Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 7 năm 2017 | 1:49

Hà Nội kiến nghị thu hồi đất sân bay Miếu Môn bị chiếm trái phép

Thông báo kết luận thanh tra Hà Nội công bố sáng nay tiếp tục khẳng định "không có đất nông nghiệp tại xứ đồng Sênh".Ngày 24/7, thanh tra TP Hà Nội có Thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.Nội dung chính của kết luận không khác so với dự thảo đã công bố tại UBND huyện Mỹ Đức ngày 7/7. Thanh tra thành phố tiếp tục khẳng định "không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha xứ đồng Sênh" như ý kiến của ông Lê Đình Kình cùng một số công dân, và "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".Cơ quan thanh tra kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với các đơn vị quốc phòng có biện pháp cương quyết buộc những công dân đang chiếm giữ trái phép đất quốc phòng di chuyển tài sản, hoa màu, trả lại mặt bằng cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) để xây dựng công trình quốc phòng.


Sau hơn 2 tháng thanh tra, TP Hà Nội đã công bố kết luận việc quản lý sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, Mỹ Đức. Ảnh: Võ Hải.

236,7 ha khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng

Thông báo cho hay, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn (tổng diện tích 236,7 ha; trong đó có 64,03 ha thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng và do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, các đơn vị quốc phòng cũng như UBND xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài khi để một số hộ dân xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng.

Tháng 2/2017, một số công dân đã có "hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật" khi tổ chức đo đạc, phân lô trên phần diện tích đất Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang thực hiện dự án trong diện tích đất sân bay Miếu Môn.

Thanh tra thành phố cho biết, những đơn tố cáo liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm trước đây đã được thành phố kết luận rõ đúng, sai. 19 cá nhân có sai phạm đã bị kỷ luật về Đảng với 8 người bị khai trừ, 14 người bị khởi tố.

Với kiến nghị của ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha (có đơn nêu là 96 ha), thanh tra thành phố phản hồi là “không đúng”.

Cụ thể, hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm thể hiện xã không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha hoặc 49 ha xứ đồng Sênh. Các mốc giới do công dân dẫn Đoàn thanh tra kiểm tra tại hiện trường và vẽ trên một phần sơ đồ hiện trạng đất sân bay năm 2013 là các mốc giới hạn diện tích 50,03 ha do Quân chủng Phòng không Không quân cắm năm 2016 để giao Viettel xây dựng dự án.

“Thực tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”, kết luận nêu.

Thu hồi dự thảo phương án đền bù 14 hộ dân

Theo thanh tra TP Hà Nội, để giao đất cho Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn, thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân đang sử dụng đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.

Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Mỹ Đức đã có dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 14 hộ dân với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Nhưng do một số công dân có ý kiến nên đến nay, UBND huyện Mỹ Đức chưa có quyết định phê duyệt phương án cho các hộ.

Kết quả thanh tra cho thấy, trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng chỉ 5 hộ có giấy do Ủy ban hành chính xã, HTX nông nghiệp Đồng Tâm cho mượn đất để ở và sản xuất từ trước năm 1980, giấy tờ của các trường hợp khác không có căn cứ pháp luật. Bên cạnh đó, tại thời điểm kiểm đếm, diện tích sử dụng của các hộ tăng lên rất nhiều (hộ tăng ít nhất là hơn 1.000 m2, hộ tăng lớn nhất là hơn 16.000 m2).

Ngày 24/5, Đoàn Thanh tra đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của các đơn vị liên quan và đi đến thống nhất: do chưa xác định nguyên nhân và thời điểm tăng diện tích đất, thời điểm xây dựng công trình của các hộ dân nên đề nghị thành phố chỉ đạo huyện Mỹ Đức thu hồi các dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ của 14 hộ trước đây, lập lại phương án bồi thường hỗ trợ cho 14 hộ dân theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm sai phạm của cá nhân, tổ chức liên quan

Từ kết luận trên, thanh tra kiến nghị UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị có biện pháp quản lý chặt đất quốc phòng, trong đó có diện tích 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn; thu hồi ngay diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn, bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép.

Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức được yêu cầu kiểm điểm về những thiếu sót đã nêu; phối hợp với Lữ đoàn 28 rà soát kỹ nguồn gốc, nguyên nhân và thời điểm tăng diện tích đất, thời điểm xây dựng công trình của các hộ dân để làm lại phương án bồi thường hỗ trợ; trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm.

Công an thành phố phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng làm rõ các vi phạm của cán bộ, công chức và cá nhân trong việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Trao đổi với VnExpress sáng 25/7, ông Lê Đình Kình vẫn bảo lưu quan điểm đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha đã được cắm mốc giới rõ ràng, còn lại là đất nông nghiệp của người dân.

Ông cũng cho biết các thành viên tổ đồng thuận sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ. "Hôm 20/7, thành viên tổ đồng thuận đã lên thanh tra thành phố trao văn bản phản bác, đồng thời đề nghị xin một bản dự thảo kết luận thanh tra nhưng không được đồng ý vì nguyên tắc", ông Kình nói.

Trước đó hôm 7/7, thanh tra TP Hà Nội đã công bố dự thảo kết luận thanh tra với sự tham dự của 200 người tại UBND huyện Mỹ Đức.

Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn (nằm trên địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) được công bố hôm 20/4 - 5 ngày sau biến cố tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm.

Ngày 15/4, 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị người dân giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại.

7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên.

 

Theo Võ Hải/vnexpress.net

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top