Trước tình trạng nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, UBND TP. Hà Nội đã thành lập đoàn công tác nhằm xử lý, tháo gỡ, khó khăn vướng mắc.
Từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
La liệt dự án chậm tiến độ
Ngày 8/3/2021, HĐND TP Hà Nội có Quyết định số 21/QĐ-HĐND thành lập đoàn tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Bà Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố làm Trưởng đoàn, sẽ làm việc trực tiếp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm theo kết luận giám sát của HĐND thành phố.
Theo thống kê từ đoàn giám sát, hiện nay trên địa bàn thành phố, có 383 dự án chậm triển khai, chưa giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích… Một số dự án chậm tiến độ rất nhiều năm, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí tài nguyên đất, bức xúc trong dư luận.
Qua tìm hiểu của phóng viên, một trong những dự án bỏ hoang phải kể đến là dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung được quy hoạch có diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông. Dự án được khởi công vào tháng 2/2007, nhưng “đắp chiếu” nhiều năm. Hiện doanh nghiệp mới hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà CT4 và CT7, còn lại 04 công trình CT2, CT3, CT5, CT6 chưa có động thái triển khai, bên ngoài được quây tôn và trở thành nơi xả rác, tập kết vật liệu gây ô nhiễm môi trường.
Cũng tại Hà Đông, hai tòa tháp nằm trên ô đất HH-01 cao 41 tầng, HH-02 cao 37 tầng thuộc tổ hợp Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tại khu đô thị Mỗ Lao do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư được đánh giá, sẽ trở thành trung tâm thương mại của quận Hà Đông và của khu vực Tây Nam Hà Nội. Thế nhưng, sau hơn chục năm phê duyệt dự án, đến nay hai toà tháp này vẫn là bãi đất hoang. Người dân tận dụng, xả rác, tập kết vật liệu xây dựng, gây ô nhiễm môi trường.
Còn tại quận Hoàng Mai, dự án KĐT mới Thịnh Liệt được UBND TP. Hà Nội giao cho Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư vào năm 2004. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ, khiến đời sống của người dân sống trong diện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự phức tạp. Đỉnh điểm, năm 2018, khắp dự án cắm biển cảnh báo “Đề phòng cướp, cướp giật”.
Ngoài ra, nhiều dự án chậm triển khai tại các quận, huyện khác đã được UBND TP Hà Nội yêu cầu thanh, kiểm tra một loạt dự án chậm triển khai khác như: Dự án khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) của Tổng Công ty phát triển nhà và đô thị (HUD), chậm triển khai 16 năm; Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà Sudico rộng 10,6ha, chậm tiến độ 11 năm...
Thiếu sự phối hợp
Nhiều chuyên gia lĩnh vực đất đai nhận định, tất cả các dự án bỏ hoang trên đều có điểm chung là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính. Dựa vào việc điều chỉnh này, chủ đầu tư cũng kéo dài thời gian làm thủ tục tiếp theo khiến cơ quan chức năng khó xử lý.
Cụ thể, chia sẻ về vấn đề chậm triển khai gần chục lô đất hai bên đường Mỗ Lao, đại diện UBND phường Mỗ Lao cho biết, do dự án điều chỉnh quy hoạch với nhiều thủ tục như thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giãn tiến độ thực hiện…
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn lặp lại không có nhiều tiến triển.
Có thể nói, để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân chủ quan từ nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức thức thực hiện, chưa sâu sát và chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm.
Công tác phối hợp giữa các sở ngành với quận, huyện, thị xã còn thiếu tính liên kết, chưa chủ động trong tham mưu cho UBND thành phố trong quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành chưa tham mưu, cập nhật theo dõi các dự án, công tác hậu kiểm còn hạn chế.
Dấu hiệu lợi ích nhóm
Dưới góc độ chuyên gia, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: Tình trạng dự án bỏ hoang đất là phổ biến, không phải là hãn hữu, mà gần như xảy ra tất cả các địa phương. Tại nước ta, lợi dụng sự lỏng lẻo của chính sách đất đai, các đại gia thu tiền từ đất rất lớn. Có tình trạng ôm dự án, tích trữ đất để đấy rồi chờ giá đất lên, khi mà có quy hoạch, khi phát triển đô thị, hạ tầng, giá đất lên cao, chênh lệch giá đất dẫn đến Nhà nước thiệt hại rất nhiều.
Cũng theo ông Võ, chúng ta đã có quy định về xử lý các dự án treo. Theo đó, các dự án hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định tại Luật Đất đai 2013 đã rất rõ ràng, nhưng thực tế xử lý các dự án treo còn rất yếu. Dự án bỏ hoang đất dẫn đến lãng phí cũng cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm.
Bàn về giải pháp xử lý và hạn chế các dự án “treo”, các chuyên gia bất động sản cho rằng, cần phải rà soát một cách tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Thành phố cùng với các sở, ban, ngành cần đưa ra bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan dự án nào sẽ thu hồi 100%, dự án nào thu hồi theo từng phần.
Nếu lỗi thuộc về khâu thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai kịp tiến độ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Cần xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.