KTNT - Sau gần 5 năm mỏi mòn chờ đợi kể từ khi tự nguyện bàn giao nhà, đất để nhà nước xây dựng đường Tô Hiệu kéo dài tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có người đã ra đi mãi mãi, người thì gần 90 tuổi nhưng chưa thể ổn định cuộc sống, chưa thể mua nhà tái định cư (TĐC). Nguyên nhân là vì chính sách xác định giá nhà TĐC trái với quy luật phát triển và cách hành xử có “một không hai” của Sở Xây dựng Hà Nội.
Một công trình nằm trong diện giải tỏa mặt bằng để xây dựng đường Tô Hiệu kéo dài trước đây.
Nhiều “uẩn khúc” trong cách tính giá nhà TĐC
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, 3 hộ dân (Lại Phương Lâm, Bùi Thị Mai Hương, Đỗ Thị Thanh Nhuần) cho biết, từ năm 2011, thực hiện chủ trương thu hồi đất để xây dựng tuyến đường Tô Hiệu kéo dài, các hộ tự nguyện bàn giao mặt bằng và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho mỗi hộ mua một căn hộ tái định cư với hệ số k=1,2, giá bán nhà do Sở Tài chính xác định năm 2011.
Sau đó, UBND quận Cầu Giấy tiến hành thanh tra, rà soát hồ sơ, cuối năm 2015, báo cáo UBND thành phố và trình Sở Xây dựng xem xét chấp thuận cho các hộ dân được mua căn hộ TĐC để ổn định cuộc sống.
Đến ngày 08/03/2016, Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 1585/SXD-PTN với nội dung đồng ý bố trí cho 3 hộ dân mua nhà TĐC tại ô đất A14, thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ngày 29/03/2016, Sở Xây dựng có Quyết định số 359/QĐ-SXD phê duyệt giá bán nhà chung cư năm 2011 đối với nhà tái định cư 21T1, 21T2 tại ô đất A14 với giá từ 18,9 - 19,37 triệu đồng/m2. Chiếu theo hệ số k=1,2, tương đương giá nhà TĐC các hộ dân phải trả là khoảng 23 triệu đồng/m2 (cao hơn giá nhà thương mại cùng khu vực).
Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng tại tòa 21T1, 21T2 thuộc ô đất A14, năm 2015 Sở Xây dựng lại phê duyệt giá bán nhà rẻ hơn khoảng 10% (giá chỉ từ 17 - 18,1 triệu đồng/m2). Trong khi đó ai cũng biết giá đất, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công và suất đầu tư của năm 2011 thấp hơn rất nhiều so với năm 2015.
Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Trường Giang, Phó trưởng phòng Quản lý Kinh tế (Sở Xây dựng Hà Nội) thì được biết, nguyên tắc tính giá bán/m2 sàn căn hộ được xác định bởi chi phí xây dựng, tiền sử dụng đất, chi phí bảo trì. Công thức là vậy, nhưng ông Giang cho biết, năm 2011 và năm 2015 lại áp dụng hệ số trượt giá khác nhau và diện tích sàn sử dụng căn hộ khác nhau, cùng hệ số xây dựng tầng hầm cũng khác nhau, do vậy tạo ra sự khác biệt về giá nhà của 2 năm là khá lớn.
Theo đó, hệ số trượt giá của năm 2011 bằng 1,1729 (theo công thức trượt giá của quý III năm 2011 so với quý IV năm 2010, tương đương hơn 72 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 482 tỷ đồng), còn hệ số trượt giá năm 2015 bằng 1,0005155 (theo công thức trượt giá quý IV năm 2014 so với quý IV năm 2013 chênh lệch rất ít).
Trong khi đó, Quyết định 950/QĐ-BXD ngày 31/10/2011 của Bộ Xây dựng về việc công bố chỉ số giá xây dựng công trình quý 3 năm 2011 có nêu rõ việc xác định mức độ trượt giá bình quân (IXDCTbq) để tính toán chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư hay dự toán của công trình được thực hiện bằng cách: tính bình quân các chỉ số giá xây dựng liên hoàn theo loại công trình của tối thiểu 3 thời kỳ gần nhất so với thời điểm tính toán. Các chỉ số giá xây dựng liên hoàn là chỉ số giá xây dựng được tính bằng cách lấy chỉ số giá xây dựng của thời kỳ sau chia cho chỉ số giá xây dựng của thời kỳ trước.
Quy định rõ ràng là tính bình quân các chỉ số giá xây dựng liên hoàn của tối thiểu 3 thời kỳ gần nhất so với thời điểm tính toán, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Sở Xây dựng Hà Nội chỉ lấy quý III năm 2011 chia cho quý IV năm 2010, nên tổng chi phí trượt giá của năm 2011 lên tới hơn 72 tỷ đồng. Một công trình xây dựng của Nhà nước có mức trượt giá như vậy sau chỉ 3 quý thì quả là điều khó lí giải?
Không chỉ thế, vị Phó trưởng phòng này còn cho biết, năm 2015, Sở Xây dựng đã áp dụng hệ số 0,794 làm cơ sở tính diện tích sàn sử dụng căn hộ và dịch vụ tòa nhà 21T - A14 Nam Trung Yên, tương đương 29.896m2 (Tổng mức đầu tư chia cho diện tích sàn càng lớn thì đương nhiên giá thấp). Nhưng, cũng tại tòa nhà 21T - A14 Nam Trung Yên, Sở Xây dựng lại lấy hệ số 0,7 (năm 2011) để làm cơ sở tính diện tích sàn sử dụng căn hộ và dịch vụ tương đương 26.357m2 (Tổng mức đầu tư chia cho diện tích sàn nhỏ thì đương nhiên giá cao).
Khi hỏi căn cứ vào đâu Sở Xây dựng Hà Nội lại áp dụng 2 hệ số khác nhau trong cùng 1 tòa nhà để tính diện tích sàn sử dụng thì nhận được lời khuyên là sang liên hệ Chi cục Quản lý Công sản (Sở Tài chính Hà Nội) tìm hiểu, vì văn bản của Sở rất mờ, không rõ nội dung. Chính điều này đã tạo ra nhiều “uẩn khúc” và dư luận không khỏi hồ nghi về các điều bất thường trong cách tính mà vị cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội nêu.
Sở Xây dựng Hà Nội thờ ơ hay cố tình thực hiện trái luật?
Trong đơn, các hộ dân cũng trình bày, ngày 19/05/2016 đã gửi đơn khiếu nại Quyết định số 359/QĐ-SXD về phê duyệt giá bán nhà chung cư năm 2011 đối với nhà tái định cư 21T1, 21T2 tại ô đất A14 ngày 29/03/2016 do ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội ký. Chờ gần 2 tháng mà không thấy cơ quan chức năng phản hồi, ngày 14/07/2016, đại diện các hộ dân có lên gặp Thanh tra Sở Xây dựng để hỏi về việc trả lời khiếu nại thì được ông Phạm Nam Tiến, Phó trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu tố cáo trả lời: Nội dung của 3 hộ đã được liên ngành tổ chức họp và đang chờ Phòng Quản lý Kinh tế tham mưu cho lãnh đạo để ký nội dung trả lời công dân.
Lúc này, đại diện các hộ dân thắc mắc với đại diện Thanh tra Sở: “Theo đơn khiếu nại của chúng tôi gửi Sở Xây dựng có nội dung khiếu nại quyết định phê duyệt giá bán nhà do ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ký. Đồng thời, trước đó anh Giang (Phó trưởng phòng Quản lý kinh tế) chính là đại diện đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành quyết định. Đến nay, chúng tôi lại được chính đơn vị này “chắp bút” trả lời nội dung khiếu nại, liệu có khách quan không, liệu có đúng quy định của pháp luật hay không?”
Lúng túng trước ý kiến của đại diện các hộ dân, Phó trưởng phòng Thanh tra Sở Xây dựng chỉ trả lời vẻn vẹn sau gần 60 ngày, đó là: “Nếu các hộ dân muốn trả lời theo đơn khiếu nại thì sẽ ghi nhận”, rồi sau đó vị Thanh tra Sở này mới vào sổ ghi chép “mong muốn” của công dân. Điều này, thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, không làm đúng trình tự quy định của Luật Khiếu nại?
Theo Luật Khiếu nại, thời hạn từ lúc nhận đơn khiếu nại đến lúc trả lời là 30 ngày, trường hợp phức tạp là 45 ngày. Đồng thời, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có thông báo thụ lý đơn khiếu nại (sau 10 ngày nhận đơn), trường hợp không thụ lý phải nêu rõ lý do. Quy định là thế, nhưng đến nay đã hơn 60 ngày, mọi điều mà người dân mỏi mòn chờ đợi từ phía Sở Xây dựng chỉ là sự “im lặng”.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành quy định “thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục của cá nhân, tổ chức tại cơ quan hành chính” có nêu rất rõ đối với hồ sơ quá hạn giải quyết, phải tham mưu cho lãnh đạo cơ quan có văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức, nêu rõ lý do quá hạn và thời hạn trả lời lần sau.
Đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng sớm chỉ đạo làm rõ các vấn đề tồn tại trên, công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Ánh Sáng
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.