Nếu như trước đây, vi phạm trật tự xây dựng luôn là vấn đề “nóng” nhất của đô thị Hà Nội, thì hiện nay đang dần được kiềm chế.
Số liệu của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng giảm nhiều so với các năm trước.
Chuyển biến, là cảm nhận chung của nhiều người dân Hà Nội khi nói về tình hình vi phạm trật tự trên địa bàn thành phố. Nếu như trước đây, tình trạng xây nhà không phép, sai phép, xây nhà trên đất nông nghiệp xảy ra ở hầu khắp các quận, huyện mà nguyên nhân là do buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, ban ngành liên quan, nay đang dần được chấn chỉnh.
Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết: "Những năm trước đây vẫn có những trường hợp không xin phép vẫn khởi công xây dựng, vì họ cho rằng đất có sổ đỏ. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp xây dựng sai phép. Tuy nhiên, hiện nay, các tình trạng này cơ bản chấm dứt."
Tòa cao ốc 8B Lê Trực (Hà Nội) gây nhiều tranh cãi nằm sát khu trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình. Ảnh: VOV
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra trên 10.000 công trình, phát hiện, xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 74 trường hợp xây dựng không phép, 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, thiết kế.
Các quận, huyện, xã phường cũng đã xử lý dứt điểm 276 trường hợp vi phạm, trong đó, cưỡng chế phá dỡ 48 trường hợp.
Cùng với với việc kiểm tra xử lý của các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Thanh tra Sở Xây đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, 92 cuộc kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách.
Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành 138 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện đã giúp công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có những chuyển biến. 100% công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát. So với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ công trình có vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm 3%.
"Việc quản lý của chính quyền địa phương như quận huyện, xã đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản lý trật tự xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã phối hợp tốt với các Đội để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Đội xử lý các trường hợp phức tạp", ông Nguyễn Việt Dũng nói.
Quảng Nam: Kết luận thanh tra việc thực hiện các dự án của Công ty CP Bách Đạt An
Theo thanh tra Quảng Nam, Công ty CP Bách Đạt An được giao làm chủ đầu tư đến 16 dự án trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Trong đó, đa phần là các khu đô thị để phân lô bán nền.
Tuy nhiên, công ty này chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ hồ sơ pháp lý về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Trong 14 dự án được thanh tra, chỉ có 5 dự án có quyết định thu hồi đất từng hộ gia đình, cá nhân của UBND thị xã Điện Bàn và quyết định thu hồi đất, giao đất chung của UBND tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt, chỉ có 3/14 dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có dự án nào cam kết bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, thanh tra tỉnh cũng chỉ ra rằng, Công ty Công ty CP Bách Đạt An chưa thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản theo luật xây dựng.
Cụ thể, trong 14 dự án đầu tư chỉ có 5 dự án có lập dự án đầu tư và bản vẽ thi công. Tất cả 14 dự án đều không có giấy phép xây dựng.
Qua kiểm tra thấy, hầu hết các dự án chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật.
Công ty CP Bách Đạt An chưa thực hiện đầy đủ và đúng trình tự, thủ tục các hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật về đầu tư dự án, đất đai, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tiến độ thực hiện dự án chậm, quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh nhiều lần, phần lớn các dự án chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500 được được phê duyệt...
“Tại các thời điểm Công ty CP Bách Đạt An kí hợp đồng huy động vốn tại các dự án Khu đô thị Bách Đạt, khu đô thị 7B mở rộng, khu đô thị Hera Complex Riverside với Công ty Hoàng Nhất Nam và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản GAIA, hồ sơ pháp lí của các dự án này chưa đầy đủ, chưa có cơ sở hạ tầng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chưa đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, các lô đất tại 3 dự án nêu trên đã được người mua chuyển nhượng nhiều lần trong thực tế, khi tiến độ của các dự án trên không đảm bảo như cam kết với người mua đã gây ra khiếu nại, kiến nghị, tụ tập đông người đến cơ quan nhà nước, tạo điểm nóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam", kết luận nêu rõ.
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Nam, đối với Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao về quản lí đất đai, bảo vệ môi trường đã đề cho Công ty CP Bách Đạt An triển khai thực hiện các dự án mà chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường.
Đối với Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao về quản lí đầu tư xây dựng đã để cho Công ty này xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Các cán bộ, công chức UBND thị xã Điện Bàn cũng phải kiểm điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao về quản lí đất đai đã để cho Công ty CP Bách Đạt An triển khai thực hiện các dự án mà chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất hiện Dự án "ma" đầy đủ “điện nước”?
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn có 192 dự án đất nông nghiệp phân lô bán nền. Trong đó có 62 dự án được UBND các huyện, thành phố chấp thuận chủ trương; còn lại các “dự án ma” phân lô bán nền khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lý giải tình trạng phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh diễn ra là do sự phát triển “nóng” của thị trường bất động sản làm nhu cầu giao dịch quyền sử dụng đất tăng đột biến.
Để đáp ứng nhu cầu giao dịch, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng Quy định 23 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp) để thực hiện, phân lô, tách thửa và làm đường giao thông trái phép, sau đó rao bán dưới hình thức “dự án”.
Ông Linh còn cho rằng một số chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai, quản lý xây dựng đã để xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp.
Cụ thể, tại TX.Phú Mỹ, cuối năm 2018 chỉ có 20 “dự án”, nhưng đến tháng 6.2019 đã lên đến 113 “dự án” phân lô bán nền trái phép, trong đó có nhiều “dự án ma” Alibaba.
“Ngoài ra, còn có sự hậu thuẫn của một số đơn vị đo đạc giúp hình thành các thửa đất nông nghiệp có hình dạng giao thông sau đó làm đường giao thông trái phép trên thửa đất này”, ông Linh nói thêm.Ông Linh nhận trách nhiệm thiếu kiểm tra, phối hợp với địa phương trong việc xử lý tình trạng phân lô, bán nền.
Các đại biểu cho rằng, chính quyền các địa phương đã thiếu vai trò, trách nhiệm trong việc xử lý các “dự án ma”.
“Các địa phương phát hiện nhiều dự án phân lô bán nền kéo dài, có dấu hiệu không đúng. Chính quyền địa phương mang cả biển ra chưng cảnh báo là “dự án ma” mà cả chính quyền không có một thái độ nào phản ứng, xử lý. Vậy vai trò của chính quyền ở đây là gì?”, một đại biểu phát biểu tại buổi chất vấn.
Ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc phân lô, bán nền bắt đầu trở thành vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm là từ tháng 6.2019 sau khi báo chí thông tin.
Ông Khoa bức xúc: “Các “dự án” này không “ma” chút nào cả, bởi lý do “ma” làm sao có đường, có cảnh quan, điện... “Ma” làm sao treo bảng bán được. Chỉ là do các cấp chính quyền phản ứng, xử lý các “dự án ma” rất chậm và thiếu tất cả các giải pháp”.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá việc thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, cơ quan nhà nước chính quyền các cấp đã để xảy ra việc phân lô, bán nền.
Rất tiếc là phát hiện chậm, xử lý chậm nên nhiều khu đất đã biến dạng và đã có hàng nghìn người mua những lô đất này của những nhà đầu tư phi pháp. Do đó đã để lại những hậu quả lớn.
Ông Lĩnh đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có sai phạm trong việc để xảy ra tình trạng phân lô bán nền.
Đắk Lắk: Đại dự án nuôi bò “xí" đất dân để xây dựng trái phép
Cả một khối công trình đồ sộ gồm khối nhà hành chính, khu vực nuôi nhốt gia súc nằm trên một diện tích hàng chục ha đất tại xã Ea Lai, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) lại xây dựng không phép. Đáng nói, dù được bàn giao đất đã hơn 10 năm nay nhưng chủ đầu tư không ký hợp đồng thuê đất; không lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cty Sao Đỏ chưa ký hợp đồng thuê đất nên toàn bộ diện tích đất mà đơn vị này xây dựng đều chưa có giấy phép xây dựng. Ảnh: HL- Laodong.vn
Ngày 17/7, Sở TNMT Đắk Lắk cho biết vừa có văn bản gửi Cty TNHH liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Cty Sao Đỏ) về việc hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và rà soát lại nhu cầu sử dụng đất tại Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt (xã Ea Lai, huyện M’Đrắk).
Sở TNMT yêu cầu Cty Sao Đỏ rà soát, có văn bản chính thức trả lại diện tích không triển khai dự án do chưa thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho địa phương quản lý; xác định diện tích theo từng loại đất của dự án đối với phần diện tích đất đã bồi thường để điều chỉnh diện tích thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất phi nông nghiệp.
Theo hồ sơ, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Cty Sao Đỏ thực hiện dự án chăn nuôi đại gia súc hướng thịt với diện tích thuê đất là 1.513ha tại xã Ea Lai. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2012 với quy mô nuôi 13.000 con bò; trồng ngô hạt, ngô non, đậu nành và các loại thức ăn cho bò; quản lý 71,5ha rừng, trồng 96,5ha rừng sản xuất tại xã Ea Lai.
Không chỉ xây dựng trái phép, nhiều diện tích đất của người dân được thu hồi để thực hiện dự án nhưng đến nay chưa trả tiền đền bù. Ảnh: HL- Laodong.vn
Chủ đầu tư cam kết sẽ đổ vào dự án số tiền gần 224 tỉ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Đổi lại, tỉnh Đắk Lắk ưu đãi thuế nhập khẩu, miễn tiền thuê đất 15 năm đối với diện tích chăn nuôi, 11 năm diện tích quản lý bảo vệ rừng…
Lý ra, ngay khi được Đắk Lắk giao đất thực hiện dự án, Cty Sao Đỏ phải ký hợp đồng thuê đất, lập quy hoạch chi tiết xây dựng làm cơ sở triển khai đầu tư dự án; lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thế nhưng sau gần 10 năm triển khai dự án, chủ đầu tư không chấp hành mà để xảy ra hàng loạt sai phạm, trái với chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Đắk Lắk đối với dự án của Cty Sao Đỏ vào tháng 8/2018 nêu rõ, tại thời điểm thanh tra, nhà đầu tư chỉ quản lý thực tế khoảng 450ha/1.000 ha đất đã nhận bàn giao (Đắk Lắk giao 1.513ha nhưng Cty Sao Đỏ chỉ nhận 1.000ha bàn giao chi tiết các thửa đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng ngoài thực địa- PV).
Đến thời điểm UBND tỉnh Đắk Lắk thanh tra (tháng 8/2018-PV), Cty Sao Đỏ chưa ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích đã nhận bàn giao, sử dụng; không lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần đất xây dựng các công trình theo quy định…
Về việc cấp phép xây dựng dự án của Cty Sao Đỏ, một lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, theo quy định, đơn vị chỉ phê duyệt quy hoạch khu vực sẽ xây dựng khu trung tâm hành chính của dự án. Việc cấp giấy phép sau đó là của UBND huyện M'Đrắk.
"Khu hành chính của dự án muốn được cấp phép phải thì chủ đầu tư cần ký hợp đồng thuê đất. Tuy vậy, đến giờ chủ đầu tư chưa có hợp đồng thuê đất" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin.
Trên thực tế, hiện tại Cty Sao Đỏ cũng chỉ mới quản lý, sử dụng được 450ha và đầu tư 125 tỉ đồng vốn cho dự án. Quy mô dự án là 13.000 con bò nhưng chỉ chăn nuôi được… 3.000 con bò. UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá dự án của Cty Sao Đỏ chưa đạt hiệu quả về kinh tế, chưa đóng góp nhiều về tăng thu ngân sách địa phương…
Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.
The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Bộ Chính trị yêu cầu cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.