Hơn hai trăm nghìn m2 đất được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Việt Hà (Cụm Công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) quản lý, sử dụng ngang nhiên bị “xẻ thịt”, biến thành hàng chục khu nhà xưởng để cho thuê, sử dụng đất không đúng mục đích.
Văn phòng Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Việt Hà tại Cụm Công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Việt Hà tiền thân là Công ty Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - có địa chỉ tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay là Cụm Công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Trước đây là công ty trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có 100% vốn quản lý nhà nước. Năm 2006, Công ty tiến hành cổ phần hóa và được giao cho Công ty TNHH MTV Việt Hà quản lý theo mô hình công ty mẹ con. Theo đó, Công ty Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội được đổi tên là Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Việt Hà (Việt Hà Nông nghiệp) và Công ty TNHH MTV Việt Hà hiện nay (Việt Hà Bia).
Với mục đích ban đầu được nhà nước giao đất để phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm; thế nhưng ở thời điểm hiện tại, hàng trăm nghìn m2 đất đã được ban lãnh đạo Việt Hà Nông nghiệp “ngang nhiên” biến thành đất nhà máy, nhà xưởng và đất cho thuê có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích, trái thẩm quyền.
Một khu nhà xưởng được sử dụng làm kho đá gây bụi bặm và tạo tiếng ồn rất lớn.
Lần theo phản ánh của người dân, mục sở thị hiện trường cho thấy có hàng chục khu nhà máy, nhà xưởng đều là các công trình kiên cố với quy mô từ vài trăm đến hàng nghìm m2 được các doanh nghiệp thuê lại đất của Việt Hà Nông nghiệp với đủ loại ngành nghề kinh doanh như: sản phẩm cơ khí, bia, may mặc, sản xuất giấy, bao bì, gia công đá… hoạt động suốt ngày đêm, tạo tiếng ồn lớn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Biển chỉ dẫn vào các công ty, đơn vị đã thuê đất của Việt Hà Nông nghiệp.
Đáng nói hơn hiện tượng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, tình trạng nhà kiên cố, nhà xưởng, nhà máy ngang nhiên mọc lên như nấm xảy ra tràn lan trên đất Việt Hà Nông nghiệp, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương vẫn không hề xử lý và có biện pháp ngăn chặn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích đất được giao cho Việt Hà quản lý và sử dụng là 230.769m2, trong đó chỉ có 19.633m2 được phép ký hợp đồng cho thuê đất. Tuy nhiên, công ty này lại tự ý sử dụng đất nông nghiệp để cho thuê lại nhà xưởng với diện tích lên đến khoảng 140.000m2.
Mặc dù được giao quản lý đất với diện tích khủng như trên, nhưng khoản doanh thu đem lại cho Việt Hà Nông nghiệp từ hoạt động cho thuê nhà xưởng trong năm 2016 chỉ vọn vẻn đạt gần 8,9 tỷ đồng (năm 2015 đạt gần 9 tỷ đồng), tức là hơn 64.000 đồng/m2/năm. Đây là con số rất bất hợp lý và không thể tưởng tượng với bất kỳ nhà quản lý doanh nghiệp nào.
Qua khảo sát thực tế một số khu vực lân cận cho thấy, gia đất thổ cư bình quân dao động từ 40.000.000-50.000.000 đồng/m2; giá cho thuê nhà xưởng từ 70.000-90.000 đồng/m2/tháng, ngay cả cho thuê mặt bằng không có nhà xưởng cũng không có giá dưới 25.000m2/tháng. Vậy tại sao, Việt Hà Nông nghiệp sở hữu khu đất có vị trí đắc địa, hàng đầu khu vực nội thành phía Tây Hà Nội lại chấp nhận đơn giá cho thuê đất có hơn 5.000 đồng/m2/tháng.
Phải chăng có sự móc ngoặc để gửi giá giữa người thuê đất và cho thuê đất trong trường hợp này? Có hay không khoản chênh lệch doanh thu khổng lồ từ việc cho thuê nhà xưởng, thuê đất giữa con số thực và số liệu được ghi trong sổ sách, giấy tờ? Năng lực quản lý doanh nghiệp của ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Việt Hà Nông nghiệp đang là một dấu hỏi lớn bởi tài sản của doanh nghiệp đang có dấu hiệu bị thất thoát nghiêm trọng do những bản hợp đồng cho thuê đất, nhà xưởng đã được “chắp bút” ký có đơn giá vô cùng bất lợi cho chính Việt Hà Nông nghiệp và các cổ đông góp vốn vào Công ty?
Hàng chục các công trình kiên cố của các doanh nghiệp thuê làm nhà xưởng trên phần diện tích rộng khoảng 140.000m2 được Việt Hà Nông nghiệp cho thuê chưa đến 9 tỷ đồng/năm.
Cũng cần phải nói thêm, từ trước đến nay, Việt Hà Nông nghiệp mới nộp tiền thuê đất theo diện tích hợp đồng 19.633m2. Theo thông báo của Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm, tiền thuê đất Công ty phải nộp cho năm 2016 là 1,128 tỷ đồng. Số tiền này được tính trên cơ sở mục đích sử dụng là trụ sở, văn phòng theo Hợp đồng thuê đất.
Tuy nhiên, hiện nay, Chi cục Thuế Bắc Từ Liêm thông báo diện tích thuê đất của Việt Hà Nông nghiệp không thể kê khai mục đích sử dụng là trụ sở văn phòng; mà phải kê khai mục đích sử dụng là thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, Chi cục Thuế Bắc Từ Liêm sẽ phải rà soát lại tiền thuế đất của Việt Hà Nông nghiệp trong những năm trước đây do sử dụng chưa đúng mục đích theo Hợp đồng thuê đất.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến UBND quận Bắc Từ Liêm và Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Việt Hà để liên hệ làm việc; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía các đơn vị này.
Dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý tài chính của Việt Hà Nông nghiệp đã kéo dài trong nhiều năm, khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các cấp chính quyền Hà Nội đã bất lực hay có sự “đặc cách” nào trước sai phạm? Đề nghị, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quan chức năng của thành phố tiến hành thanh, kiểm tra đối với các dấu hiệu sai phạm của Việt Hà Nông nghiệp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin các dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý tài chính của Việt Hà Nông nghiệp trong các bài viết tiếp theo.
Theo Phan Anh Tuấn - Đỗ Đông/Tapchimattran.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.