch và đổ phế thải được vận chuyển từ nơi khác về, lại chỉ có người dân biết, phát hiện, còn các cơ quan chức năng của huyện Gia Lâm  “không hay biết”? Có hay không “bàn tay” của Công ty Đại Hưng có thể che khuất pháp lý?

Thiết nghĩ, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội (PC05), Chi cục Thuế huyện Gia Lâm và các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ.

 

Nghị định 36/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản

Điều 47. Vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10m3;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10m3 đến dưới 20m3;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20m3 đến dưới 30m3;

d) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30m3 đến dưới 40m3;

đ) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40m3 đến dưới 50m3;

e) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50m3 trở lên.

 

Tạp chí kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top