Từ đầu những năm 2000 đến nay, Hà Nội đã giao đất cho hàng loạt doanh nghiệp để triển khai các dự án nhà ở, cũng như hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có không ít dự án chậm triển khai nhiều năm, thậm chí hơn thập kỷ vẫn chưa khởi công.
Chậm tiến độ các dự án cấp bách
Từng được mong đợi là dự án trọng điểm, tuy nhiên, Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích với tổng mức đầu tư hơn 6.914 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện đã chậm tiến độ hơn 11 năm khiến cử tri và người dân Thủ đô bức xúc.
Cụ thể, ngày 6/10/2010, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND phê duyệt dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì). Tổng mức đầu tư của dự án là 6.914,3 tỷ đồng.
Dự án có diện tích sử dụng đất lên tới 482,15ha. Quy mô đầu tư gồm nhiều hạng mục công trình lớn như: Cống lấy nước đầu mối bên bờ hữu sông Đà; Kè bảo vệ khu vực cống đầu mối tại bờ hữu sông Đà dài 269m; các công trình quản lý, hệ thống trạm biến áp, đường dây trung áp, hạ áp; trạm bơm Cẩm Yên...
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, công trình này hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc ứng phó hiện tượng hạ thấp mực nước sông Hồng. Bổ sung lưu lượng thiếu hụt nguồn tiếp nước của cống Cẩm Đình cho lưu vực sông Đáy; làm nhiệm vụ thau rửa, làm “sống lại” các dòng sông đang bị ô nhiễm và cạn kiệt. Cùng với đó, tạo động lực lớn cho các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội bền vững... Tuy nhiên, hơn 11 năm trôi qua, dự án vẫn dở dang khiến cử tri và người dân bức xúc.
Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư, có công suất xử lý rác từ 700 tấn đến 1.500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện, diện tích sử dụng đất 2,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Sau một năm rưỡi được UBND thành phố chấp thuận triển khai, dự án vẫn đang là bãi đất trống.
Dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác Châu Can (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) do Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long làm chủ đầu tư, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, công nghệ đốt tiêu hủy, diện tích xây dựng 4,8 ha, sau 6 năm triển khai vẫn chỉ là cánh đồng mênh mông...
Tồn tại 37 dự án “ôm đất” rồi bỏ hoang
Theo Thường trực HĐND TP. Hà Nội, tính đến tháng 5/2021, Hà Nội còn 350 dự án chậm triển khai từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được tái giám sát. Ngoài ra, Hà Nội cũng công bố chi tiết danh sách 37 dự án chưa được khắc phục dứt điểm theo kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội. Được biết, đa số các dự án này là dự án nhà ở.
Trong đó, 8 dự án do Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư… thanh tra, kiểm tra; cơ quan cảnh sát điều tra đã và đang điều tra, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Bao gồm: khu nhà ở Xa La và khu bổ sung (Phúc La, Hà Đông), tổ hợp chung cư và thương mại Bemes (Kiến Hưng, Hà Đông) của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu; khu trung tâm thương mại và văn phòng HESCO (Văn Quán, Hà Đông) của Công ty CP thiết bị Thủy Lợi; dự án Nhà máy xử lý rác thải (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) của Công ty TNHH MTV Cơ điện Công Trình; dự án xây dựng bệnh viện Việt Mỹ của Công ty TNHH Hải Châu (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì); Trung tâm tang lễ Văn Minh của Công ty xuyên Thái Bình Dương (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm); mở rộng vườn ươm (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) của Công ty công viên cây xanh; xây dựng Nhà máy Kimono xuất khẩu (Kim Hoa, Mê Linh) của Công ty CP Ngọc Bích...
Ngoài ra, trong danh sách 37 dự án có 26 dự án mà Hà Nội đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chủ đầu tư chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Tại quận Hà Đông có 5 dự án, khu nhà ở Văn La - Văn Khê (Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà -Sudico); Bệnh viện quốc tế Hà Đông (Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long); cụm công nghiệp Đồng Mai (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phong Phú - Tập đoàn Dệt May), khu đô thị mới Văn Phú (Văn Phú - Invest).
Quận Long Biên có 3 dự án, gồm xây dựng doanh trại Trung đoàn cảnh sát cơ động (Công an TP Hà Nội); xây dựng nhà máy (Công ty TNHH Ngọc Linh); xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Sài Đồng (Công ty xây dựng số 3).
Quận Hoàng Mai có 3 dự án, gồm khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội - HANHUD); dự án xây dựng văn phòng làm việc giao dịch giới thiệu sản phẩm và kho hàng (HTX dịch vụ nông nghiệp Sở Thượng); khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD).
Tại quận Nam Từ Liêm có dự án xây dựng nhà ở (Công ty Thiết kế xây dựng nhà); quận Bắc Từ Liêm có dự án mở rộng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Di truyền nông nghiệp); khu vui chơi giải trí (Công ty TNHH Ngọc Linh) tại quận Tây Hồ.
Tương tự, huyện Mê Linh có 6 dự án, huyện Phúc Thọ 3 dự án, huyện Thanh Trì có 2 dự án chậm tiến độ.
Cần mạnh tay thu hồi
Nhiều chuyên gia lĩnh vực đất đai nhận định, đa phần các dự án bỏ hoang đều có điểm chung là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính. Dựa vào việc điều chỉnh này, chủ đầu tư cũng kéo dài thời gian làm thủ tục tiếp theo khiến cơ quan chức năng khó xử lý.
Đứng trên góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc tổ chức khảo sát, tư vấn thiết kế chưa sát thực tế, cho nên phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dẫn đến kéo dài dự án. Những dự án sử dụng vốn ODA (các dự án tuyến đường sắt đô thị) có vốn lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chưa có tiền lệ, cho nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục. Còn với những dự án PPP thì triển khai khá phức tạp.
Liên quan hàng loạt nhà máy rác thải bị chậm tiến độ, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại quy hoạch các khu chứa rác thải trên địa bàn và quý I năm 2022 có thể phê duyệt điều chỉnh. Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên), thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không bảo đảm yêu cầu thì thu hồi lại dự án. Ông Đông cũng khẳng định quan điểm: “Những dự án mà nguyên nhân chậm trễ do chủ đầu tư, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi”.
Đối với các dự án nhà ở chậm tiến độ, UBND TP. Hà Nội cần phải rà soát một cách tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Thành phố cùng với các sở, ban, ngành cần đưa ra bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan dự án nào sẽ thu hồi 100%, dự án nào thu hồi theo từng phần.
Nếu lỗi thuộc về khâu thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai kịp tiến độ.
Đặc biệt, cần xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai, đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.