Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 6 năm 2019 | 23:10

Hà Nội: Nhà xưởng trái phép “mọc như nấm” trên ô đất 460 Trần Quý Cáp

Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường tự ý “xẻ thịt” hàng chục hecta đất dự án tại số 460 Trần Quý Cáp (Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) cho các công ty tư nhân thuê đất mở nhà xưởng, kho bãi để hoạt động kinh doanh in ấn, giặt là…

Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường, trước đây là Nhà máy Cơ khí cầu đường (thuộc Liên hiệp đường sắt Việt Nam), được thành lập theo Quyết định số 603/QĐ/TCCB-LĐ ngày 5/4/1993 của Bộ Giao thông Vận tải. Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký hợp đồng cho thuê 13.474m2 đất tại số 460 phố Trần Quý Cáp, thời hạn thuê 10 năm từ ngày 1/1/1996 để phục vụ hoạt động sản xuất.

 

xay-dung.jpg
Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường đã ngang nhiên “xẻ thịt” đất dự án.(Nguồn: Việt Khoa – Quang Dương - Báo điện tử Xây dựng)

Đáng chú ý, tại Văn bản số 1923/UBND - TNMT ngày 16/10/2018, do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp ký có nêu: “Trong quá trình hoạt động, Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường đã cho các công ty tư nhân thuê đất để sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường như: xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định, UBND quận Đống Đa đã ban hành quyết định xử phạt, đồng thời, đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt của đơn vị. Tuy nhiên, đến nay, Công ty vẫn không thực hiện.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, chất lượng nước thải của Công ty cũng không đạt quy chuẩn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Không những vậy, do không phù hợp với quy hoạch nên Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường lọt vào danh sách 15 cơ sở bị đề xuất di dời ra khỏi khu vực các quận nội thành.

 

xay-dung-1.jpg
Hoạt động cho thuê sử dụng làm kho bãi khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác.(Nguồn: Việt Khoa – Quang Dương - Báo điện tử Xây dựng)

Trước tình trạng trên, UBND quận Đống Đa đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị cập nhật vào danh sách đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải xử lý triệt để. Văn bản UBND quận Đống Đa nhấn mạnh, việc Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường và các công ty tư nhân gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, sử dụng ô đất 460 Trần Quý Cáp sai mục đích.

Dù các cơ quan chức năng đôn đốc quyết liệt xử lý, tuy nhiên ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng vào ngày 6/5/2019, tại ô đất số 460 Trần Quý Cáp, mọi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Tiếng máy móc phát ra ầm ầm, nhiều phương tiện ra vào vận chuyển hàng hóa liên tục.

Cũng theo phản ánh của nhiều người dân sống tại khu vực này cho biết: Những nhà xưởng này hoạt động lâu năm, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng bởi mùi hóa chất in ấn và nước giặt là. Trong khi đó, nước thải hóa chất không qua xử lý ngày ngày chảy ra cống tập thể. Hàng ngày khí độc vẫn âm thầm bay vào khu tập thể, đe dọa sức khỏe của bà con ở dãy nhà A1 và A2. Người dân tổ 43 phường Văn Chương cũng đã có những kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, kiểm tra thực tế khu sản xuất này để bà con yên tâm có cuộc sống yên lành.

 

xay-dung2.jpg
Hoạt động kinh doanh tại đây cũng diễn ra khá tấp nập. (Nguồn: Việt Khoa – Quang Dương - Báo điện tử Xây dựng)

Bức xúc trước thực trạng này, nhiều người dân cũng đã đề nghị gặp lãnh đạo Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường để khiếu nại. Tuy nhiên, sau những lần gặp gỡ và hứa hẹn thì mọi chuyện vẫn đâu hoàn đấy, thậm chí càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với báo chí, ông Đường Phan Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết: “Những nhà xưởng không phép đã có từ nhiều năm. Khu đất này của bên đường sắt sử dụng để chế tạo các linh kiện phục vụ cho tàu hỏa”. Từ khi có phản ánh của người dân, UBND quận đã có văn bản gửi lên thành phố từ tháng 10/2018, nhưng chưa nhận được phản hồi, về việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của phường.

UBND phường Định Công: Xuất hiện nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp?

Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt thông tin phản ánh về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đang diễn ra "vô tư" tại địa bàn phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).

Mặc dù, những ngôi nhà kiên cố được xây dựng quy mô từ 2 - 3 tầng ngay trên đất nông nghiệp. Nhưng đây vẫn chưa phải là phản ánh cuối cùng mà người dân gửi tới các cơ quan báo chí; anh T.H một người dân sinh sống trên địa bàn phường Định Công phản ánh, “dạo gần đây, trên địa bàn Định Công vẫn đang tiếp diễn tình trạng công trình xây dựng mọc trên đất nông nghiệp không  bị xử lý, các công trình dạng này hầu như đều có quy mô từ 2 đến 4 tầng”.

dinh-cong.jpg
Một ngôi nhà vừa mới được hoàn thiện tại ngõ 46 phố Định Công Hạ.(Nguồn: Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống)

 

Thông tin người dân phản ánh được báo chí vào cuộc xác minh thực tế, đồng thời ghi nhận ý kiến người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng không hiểu vì sao, ông Nguyễn Cường Hùng - Phó chủ tịch UBND phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) - vẫn phủ nhận và cho rằng, không có trường hợp mới nào về xây dựng trên đất nông nghiệp?

Mới đây, ông Nguyễn Cường Hùng - Phó chủ tịch UBND phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phủ nhận trước báo chí rằng- việc trên địa bàn phường đang có công trình xây dựng mới trên đất nông nghiệp.

“(Phố) Trần Điền tồn tại từ xưa tới nay. Làm gì có công trình nào mới xây, từ trong Tết đến giờ không có nhà nào làm, cấp 4 cũng khôngcó. Không có hồ sơ gì, bọn anh có cho làm gì đâu mà có hồ sơ gì. Chỉ có mấy công trình chỗ 192 có phép thôi. Khu đất nông nghiệp các nhà vẫn tồn tại từ ngày trước. Có biện pháp gì? Bây giờ chờ dự án trên thành phố, giờ người ta đang ở ra đuổi người ta đi à. Người ta đang ở ổn định như thế sao đuổi đi được”, ông Nguyễn Cường Hùng nói.

 

dinh-cong1.jpg
Công trình xây dựng 2 tầng cũng ở ngõ 46 phố Định Công Hạ. (Nguồn: Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống)

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của báo chí, không chỉ riêng phố Trần Điền, ngõ 192 đường Lê Trọng Tấn… mà ngay trong ngõ 46 phố Định Công Hạ cũng đang tồn tại công trình xây dựng mới. Thậm chí, một số công trình tại ngõ này còn mới sơn xong và chủ nhà cũng chưa kịp về ở. Vậy, việc ông Nguyễn Cường Hùng phủ nhận không có công trình xây dựng nào mới trên địa bàn phường liệu có chính xác? Liệu có việc chính quyền phường Định Công “bao che” cho những công trình xây dựng này?

Các công trình xây dựng vi phạm chình ình chứ không phải cây kim, con kiến. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có chỉ đạo về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn của các chủ tịch quận,huyện, phường xã… Vậy nên, rất cần cơ quan chức năng của quận Hoàng Mai và của thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn, cũng như xem xét xử lý trách nhiệm quản lý địa bàn của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Hà Nội: Công bố kết luận kiểm tra tại dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao

Đoàn kiểm tra Liên ngành của thành phố Hà Nội đã công bố kết luận kiểm tra những sai phạm xảy ra tại dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao, xây dựng trên địa bàn các xã Yên Trung và Yên Bình của huyện Thạch Thất.

suối-sao.jpg
Kết luận kiểm tra những sai phạm xảy ra tại dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao.

Dự án Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao, là dự án trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp khai thác du lịch sinh thái, trước đây được huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình cấp phép đầu tư xây dựng giai đoạn 1 và đã đi vào hoạt động từ năm 2007. Sau khi sáp nhập về Hà Nội dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2, nhưng phải chờ khớp nối với quy hoạch Đô thị Vệ tinh Hòa Lạc. Trong thời gian qua, tại dự án đã phát sinh một số hạng mục sai phạm xây dựng khi chưa được cấp phép.

Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề xuất với UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sa, là công ty Kova, chấp hành nghiêm các quyết định, khắc phục hậu quả, xử lý, tháo dỡ công trình vi phạm và ngừng tuyệt đối thi công xây dựng công trình tại xã Yên Trung – Yên Bình của huyện Thạch Thất; Đề nghị UBND huyện Thạch Thất nghiêm túc rút kinh nghiệm chấn chỉnh các xã, các phòng ban chuyên môn trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top