KTNT - Thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy cán bộ và sáp nhập thôn, xã để XDNTM, Hà Tĩnh “thừa” hơn 600 nhà văn hóa thôn, cùng với đó là hàng trăm nghìn mét vuông đất khuôn viên bị bỏ hoang. Mặc dù các địa phương đang rất cần “xử lý” khối tài sản này để phục vụ cho công cuộc XDNTM nhưng không biết làm cách nào.
Nhà văn hóa thôn 8, xã Cẩm Quang bị bỏ hoang hơn 2 năm qua đã xuống cấp.
Hàng loạt nhà văn hóa bị bỏ hoang!
Năm 2011, hai thôn La Ngà và Võ Đa của xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) sáp nhập thành thôn Nam Hải, cả 2 nhà văn hóa thôn không đủ điều kiện sinh hoạt cộng đồng nên xã quy hoạch một vị trí mới để xây hội quán thôn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí không có, nhà văn hóa cũ lại chưa có hướng giải quyết nên từ đó đến nay, người dân thôn Nam Hải phải sinh hoạt nhờ tại nhà chống bão của xã. Hơn 6 năm qua, nhà văn hóa cũ ngày càng hư hỏng, xuống cấp, trong khi nhà văn hóa mới thì chưa biết khi nào mới “hiện hình”.
Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho biết, sau sáp nhập thôn, toàn xã có tới 9 nhà văn hóa bỏ hoang. Do lâu năm không sử dụng, không được quản lý tốt nên ngày càng xuống cấp. Địa phương đã đề xuất phương án giải quyết nhưng đến nay vẫn đang phải chờ phản hồi, hướng dẫn xử lý.
Theo ông Huyền, Cẩm Nhượng “đất chật, người đông”, nhu cầu sử dụng đất ở rất lớn, trong khi địa điểm đất tại các nhà văn hóa có vị trí đẹp, rất dễ đấu giá. Nếu 9 nhà văn hóa được đấu giá thì địa phương có ít nhất 4 - 4,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các nhà văn hóa ở vị trí mới.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Cẩm Xuyên đang dư thừa 67 nhà văn hóa thôn với tổng diện tích khuôn viên 32.717m2. Tương tự, huyện miền núi Hương Sơn cũng đang dư thừa 36 nhà văn hóa thôn với tổng diện tích khuôn viên 22.734m2.
Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị thôn, tổ dân phố, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh giảm được gần 700 thôn, tổ dân phố. Điều này đồng nghĩa với số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tương đương đang bị dư thừa, cùng với đó là hàng trăm nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang.
Nhà văn hóa thôn Xuân Nam (xã Cẩm Nhượng) bị bỏ hoang trong khi nhu cầu đấu giá sử dụng của người dân đang rất lớn nhưng không thể thực hiện được
Cần lắm nhưng vướng luật
Ông Hồ Nhật Lệ, Trưởng phòng Quy hoạch - Giao đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, việc xử lý thu hồi đất nhà văn hóa thôn do không có nhu cầu sử dụng đã được các địa phương phản ánh từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do “vướng” Luật Đất đai (chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc thu hồi đất nhà văn hóa thôn khi không có nhu cầu sử dụng - PV) nên chưa xử lý được. Ngoài ra, Hà Tĩnh chưa có Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện (mới có cấp tỉnh - PV) nên việc thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai không dễ dàng.
Trước những vướng mắc trong việc xử lý thu hồi đất đai đối với nhà văn hóa thôn, xóm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản tham mưu, đề nghị UBND tỉnh, đó là: Đối với các khu đất thu hồi tại địa bàn thành phố, thị xã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo phương án phê duyệt.
Đối với các khu đất thu hồi thuộc các địa bàn huyện thì giao cho UBND cấp xã quản lý; UBND cấp xã có trách nhiệm căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan để lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở, phương án sử dụng đất được phê duyệt thì các khu đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được xác định là đất quy hoạch mục đích công cộng, phúc lợi thì việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai. Các khu đất quy hoạch vào mục đích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại thì đề nghị thực hiện giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá.
Tuy nhiên, theo ông Lệ, đây cũng chỉ là ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở với UBND tỉnh, còn việc xử lý cụ thể như thế nào đang chờ HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
Những đề xuất của chính quyền các xã, thị trấn có nhà văn hóa bỏ hoang là rất chính đáng nhưng qua nhiều năm vẫn chưa được thực hiện. Thực trạng này cần sớm được quan tâm giải quyết, để tránh lãng phí tài nguyên đất, đồng thời huy động được nguồn lực cho XDNTM.
ABình - Bá Tân
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.