Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, không nằm ngoài quy luật đó, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác này. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, việc ứng dụng CNC ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế.
Trồng hoa lan công nghệ cao tại thị trấn Phùng (Đan Phượng). Ảnh: Quang Thiện
NNCNC mới đạt 25%
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, hiện, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC toàn thành phố mới đạt 25%. Trong đó, với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là rất rộng mở. Trước hết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, trên 150.000ha, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa được gần 79.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng CNC, cơ giới hóa vào sản xuất. Hơn nữa, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn thành phố hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.
Đan Phượng là huyện khá thành công khi mời gọi được một số DN về đầu tư phát triển NNCNC. Điển hình là khu trồng hoa CNC của Công ty Toàn Cầu ở thị trấn Phùng. Tổng diện tích của mô hình khoảng 3,4ha nhưng vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng. Ngoài phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, còn có khu nhà kính sản xuất hoa rộng 2.000m2 đang trồng hàng ngàn cây lan. Chị Nguyễn Kim Cúc, cán bộ phụ trách sản xuất của Công ty cho biết, đơn vị đang sản xuất hơn 50 loại hoa các loại, chủ yếu là lan hồ điệp và cattleya, bắt đầu cho sản phẩm bán từ Tết Nguyên đán 2017 với giá trung bình 250.000 đồng/cây.
Ngoài hoa lan, một số dự án trồng rau, lúa, nấm ăn ứng dụng CNC cũng đang được triển khai tại một số xã khác của huyện Đan Phượng như Tân Lập, Tân Hội, Song Phượng…
Thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) có mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết. Ông Hoàng Văn Thám, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, cho biết, khu sản xuất rau an toàn có Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.
Hiện, Hà Nội có hơn 110ha ứng dụng CNC trong khâu sản xuất giống, tưới nước tiết kiệm, sử dụng nhà màng, nhà lưới, điều khiển nhiệt độ, ánh sáng; 950ha cây ăn quả thực hiện ứng dụng CNC trong nuôi cấy mô lựa chọn giống và bao buồng, tưới nước; 2.700ha đất trồng hoa với 50 vùng sản xuất tập trung chuyên canh với quy mô hơn 20ha…, cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Đặc biệt, Hợp tác xã Đan Hoài, Công ty Flora Việt Nam tại huyện Đan Phượng đã đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nước, điều hòa nhiệt độ, độ ẩm để trồng các loại hoa cao cấp như hoa ly, hoa lan; doanh thu đạt từ 4-5 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội thừa nhận, các mô hình sản xuất NNCNC trên địa bàn Thủ đô còn ít. Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. CNC mới chỉ được ứng dụng ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao, thiếu tính cạnh tranh.
Nhiều khó khăn
Nguyên nhân chính dẫn đến khó ứng dụng CNC trong nông nghiệp là đòi hỏi nguồn đầu tư lớn; hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ; việc tích tụ ruộng đất để cho doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, với lợi thế đất rộng, lãnh đạo huyện rất mong các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến địa phương tìm hiểu, thuê đất, nhưng đều chưa thành công. Mới đây, một doanh nghiệp đề nghị huyện tạo điều kiện cho thuê 35ha đất để trồng dược liệu sạch, nhưng sau 3 tháng, các cán bộ từ huyện đến xã, thôn lăn lộn đến từng hộ dân vẫn không thể có đủ đất cho doanh nghiệp. Người dân có tâm lý giữ đất, sẵn sàng bỏ ruộng hoang, nhưng không cho doanh nghiệp thuê hoặc chỉ đồng ý cho thuê ngắn hạn, 1-2 năm.
Ngoài ra, một khó khăn lớn hiện nay là quy hoạch phát triển sản xuất NNCNC trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành. Hà Nội vẫn chưa tìm ra sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Mô hình sản xuất nông nghiệp chưa được định hình. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền thẳng thắn: Nông nghiệp Thủ đô vẫn phát triển tự phát, địa phương nào cũng theo mô hình na ná nhau, chưa có sản phẩm tiêu biểu của từng địa phương, vì thế, nếu không quy hoạch tốt, dễ dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá. Thành phố cần rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô để có định hướng sản xuất hợp lý.
Năm 2017 được Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” lựa chọn là năm chuyên đề mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng CNC. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng 1 điểm nông nghiệp ứng dụng CNC cấp thành phố, đồng thời mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 điểm và thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ ưu đãi. |
Vân Nhi
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.