KTNT - Ở Hà Tĩnh, nhiều vùng đất “bờ xôi ruộng mật” của nông dân bị thu hồi giao cho doanh nghiệp thuê để làm ăn lớn. Thế nhưng, sau khi được cấp đất, nhiều doanh nghiệp lại bỏ hoang, gây mất lòng tin với chính quyền sở tại và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thực hiện chủ trương xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp, ngày 1/2/2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định 153/QĐ-UB cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ (địa chỉ tại Hà Nội) thuê 176.147,5m2 đất thuộc địa phận xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) với thời hạn 20 năm để nuôi tôm công nghiệp. Thế nhưng, chưa đầy 2 năm kể từ ngày nhận đất, Dự án nuôi tôm công nghiệp của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ do công tác quản lý yếu kém cùng nhiều nguyên nhân khác nên bị phá sản. Từ đó đến nay, hơn 17,6ha đất vàng trở thành đất bỏ hoang.
Gần 20ha đất nuôi trồng thủy sản bị bỏ hoang hơn 10 năm.
Ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, cho biết: Hộ Độ là xã đất chật người đông, đời sống của người dân chỉ dựa vào nghề làm muối và nuôi trồng thủy sản. Toàn xã chỉ có 80ha đất nuôi trồng thủy sản nhưng tỉnh đã cắt 17,5ha cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ thuê. Đây là diện tích đất được cho là đắc địa đối với nghề nuôi trồng thủy sản bởi nó nằm sát sông Hạ Hoàng, cạnh Tỉnh lộ 9 nối liền với mỏ sắt Thạch Khê, nhưng rất tiếc, 12 năm nay bị bỏ hoang, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân.
Thấy đất bỏ hoang nhiều năm, người dân sở tại đã tranh nhau nuôi tôm quảng canh. Hệ lụy, đã xảy ra nhiều cuộc tranh giành, xô xát làm mất trật tự an ninh thôn xóm. Ông Trương Khả Độ và ông Đặng Thái Hương sống cạnh vùng đất bị bỏ hoang bức xúc nói với chúng tôi: 12 năm nay, gần 20ha đất bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang, rất xót của nhà báo ạ. Đất cấp cho doanh nghiệp thì bỏ hoang, trong khi hàng trăm người dân không có đất sản xuất, phải bỏ quê đi làm cửu vạn kiếm sống. Thế rồi dân kêu lên xã, xã kêu lên huyện, lên tỉnh vẫn chưa thấu.
Được biết, năm nào trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng kiến nghị với tỉnh thu hồi diện tích đất nói trên để trả lại cho địa phương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Xã Hộ Độ cũng đã lập phương án, nếu khi được thu hồi diện tích đất nói trên, sẽ thành lập HTX nuôi trồng thủy sản nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Hinh cho biết thêm: Hộ Độ là địa phương có nguồn lao động dồi dào, lại có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, vì thiếu đất sản xuất nên hàng chục hộ không có công ăn việc làm. Điều đáng nói, trong khi nhiều địa phương đang tiến hành khai hoang, tận dụng mọi lợi thế để đưa vào nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thì xã có gần 20ha đất nuôi trồng thủy sản lại bỏ hoang năm này qua năm khác. Cấp ủy, chính quyền, rồi người dân nhiều lần đề đạt, kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Gần 10 năm kiến nghị, đề xuất, ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ra Quyết định 3605/QĐ-UB do ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, về việc thu hồi 17,5ha đất nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ ở xã Hộ Độ do vi phạm Luật Đất đai để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Theo đó, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước thực hiện việc đánh giá, xử lý tài sản, giá trị đầu tư hợp pháp do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ đầu tư trên đất thu hồi (nếu có) trước ngày 29/11/2013. Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hộ Độ hết sức phấn khởi, tin tưởng vào cách làm đúng đắn, hợp lý, hợp tình của tỉnh. Thế nhưng, phấn khởi bao nhiêu thì thất vọng cũng không kém. Bởi vì sau gần 1 năm UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, vẫn đang phải chờ sự vào cuộc của các cơ quan tham mưu. Sự chậm trễ thực hiện quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gây tâm lý hoài nghi của nhân dân Hộ Độ và dư luận.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Trần Vũ Thìn
KTNT